Phòng, chống xâm hại tình dục, xâm hại tình dục trẻ em

02/05/2019 - 07:53

 - Trong 5 năm (2014 - 2018), tình trạng tội phạm xâm hại tình dục (XHTD), XHTD trẻ em trong cả nước nói chung và tỉnh An Giang nói riêng diễn biến hết sức phức tạp, gây tâm lý lo lắng ở các gia đình có trẻ em và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Theo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc thụ lý, giải quyết tin báo về tội phạm, tình hình tội phạm XHTD, XHTD trẻ em ngày càng nghiêm trọng, có lúc tăng, giảm và xu hướng ngày càng phức tạp, biểu hiện sự suy đồi đạo đức xã hội, coi thường tính mạng, sức khỏe và nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em. Tình trạng trên xảy ra từ nhiều đối tượng như: người thân, cha dượng, láng giềng hiếp dâm trẻ em, hoặc quen biết nhau thông qua mạng xã hội, lợi dụng sự thiếu hiểu biết để giao cấu với trẻ em và cưỡng dâm người dưới 16 tuổi.

Hành vi XHTD, XHTD trẻ em biểu hiện rất đa dạng. Đối với khu vực cấp huyện, đông dân cư hay miền núi, phần lớn hành vi phạm tội do lợi dụng lòng tin trẻ em, dùng vật chất dụ dỗ để thực hiện hành vi phạm tội (tỷ lệ 38,3%); sử dụng vũ lực để gây án (tỷ lệ 29,6%); sử dụng vật chất để dụ dỗ (tỷ lệ 17,8%); lợi dụng sự kém hiểu biết của trẻ, trẻ còn quá nhỏ tuổi, trẻ bị thiểu năng trí tuệ (tỷ lệ 14,3%). Bên cạnh đó, mạng internet là nơi trẻ em dễ bị tấn công và nguy cơ trở thành nạn nhân của những kẻ xâm hại công nghệ cao. Các em vô tình truy cập vào một địa chỉ web dẫn đến trang khiêu dâm; vào các chat room hay tin nhắn thì bị kẻ xấu tiếp cận. Mối nguy hiểm lớn nhất là các em bị dụ dỗ đi gặp mặt đối tượng mà các em chỉ biết thông tin trên mạng xã hội (tỷ lệ 10,46%).

Hội nghị đánh giá kết quả 5 năm thực hiện công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục, xâm hại tình dục trẻ em

Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Trần Văn Thìn cho biết, viện kiểm sát và cơ quan điều tra luôn lãnh đạo, quản lý kịp thời, thường xuyên kiểm tra việc thụ lý, giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm và các vụ việc liên quan đến XHTD, XHTD trẻ em. Qua đó, thống nhất trong chỉ đạo, giải quyết các vụ việc đúng trình tự tố tụng luật định, nâng cao tỷ lệ giải quyết, hạn chế tỷ lệ tin báo quá hạn trong việc giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với 2 tội phạm này. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn công tác đấu tranh tội XHTD, như: số tin báo, tố giác tội phạm, án khởi tố ngày càng cao; sự phức tạp, tính nguy hiểm cho xã hội ngày càng tăng, trong khi số lượng kiểm sát viên, điều tra viên của các đơn vị còn thiếu so với số lượng công việc được giao. Mối quan hệ phối hợp giữa điều tra viên, kiểm sát viên đôi lúc chưa thường xuyên. Hầu hết các vụ XHTD, XHTD trẻ em không bị bắt quả tang, không có nhân chứng, vụ việc xảy ra quá lâu, việc bảo vệ hiện trường, thu thập chứng cứ thường gặp nhiều khó khăn, việc lấy lời khai bị hại dễ dẫn đến trẻ bị tổn thương về tinh thần. Phần lớn bị hại còn nhỏ tuổi, nhận thức chưa đầy đủ, không thể nhớ chính xác thời gian, địa điểm, diễn biến của vụ việc. Trong các vụ án XHTD đối với trẻ em, người bị hại và gia đình người bị hại thường có tâm lý e ngại, sợ ảnh hưởng đến danh dự, cuộc sống gia đình, nên nhiều người chưa dám lên tiếng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân họ hoặc người thân khi bị xâm hại. Ngoài ra, một số quy định của pháp luật chưa cụ thể, chưa tạo cách hiểu thống nhất, gây khó khăn cho quá trình xử lý vụ án.

Vừa qua, tại hội nghị đánh giá kết quả 5 năm thực hiện công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án XHTD, XHTD trẻ em, viện kiểm sát, tòa án, công an các cấp, sở, ngành đã trao đổi một số kinh nghiệm trong công tác thực tiễn; khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp trong thời gian tới… Các giải pháp được đưa ra tập trung ở việc tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống XHTD, XHTD trẻ em; nâng cao hiệu quả trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án liên quan đến XHTD; nâng cao công tác nắm sát địa bàn, nắm chắc đối tượng và chủ động phòng ngừa tội phạm. Đặc biệt, cần tăng cường phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm XHTD, XHTD trẻ em, xem đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội, không chỉ riêng đơn vị, tổ chức nào.

Bài, ảnh: NGUYỄN HƯNG