Quỹ Khuyến học - khuyến tài - “điểm sáng” vì sự nghiệp giáo dục của huyện Thoại Sơn

03/09/2019 - 07:29

 - Với việc triển khai Đề án xã hội hóa hoạt động xây dựng và phát triển hệ thống quỹ Khuyến học - khuyến tài (KHKT) giai đoạn 2019 - 2020, đến nay, 17/17 xã, thị trấn ở huyện Thoại Sơn đã tổ chức lễ ra mắt Hội đồng quản lý quỹ KHKT.

Khen thưởng tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho quỹ KHKT xã Định Mỹ

Ngoài ra, huyện tổ chức công bố quỹ học bổng Nguyễn Văn Thoại đạt 2 tỷ đồng và quỹ KHKT Trường THCS Định Mỹ đạt 1 tỷ đồng. Nâng tổng nguồn quỹ của hệ thống quỹ KHKT toàn huyện đạt trên 15 tỷ đồng. Có thể nói, đây chính là điểm sáng, góp phần chăm lo sự nghiệp giáo dục, ngăn dòng bỏ học, khuyến khích và ươm mầm tài năng.

Nếu tháng 5-2019, toàn huyện Thoại Sơn chỉ có 7/17 xã, thị trấn ra mắt Hội đồng quản lý quỹ KHKT thì thời điểm này, tất cả 17/17 xã, thị trấn của huyện đều ra mắt nguồn quỹ ý nghĩa này. Với nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, huyện Thoại Sơn đã “về đích” huyện nông thôn mới. Cùng chung sự phấn đấu ấy, các cấp Hội KH trên địa bàn huyện đã có rất nhiều nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Nhìn chung, phong trào KHKT của huyện thời gian qua đã phát huy được hiệu quả thiết thực, góp phần chăm lo tốt cho sự học của học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh đã được giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời để tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập.

Một trong những nguồn quỹ KHKT tiêu biểu trên địa bàn huyện Thoại Sơn là quỹ KHKT Trường THCS Định Mỹ. Năm 2017, Trường THCS Định Mỹ đã ra mắt quỹ KHKT, với số tiền trên 600 triệu đồng, do cựu học sinh thành đạt và các nhà hảo tâm đóng góp. Đến nay, nguồn quỹ đã trên 1 tỷ đồng. Đây là 1 trong những ngôi trường có nguồn quỹ KHKT cao nhất trên địa bàn huyện Thoại Sơn. Quỹ hoạt động theo nguyên tắc, lấy lãi từ nguồn quỹ gửi ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng hàng năm để thực hiện việc cấp phát học bổng, hỗ trợ học sinh nghèo, khó khăn... Năm học 2017-2018, quỹ đã chi hơn 80 triệu đồng nhằm khuyến khích, giúp đỡ học sinh nghèo khó và khích lệ giáo viên dạy tốt. Đạt được thành tích như hôm nay, ngoài sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của các cấp, ngành, còn là sự nỗ lực rất lớn của tập thể lãnh đạo, cán bộ, giáo viên và học sinh của trường qua nhiều năm. Nguồn quỹ này đã góp phần giúp nhà trường chủ động trong việc cấp học bổng, khen thưởng hay trợ cấp học sinh nghèo khó học giỏi. 

Cũng trong quá trình thành lập quỹ KHKT ở các xã, thị trấn của huyện, rất nhiều tấm gương tiêu biểu, tích cực vì sự nghiệp giáo dục đã tỏa sáng, không chỉ bằng tấm lòng mà còn là hành động thiết thực nhằm đẩy mạnh phong trào xã hội hóa giáo dục. Tiêu biểu như ông Ngan Minh Nhơn (sinh năm 1956, ấp Đông Sơn II thị trấn Núi Sập). Với vai trò là Chủ tịch Hội KH thị trấn Núi Sập, ông Nhơn luôn đi đầu trong công tác vận động các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm đóng góp tiền, tập vở, đồng phục học sinh, mua bảo hiểm y tế, phương tiện học tập cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị vật chất và tiền mặt từ 300-350 triệu đồng/năm. Chính sự tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục mà ông luôn trăn trở, tìm hướng đi phù hợp, đề ra nhiều giải pháp, tham mưu với Đảng ủy, UBND thị trấn lãnh, chỉ đạo công tác KHKT, xây dựng xã hội học tập để đạt kết quả cao nhất. Đầu năm 2018, ông Nhơn cùng các thành viên có tâm huyết với công tác giáo dục đứng ra vận động, thành lập quỹ KHKT thị trấn Núi Sập. Từ nguồn quỹ ít ỏi ban đầu, với nhiều nỗ lực, cố gắng vận động, chỉ sau 5 tháng quỹ KHKT thị trấn đã chính thức ra mắt, đi vào hoạt động với số tiền trên 1 tỷ đồng. Từ tiền lãi có được qua việc gửi tổ chức tín dụng đã giúp đỡ nhiều hơn học sinh nghèo, khó khăn, học sinh mồ côi, khuyết tật; đồng thời khen thưởng, động viên,tuyên dương, giáo viên, học sinh có thành tích xuất sắc trong từng năm học.

Có thể khẳng định, từ hiệu quả thiết thực và sức lan tỏa mà Đề án xã hội hóa hoạt động xây dựng và phát triển hệ thống quỹ KHKT của huyện Thoại đã đánh thức mạnh mẽ lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền các cấp về quyết tâm, nỗ lực vì một xã hội học tập bền vững, không bạo lực học đường và hạn chế tình trạng bỏ học vì nghèo khó.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN