Quy trình tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, phê duyệt kinh phí khuyến công

14/11/2019 - 07:33

 - Ngày 11-7-2019, UBND tỉnh ban hành quy định về quy trình xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công trên địa bàn An Giang.

1) Quy trình tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, phê duyệt kinh phí khuyến công cấp huyện (huyện, thị xã, thành phố).

a) Đơn vị tiếp nhận hồ sơ: UBND huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là UBND cấp huyện) tiếp nhận hồ sơ đăng ký của cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn huyện.

- Số lượng hồ sơ 3 bộ, gồm: văn bản đề nghị của đơn vị thực hiện đề án; đề án khuyến công; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; các giấy tờ có liên quan đến ngành nghề, lĩnh vực hoạt động theo quy định pháp luật hiện hành.

- 3 phiếu báo giá của 3 đơn vị cung cấp máy móc thiết bị, công nghệ. Phiếu báo giá phải có thông số kỹ thuật, dấu của đơn vị báo giá và tên gọi máy móc thiết bị, công nghệ phải đúng sản phẩm đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

- Một số đề án khuyến công địa phương phải kèm theo các tài liệu như: đào tạo nghề, truyền nghề; đào tạo khởi sự, quản trị doanh nghiệp; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường; lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp; đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp; đầu tư hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại cụm công nghiệp.

b) Thời gian tiếp nhận hồ sơ. Từ ngày 1-10 đến 31-12 hàng năm (đối với đề án đề nghị hỗ trợ cho năm sau). Trường hợp các đề án được phê duyệt của UBND cấp huyện nhưng có thay đổi trong năm do ngừng, điều chỉnh, bổ sung. Thời gian tiếp nhận theo nhu cầu thực tế phát sinh và căn cứ văn bản của Phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng.

 c) Kiểm tra thực tế, thẩm định và phê duyệt kinh phí khuyến công

+ UBND cấp huyện phân công Phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng tiếp nhận hồ sơ.

+ UBND cấp huyện thành lập Tổ kiểm tra đề án, nhiệm vụ khuyến công (gọi tắt là Tổ kiểm tra). Thành phần tổ kiểm tra đề án gồm Phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng tổ trưởng; các thành viên là Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tổ kiểm tra tiến hành kiểm tra thực tế hiện trạng máy móc thiết bị hiện có tại cơ sở CNNT. Việc kiểm tra phải lập thành văn bản.

- Sau khi Tổ kiểm tra tiến hành kiểm tra thực tế tại cơ sở CNNT, Phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng hoàn thiện hồ sơ, tổng hợp danh mục, hồ sơ, kinh phí khuyến công để trình Hội đồng thẩm định, phê duyệt đề án, nhiệm vụ khuyến công của UBND cấp huyện (gọi tắt là Hội đồng thẩm định cấp huyện).

Thành phần Hội đồng thẩm định cấp huyện do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập, gồm: lãnh đạo UBND cấp huyện - Chủ tịch Hội đồng; lãnh đạo Phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng - Phó Chủ tịch Hội đồng; các thành viên là lãnh đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thanh tra, Văn phòng UBND cấp huyện.

- Sau khi có kết quả thẩm định, phê duyệt của Hội đồng thẩm định cấp huyện, Phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng hoàn thiện hồ sơ để trình UBND cấp huyện phê duyệt danh mục, kinh phí khuyến công địa phương, hồ sơ gồm:  Tờ trình của Phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng trình UBND cấp huyện phê duyệt danh mục, kinh phí khuyến công địa phương (kèm biên bản xét duyệt của Hội đồng thẩm định, biểu tổng hợp chi tiết các đề án khuyến công địa phương); dự thảo quyết định của UBND cấp huyện, phê duyệt danh mục, kinh phí khuyến công địa phương.

Hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: H.C

2) Quy trình tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, phê duyệt kinh phí khuyến công cấp tỉnh

a) Đơn vị tiếp nhận hồ sơ: Sở Công thương tiếp nhận hồ sơ đăng ký của cơ sở CNNT trên địa bàn cấp huyện do Phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng tổng hợp. (số lượng và thành phần hồ sơ: như quy trình của cấp huyện); văn bản của Phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng (kèm bảng tổng hợp danh mục đề án).

b) Thời gian tiếp nhận hồ sơ. Từ ngày 1-1 đến 31-1 hàng năm. Trường hợp các đề án được phê duyệt của UBND tỉnh nhưng có thay đổi trong năm do ngừng, điều chỉnh, bổ sung. Thời gian tiếp nhận theo nhu cầu thực tế phát sinh và căn cứ văn bản của Sở Công thương.

c) Kiểm tra thực tế, thẩm định và phê duyệt kinh phí khuyến công

- Sở Công thương phân công phòng chuyên môn hoặc đơn vị trực thuộc (Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp) tiếp nhận hồ sơ.

- Sở Công thương thành lập Tổ kiểm tra đề án, nhiệm vụ khuyến công (Tổ kiểm tra đề án, nhiệm vụ khuyến công: gọi tắt là Tổ kiểm tra) tiến hành kiểm tra thực tế hiện trạng máy móc thiết bị hiện có tại cơ sở CNNT.

-  Sau khi Tổ kiểm tra tiến hành kiểm tra thực tế tại cơ sở CNNT. Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp hoàn thiện hồ sơ, tổng hợp danh mục, hồ sơ, kinh phí khuyến công để trình Hội đồng thẩm định, phê duyệt đề án, nhiệm vụ khuyến công Sở Công thương (gọi tắt là Hội đồng thẩm định).

Thành phần Hội đồng thẩm định do Giám đốc Sở Công thương quyết định thành lập, gồm: lãnh đạo Sở Công thương - Chủ tịch Hội đồng; Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp - Phó Chủ tịch Hội đồng; các thành viên là Trưởng các Phòng Kế hoạch - Tài chính; Phòng Quản lý công nghiệp, Thanh tra sở, Văn phòng sở. Mời đại diện Sở Tài chính tham gia thành viên Hội đồng.

- Sau khi có kết quả thẩm định, Sở Công thương hoàn thiện hồ sơ để trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục, kinh phí khuyến công địa phương gồm: Tờ trình của Sở Công thương trình UBND tỉnh, đề nghị phê duyệt danh mục, kinh phí khuyến công địa phương (kèm biên bản xét duyệt của Hội đồng thẩm định, biểu tổng hợp chi tiết các đề án khuyến công địa phương); dự thảo quyết định của UBND tỉnh, phê duyệt danh mục, kinh phí khuyến công địa phương.

TRUNG TÂM KHUYẾN CÔNG VÀ TƯ VẤN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH AN GIANG