“Chạy nước rút” hoàn thành nhiệm vụ năm 2020

19/10/2020 - 09:18

 - Mức tăng trưởng kinh tế 2,45% trong 9 tháng của năm 2020 được xem là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Dù đây là tốc độ tăng trưởng chấp nhận được trong bổi cảnh chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 nhưng là thách thức rất lớn cho chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020.

Nỗ lực vượt khó

Trong tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) thấp của 9 tháng qua (tăng 2,45%, cùng kỳ 2019 tăng 6,4%), khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19 khi chỉ tăng 1,4% (cùng kỳ tăng 8,25%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm cũng chỉ tăng 1,9% (cùng kỳ tăng 6,4%); khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 6,85% (cùng kỳ tăng 9,1%); chỉ duy nhất có khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là tăng cao hơn cùng kỳ (tăng 2,27% so mức tăng 2,11%).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính chung 9 tháng của năm 2020, tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh được 501.800ha, tuy giảm 6.700ha so cùng kỳ năm 2019 nhưng nhờ năng suất lúa đạt bình quân 6,43 tấn/ha (tăng 0,046 tấn/ha) nên sản lượng đạt gần 3 triệu tấn, tăng 943 tấn so cùng kỳ. Trong khi đó, diện tích cây lâu năm hiện có hơn 18.900ha (tăng 1.242ha), ước sản lượng thu hoạch đạt hơn 168.000 tấn (tăng hơn 21.000 tấn).

9 tháng của năm 2020, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tăng 4,06% so cùng kỳ 2019. Trong khi đó, giá trị giải ngân 3.146,6 tỷ đồng, đạt 65,21% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (4.825,3 tỷ đồng) và đạt 59,25% kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao năm 2020 (5.310,7 tỷ đồng). So cùng kỳ năm 2019, tỷ lệ giải ngân cao hơn 2,87%.

Dù trong bối cảnh chịu ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nhưng tổng mức bán buôn, bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 9 tháng qua ước đạt hơn 179.410 tỷ đồng, tăng 3,37% so cùng kỳ. Tuy nhiên, ngành du lịch (DL) chịu thiệt hại nặng khi tổng lượng du khách đến các điểm tham quan, DL trên địa bàn tỉnh giảm đến 40% so cùng kỳ (đạt khoảng 5 triệu lượt khách), doanh thu từ hoạt động DL giảm 35% (ước đạt 3.200 tỷ đồng). Trong đó, lượt khách lưu trú của các khách sạn đạt chuẩn là 220.000 lượt (giảm 60%); lượt khách lưu trú tại các nhà nghỉ, nhà trọ ước đạt 340.000 lượt; riêng khách quốc tế giảm đến 80% (ước đạt 14.200 lượt).

Nhờ nỗ lực của các doanh nghiệp (DN), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng ước đạt 681,2 triệu USD, tăng 3,42% so cùng kỳ 2019, bằng 73,24% so kế hoạch năm 2020. Trong đó, thủy sản đông lạnh xuất 89.594 tấn, tương đương 215,5 triệu USD, tăng 0,94% về lượng và tăng 1,16% về kim ngạch; gạo xuất được 386.850 tấn, tương đương 209,6 triệu USD, tăng 8,55% về lượng và tăng 16,87% về kim ngạch…

Với sự đồng hành, hỗ trợ của tỉnh, 9 tháng qua đã có 571 DN thành lập mới (tăng 50 DN) và 348 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động (giảm 4 đơn vị), tổng số vốn đăng ký 4.049 tỷ đồng (tăng 19,75% so cùng kỳ). Trong khi đó, chỉ có 77 DN hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 20,61%) và 112 đơn vị trực thuộc chấm dứt hoạt động (giảm 13,84%). Trong 9 tháng của năm 2020, An Giang đã thu hút được 42 dự án đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký khoảng 7.177 tỷ đồng, dù giảm 11 dự án nhưng tổng vốn đăng ký đầu tư tăng 603 tỷ đồng.

Phấn đấu đạt kết quả cao nhất

Trong bối cảnh khó khăn chung, An Giang đã triển khai kịp thời chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh (SXKD), bảo đảm an sinh xã hội và ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Trong đó, ngành thuế đã thực hiện điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; áp dụng giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất lắp ráp trong nước; giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp DN có tổng doanh thu năm 2020 dưới 200 tỷ đồng; giảm thu phí, lệ phí do chính sách mới và điều chỉnh giảm phí, lệ phí của Bộ Tài chính…

Thực hiện hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang, 9 tháng của năm 2020, các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ cho 56.448 khách hàng với tổng số tiền 30.803 tỷ đồng (chiếm 41,12% tổng dư nợ toàn tỉnh). Trong đó, dư nợ được miễn, giảm lãi vay là 4.252 tỷ đồng, với 3.801 khách hàng (tiền lãi khách hàng được miễn, giảm lãi vay là 7,3 tỷ đồng); dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 1.238 tỷ đồng, với 6.992 khách hàng; cho vay mới 25.314 tỷ đồng, với 45.655 khách hàng. Đây là những hỗ trợ kịp thời, cần thiết nhằm tạo động lực để DN, hộ kinh doanh phục hồi SXKD, đóng góp vào tăng trưởng của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng, với những tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19, An Giang khó hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 theo kịch bản đề ra. Tuy vậy, các sở, ngành, địa phương cần bám sát chương trình công tác, kịch bản tăng trưởng của UBND tỉnh để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020 ở mức cao nhất.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm là tập trung theo dõi, chỉ đạo đảm bảo an toàn, thắng lợi sản xuất vụ thu đông 2020; chuẩn bị các điều kiện đảm bảo công tác xuống giống vụ đông xuân 2020-2021. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, chuẩn bị tốt nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; thông tin kịp thời đến các DN về thị trường thế giới để có kế hoạch SXKD phù hợp, đồng thời triển khai có hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong và ngoài nước. Một nhiệm vụ trọng tâm khác là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, trong đó thường xuyên tổ chức kiểm tra các công trình trọng điểm, công trình, dự án chậm tiến độ và tỷ lệ giải ngân vốn đạt thấp, các công trình, dự án của các xã điểm xây dựng nông thôn mới để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điều chuyển vốn sang các công trình cần thiết hơn…

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm (2021-2025), tham mưu UBND tỉnh ban hành để tổ chức thực hiện trong toàn tỉnh. Trong đó, lưu ý có phân kỳ thực hiện từng năm cụ thể để tập trung hoàn thành, tạo động lực cho những năm tiếp theo.


NGÔ CHUẨN