Câu hỏi này đã được một số gia đình giải đáp, đó là cần sự nhìn nhận mới, thay đổi quan niệm để phù hợp hơn với đời sống thực tại. Bởi lẽ, trong xã hội thuần nông, vai trò của người đàn ông được đề cao, họ chuyên gánh vác chuyện nặng nhọc, tính toán chuyện làm ăn để mang lại lợi nhuận, đảm bảo đời sống cho gia đình.
Do vậy, người vợ phải giữ vai trò “hậu phương”, chăm sóc chồng, con, vun vén việc nhà cửa chu toàn. Thế nhưng, khi đời sống ngày càng phát triển, nhu cầu đời sống tăng cao, nỗi lo mua nhà, tiền sinh hoạt, chi phí học tập cho con cái ngày càng tăng… đòi hỏi phụ nữ phát huy vai trò làm kinh tế nhiều hơn, vai trò người chồng, người vợ trong gia đình phải xê dịch.
“Trước đây, chồng tôi luôn quan niệm rằng, chỉ cần mỗi đồng lương tài xế xe tải sẽ có thể đảm bảo cuộc sống cho vợ và 2 con. Thế nhưng, thực tế các con ngày càng lớn, cả gia đình không thể chi tiêu chỉ vỏn vẹn 5 - 6 triệu đồng/tháng. Do đó, tôi phải năng động hơn, không chỉ mỗi việc cơm nước, đưa con đi học mà tranh thủ thời gian rảnh, nhận nhặt lông yến gia công tại nhà, tiền công không nhiều nhưng cũng có thể mua sữa hay đóng tiền học cho con” - chị Nguyễn Thị Thúy An (36 tuổi, xã Long Điền B, huyện Chợ Mới) chia sẻ.
Quá trình cơ giới hóa trong nông nghiệp diễn ra nhanh chóng, máy móc dần thay đổi sức lao động của con người, nhiều thanh niên, đàn ông trung niên ở các miền quê dần ít việc làm, đối mặt khó khăn.
“Ngày trước, ai kêu gì tôi làm nấy, ít có ngày nghỉ nên đời sống gia đình do tôi gánh vác, còn vợ chỉ lo chăm sóc nhà cửa, đưa con đi học, vợ có đi bán rau cải cũng chỉ kiếm thêm chút đỉnh. Vậy mà mấy năm nay, mọi chuyện đã thay đổi, không ai kêu làm việc gì, tôi chỉ còn cách phụ vợ đi lấy rau rồi để vợ ngồi bán ở chợ, còn mình về nhà lo chuyện cơm nước, cho con đi học” - anh Thái Văn Ngon (45 tuổi, ngụ thị trấn Hội An, huyện Chợ Mới) thật tình.
Việc thay đổi vai trò, trách nhiệm của nam giới, nữ giới trong gia đình có thể ban đầu sẽ gây cảm giác khó chịu cho chính người trong cuộc, chưa kể tâm lý e ngại bị người xung quanh đánh giá, nhưng rồi cũng phải suy nghĩ thoáng.
Anh T.K (ngụ phường Bình Đức, TP. Long Xuyên) bộc bạch: “Đã là vợ chồng, chúng ta phải yêu thương và chia sẻ, cùng gánh vác trách nhiệm với nhau. Người đàn ông sẽ thật khó khăn khi gặp cảnh thất nghiệp, ở nhà chăm sóc gia đình, con cái, nhìn vợ mình bươn chải bên ngoài. Thế nhưng, do hoàn cảnh mình đành chấp nhận và nhìn nhận thoáng hơn.
Như bản thân tôi vừa mất việc do công ty thu hẹp sản xuất, vừa trải qua tai nạn giao thông, nếu không cố gắng vượt qua cơn đau, ở nhà đưa đón con gái mới 7 tuổi đi học thì làm sao vợ tôi có thể yên tâm lên TP. Hồ Chí Minh tìm việc. Mỗi tháng vợ gửi tiền về, cha con tôi chi tiêu tiết kiệm, cố gắng vượt qua khó khăn thời điểm này, khi có cơ hội việc làm mọi thứ sẽ khác hơn”.
Trong cảnh khó khăn, nhiều cặp vợ chồng đã biết yêu thương, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Họ không nề hà chuyện đi làm bên ngoài nhiều hơn, ai ở nhà làm việc ít hơn, đó còn là trải nghiệm để thấu hiểu nhau hơn. Như anh T. (ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) bộc bạch, nếu như không có những ngày tháng vợ rời nhà đi học lấy bằng thạc sĩ ở TP. Cần Thơ, anh sẽ không hiểu được nỗi vất vả của người “xây tổ ấm”. Anh mãi nhớ những ngày tháng bối rối khi vừa sắp xếp việc cơ quan, phải tính toán giờ giấc đưa đón 2 con đi học, rồi đi chợ, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa và rất nhiều công việc không tên khác.
“Xã hội ngày càng phát triển, nam hay người nữ đều có vai trò, trách nhiệm đối với công việc, với gia đình như nhau. Do vậy, chúng ta không nên phân biệt đàn ông hay đàn bà có trách nhiệm chính hay phụ trong gia đình. Mỗi người cần đứng ở cả 2 góc độ vừa lao động tạo ra thu nhập, vừa phải biết quan tâm, vun vén cho gia đình, để từ đó có thể thông cảm, hiểu cho những vất vả của đối phương. Ai làm tốt việc gì cứ phát huy, đừng vội phán xét hay đánh giá” - anh T. tâm sự.
Trong cuộc sống ngày càng tất bật, mỗi người đang làm việc và học tập nhiều hơn, việc làm và hoàn cảnh sống có nhiều thay đổi hơn so với trước đây, do vậy việc thay đổi vai trò, vị trí của phụ nữ và nam giới trong gia đình là điều hiển nhiên. Ai “xây nhà”, ai “xây tổ ấm” không quan trọng, miễn vợ chồng cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với nhau thì gia đình - tế bào của xã hội sẽ vững chãi, hạnh phúc.
NGỌC GIANG