Đặc thù sông nước
TS Nguyễn Tiến Dũng (Học viện Chính trị khu vực IV) cho rằng, ĐBSCL có hệ thống sông ngòi dày đặc, liên kết tất cả các địa phương trong vùng, có lợi thế rất lớn cho vận tải bằng đường thủy. Trong khi đó, hệ thống giao thông đường bộ vẫn còn kém phát triển, chi phí vận chuyển nông sản rất lớn, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và tiếp cận thị trường nông sản của vùng.
Đặc thù lịch sử hình thành vùng đất Cửu Long là gắn chặt với sông nước. TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, toàn vùng có khoảng 0,5 triệu ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, khoảng 0,1 triệu ha nước lợ nuôi tôm xuất khẩu. Lợi thế nguồn nước ngọt Cửu Long giúp người dân canh tác lúa, vườn cây ăn trái, rau, màu đạt năng suất cao. Nhờ biển rộng, nông và có nhiều đảo, nguồn lợi cá biển ở ĐBSCL chiếm đến 54% trữ lượng của cả nước. Thời tiết thuận tiện, ổn định nên các hoạt động sinh kế nông nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản của cư dân trong vùng diễn ra quanh năm.
Dù tạo ra sản lượng lúa, cá, tôm, trái cây, rau màu lớn nhưng do yếu kém về hệ thống giao thông thủy, bộ nên đầu vào, đầu ra nông sản chủ yếu phụ thuộc vào nhiều tầng nấc trung gian (“cò” lúa, thương lái, đại lý vật tư nông nghiệp), làm giảm giá trị và lợi nhuận, đời sống nông dân vẫn gặp khó khăn.
Theo thống kê, ĐBSCL có 700km bờ biển và hệ thống kênh, rạch chằng chịt dài 28.000km; tổng tuyến đường thủy nội địa của khu vực ĐBSCL dài hơn 14.826km (đường thủy nội địa quốc gia dài 2.882km, còn lại là đường thủy nội địa của địa phương). “Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển vận tải đường thủy tại ĐBSCL, bởi đây là phương thức vận tải có nhiều ưu thế nổi trội, có khả năng chở hàng hóa với khối lượng lớn, chi phí thấp, rẻ so với giá thành vận chuyển bằng đường bộ. Đây cũng là phương thức vận tải an toàn nhất và ít ô nhiễm môi trường”- TS Nguyễn Tiến Dũng nhận xét.
Tiềm năng lớn
Mạng lưới tuyến đường thủy nội địa khu vực ĐBSCL còn mang tính chất liên tỉnh và quốc tế, trong đó có các tuyến xuất phát từ biên giới ra hướng Biển Đông, cho phép tàu từ 500-5.000 tấn hoạt động và những tuyến ngang nối TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây, cho phép tàu 300 tấn hoạt động. Mặt khác, tất cả các dòng sông chính cùng các phụ lưu, hệ thống kênh, rạch tại ĐBSCL liên hoàn chảy qua tất cả các khu công nghiệp tập trung, các khu dân cư, các vùng tài nguyên... của vùng, tạo nên sự kết nối, giao lưu khá thuận lợi. Nhiều tuyến cảng sông tiếp cận trực tiếp với hệ thống đường bộ, với cảng biển quan trọng, tạo nên những điểm nối giao lưu giữa các phương thức vận tải.
Ngoài ra, hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng trên sông nước với nhiều điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Toàn vùng ĐBSCL hiện có gần 100 cảng thủy nội địa và trên 2.100 bến thủy nội địa; lưu lượng hàng hóa vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa đạt trên 51 triệu tấn/năm. Toàn vùng hiện có 15 hợp tác xã, 387 doanh nghiệp vận tải thủy với hơn 1.300 phương tiện đường thủy.
Những năm qua, vận tải thủy trong vùng ĐBSCL đã vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn, nhiều chủng loại, đặc biệt là vận chuyển các loại vật tư phục vụ sản xuất, vật liệu xây dựng, nhiều loại nông sản... Tuy nhiên, do hệ thống đường thủy chưa được đầu tư đồng bộ nên vận tải thủy tại ĐBSCL chưa được khai thác hết tiềm năng, lợi thế, ảnh hưởng tới tốc độ phát triển của toàn vùng.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, có 80% diện tích ĐBSCL có độ cao dưới 2,5m so với mực nước biển. Khi mực nước biển tiếp tục dâng cao, thời gian ngập lụt sẽ kéo dài hơn và nhiều vùng đất ở ĐBSCL sẽ bị nhấn chìm. Các chuyên gia cho rằng, giải pháp cho vấn đề này là phải tập trung nỗ lực phát huy vai trò của vận tải thủy để giải quyết tốt vấn đề thị trường đầu vào và đầu ra nông sản, hàng hóa, hướng đến thích ứng bền vững.
Hướng đến bền vững
Theo Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững vùng ĐBSCL đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích nuôi trồng thủy sản của vùng đạt trên 990.000ha, sản lượng hơn 4,8 triệu tấn. Đề án này quy hoạch vùng ven sông và vùng trũng ngập nước của các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Long An phát triển nuôi cá tra theo hướng hiện đại gắn với bảo vệ môi trường.
Trong đó, An Giang và Đồng Tháp là 2 địa phương sản xuất giống thủy sản nước ngọt, đặc biệt là giống cá tra trọng điểm của vùng. Đối với vùng nuôi trồng thủy sản mặn lợ (tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang), tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản mặn lợ, như: Tôm sú, tôm chân trắng, cua, nhuyễn thể và các giống loài thủy sản mặn lợ khác. Cùng với diện tích, sản lượng lúa đứng đầu cả nước, diện tích cây ăn trái ở ĐBSCL đang phát triển mạnh. Năm 2021, diện tích cây ăn trái của vùng đạt 400.000ha, chiếm gần 40% diện tích cả nước; sản lượng trái cây 4,3 triệu tấn, chiếm 60% sản lượng cả nước và 70% sản lượng trái cây xuất khẩu. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu của khu vực ĐBSCL vào khoảng 17-18 triệu tấn/năm.
ThS Bùi Duy Hoàng (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam) cho rằng, nhu cầu vận chuyển hàng hóa lớn đặt bài toán cho hệ thống vận tải. Bên cạnh đầu tư, nâng cấp hệ thống đường bộ thì cần đầu tư mạnh cho hệ thống giao thông thủy, nhằm giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa, nông sản vùng ĐBSCL. Thời gian qua, có nhiều dự án được nâng cấp, như: Tuyến đường thủy phía Nam và cảng Cần Thơ (652km); phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL (dự án WB5) dài 401km; nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (Tiền Giang) đã hoàn thành giai đoạn 1, hình thành 1.053km tuyến đường thủy nội địa Trung ương. Các tuyến đường thủy kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL hầu hết đã được đầu tư, nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp III, cho tàu trọng tải đến 600 tấn lưu thông.
Mặc dù đã có nhiều dự án nâng cấp, cải tạo và đưa vào khai thác trong giai đoạn gần đây, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần khắc phục. Trong đó, cần đầu tư thông luồng giao thông thủy, nâng cấp các cảng, bến thủy nội địa, kết nối tàu trọng tải lớn từ biển vào sông và từ sông ra biển, đáp ứng yêu cầu vận tải khối lượng siêu lớn, giá rẻ, tăng sức cạnh tranh hàng hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL phát triển theo hướng thích ứng bền vững với biến đổi khí hậu, nước biển dâng…
NGÔ CHUẨN