“Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”

10/12/2021 - 06:30

“Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” – đó là lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi gắm muôn dân. 76 năm đã trôi qua, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn về tầm vóc, giá trị lịch sử Ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946). Thắng lợi của toàn quốc kháng chiến là thắng lợi đầu tiên trong cuộc trường chinh 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1945-1975).

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ngày 2-9-1945, tại vườn hoa Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời trịnh trọng đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Nhưng không lâu sau, với sự giúp đỡ của quân đội Anh, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp tiến công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ 2.

Trong bối cảnh đó, để tránh đương đầu với nhiều kẻ thù cùng lúc, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa một mặt nhân nhượng với Tưởng Giới Thạch, mặt khác kiên quyết phát động phong trào ủng hộ Nam Bộ kháng chiến, đưa hàng vạn cán bộ, chiến sĩ vào Nam chiến đấu, trực tiếp góp phần làm thất bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp. Nhân dân Việt Nam không có con đường nào khác là cầm súng chiến đấu để bảo vệ độc lập, tự do. Ngày 18 và 19-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại Vạn Phúc (Hà Đông), quyết định phát động toàn quốc kháng chiến. Khoảng 20 giờ ngày 19-12-1946, quân dân thủ đô Hà Nội nổ súng mở đầu kháng chiến toàn quốc.

Hòa bình, từ ngữ rất thiêng liêng ấy là khát khao của Đảng, của Bác Hồ, của dân tộc Việt Nam. Nào có ai muốn đem chiến tranh đổi lấy hòa bình, nếu như có thể chọn con đường khác! Đêm 19-12, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra lời kêu gọi đồng bào, với câu từ chất chứa quyết tâm: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”.

Lịch sử đã chứng minh, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh không hề “hiếu chiến”, không hề phát động chiến tranh như các thế lực thù địch xuyên tạc, mà đã cố gắng nỗ lực đến tận cùng để gìn giữ nền hòa bình, không ngăn chặn được chiến tranh thì cố gắng trì hoãn chiến tranh… Nhưng thực dân Pháp không cho chúng ta lựa chọn. Cũng không nên mơ hồ ảo tưởng rằng, không có Toàn quốc kháng chiến, không cần hy sinh, không cần đổ máu thì sau này cũng có hòa bình, độc lập. Không đất nước nào bị đô hộ mà được trao trả độc lập trọn vẹn cả!

Jean Roger Sainteny là thiếu tá tình báo Pháp. Đầu năm 1946, ông được cử làm đại diện chính phủ Pháp trong cuộc đàm phán Pháp - Việt. Ngày 6-3-1946, ông đã cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tên vào Hiệp định sơ bộ, mở đầu quan hệ giữa Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Cộng hòa Pháp. Năm 1954, Jean Sainteny đã cho xuất bản cuốn hồi ký “Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ”, ghi lại những cảm nghĩ tại Việt Nam giai đoạn 1945-1947. Trong đó, có đoạn: “Ông (Chủ tịch Hồ Chí Minh) thấy trước khả năng có thể bùng nổ xung đột vũ trang và đã nói với tôi bằng thái độ kiên quyết: Nếu cần phải chiến đấu, chúng tôi sẽ chiến đấu. Một người các ông có thể giết chết 10 người chúng tôi. 10 người chúng tôi sẽ giết 1 người của ông. Nhưng cuối cùng, chính các ông sẽ là người nản lòng bỏ cuộc”. Ông cũng ca ngợi phong thái của Bác Hồ: “Đến Marseille, tại doanh trại Mazargues là nơi tập trung hàng ngàn người Việt Nam đứng đón, những tiếng hoan hô chen lẫn tiếng hô vang: “Độc lập!”. Tại đây, Hồ Chí Minh vẫn nói chuyện một cách từ tốn, ca ngợi tình hữu nghị Việt - Pháp. Ngược lại, chính 2 đồng bào tôi là nghị sĩ tỉnh Marseille, đại biểu cộng sản trong Hội đồng thành phố, lại phát biểu chống Pháp. Với thái độ hung hăng khác hẳn giọng điệu mềm mỏng của Hồ Chí Minh, 2 vị đại biểu người Pháp này đã cổ vũ các công nhân Việt Nam đấu tranh tới cùng chống lại “sự áp bức thực dân của Pháp””.

Nhìn lại chủ trương phát động Toàn quốc kháng chiến của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là kết quả quá trình đấu tranh đầy cam go, phức tạp, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trước thử thách ngặt nghèo. Chúng ta từng bước loại bỏ bớt kẻ thù, tranh thủ được thời gian chuẩn bị tiềm lực để bước vào kháng chiến. Mặt khác, quyết định phát động toàn quốc kháng chiến còn thể hiện rõ sức mạnh to lớn của cách mạng Việt Nam. Sức mạnh ấy được tạo ra từ truyền thống yêu nước nồng nàn, kết hợp với chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện!

T.M

 

Liên kết hữu ích