“Giữ sức khỏe” cho đất bằng kỹ thuật canh tác mới

29/10/2020 - 13:50

Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào lĩnh vực trồng trọt đã góp phần thay đổi căn bản tập quán canh tác truyền thống, đồng thời đưa vào sử dụng các giống mới, sử dụng phân bón, nước tưới, thuốc bảo vệ hợp lý, qua đó nâng cao chất lượng và giá trị nông sản…

Đó là những nội dung được chia sẻ tại hội thảo "Giới thiệu tiến bộ kỹ thuật lĩnh vực trồng trọt", do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Đăk Lăk tổ chức mới đây.

Tăng thu nhập nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật

Theo TS Đặng Bá Đàn - Văn phòng Trung tâm Khuyến nông quốc gia tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, thời gian qua nhiều mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được triển khai tại vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, đem lại hiệu quả rất tốt.

Mô hình xen canh sầu riêng với cà phê giống mới tại xã Ea Knuêc, huyện Krông Păk (Đăk Lăk) đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Ảnh: D.H

"Đề nghị các trung tâm khuyến nông địa phương tiếp tục xây dựng mô hình gắn liền với đào tạo, thông tin tuyên truyền để thực hiện tốt phương châm một người làm, một ngàn người biết, một trăm hộ học tập, làm theo".

Ông Kim Văn Tiêu

Ví dụ như dự án phát triển sản xuất hạt giống lúa lai F1thực hiện tại 5 vùng sinh thái trên cả nước, tổng diện tích 480ha, tổng sản lượng hạt lai cả vùng đạt 734,7 tấn. 

Chất lượng hạt giống lúa lai F1 đạt tiêu chuẩn, được các công ty thu mua toàn bộ với giá thỏa thuận, phổ biến là quy đổi 1kg thóc giống F1 đạt tiêu chuẩn tương đương với 4 - 4,5kg thóc thương phẩm. 

Với mức thu mua này, người nông dân có thu nhập khoảng trên 15 triệu đồng/ha (lúa lai 3 dòng) và trên 30 triệu đồng/ha (lúa lai 2 dòng), cao hơn từ 2,5 - 4 lần so với sản xuất lúa thương phẩm.

Dự án xây dựng và nhân rộng mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa tại ĐBSCL và Nam Trung Bộ góp phần giảm chi phí hạt giống gieo sạ, giảm phân bón, chi phí bảo vệ thực vật và công lao động. 

Hay như dự án xây dựng mô hình phục hồi vườn tiêu bị bệnh chết chậm bằng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp tại một số tỉnh Tây Nguyên đã giúp các hộ tham gia được tập huấn và thực hành trực tiếp biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, quản lý bệnh chết chậm trên vườn tiêu của mình.

Bước đầu đánh giá đa số các vườn tiêu của bà con đang dần phục hồi, đảm bảo tiến độ của dự án đề ra. Các mô hình này cũng đang có tính lan tỏa đối với những hộ ngoài mô hình khi bà con đã nhận thức được biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp để ứng dụng trên vườn tiêu nhà mình. 

Thông qua các buổi tập huấn, nông dân còn được tìm hiểu về quy trình sản xuất hồ tiêu theo hướng sản xuất bền vững, sử dụng phân hữu cơ sinh học, phân vô cơ cân đối... nhằm giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời biết cách hạch toán kinh tế, mạnh dạn tham gia vào tổ hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…

Nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, giai đoạn 2016-2020, để chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm nông sản, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các đơn vị ngoài Bộ NNPTNT và các đơn vị thuộc Bộ đã chủ trì triển khai gần 200 dự án khuyến nông tại một số vùng miền trong cả nước.

Các dự án tập trung vào các nhóm cây như: Rau, hoa, cây màu, cây lương thực, cây ăn quả và cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày. Trong đó, một số tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng vào triển khai dự án gồm: Giống cây trồng mới, quy trình kỹ thuật, thiết bị, thực hành nông nghiệp tốt, dinh dưỡng cho cây trồng…

Thông qua các hoạt động khuyến nông như xây dựng mô hình, đào tạo tập huấn, thông tin tuyên truyền…, những mô hình tiêu biểu, có hiệu quả đã được lan tỏa, nhân rộng tại nhiều địa phương trên cả nước. Quy mô sản xuất trang trại, hộ gia đình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đang dần thay thế quy mô nhỏ lẻ. Trình độ kỹ thuật của người sản xuất đã được nâng lên rõ rệt.

Đáng chú ý, các dự án đã khai thác nhiều đối tượng cây trồng trên cơ sở phát huy tiềm năng, điều kiện từng vùng, miền để phát triển bền vững theo chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Từ đó góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, phát huy lợi thế vùng miền và xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào lĩnh vực trồng trọt và các dự án đã góp phần thay đổi căn bản tập quán canh tác truyền thống của bà con nông dân nhiều địa phương, đồng thời đưa vào sử dụng các giống mới, sử dụng phân bón, nước tưới hợp lý.

Đặc biệt là các phương pháp canh tác mới, sản xuất theo tiêu chuẩn có chứng nhận như VietGAP, UTZ đã hạn chế sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, qua đó nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu và tăng thu nhập cho nông dân.

Tại hội thảo, các cơ quan chuyên môn cũng tiếp tục giới thiệu một số tiến bộ kỹ thuật được áp dụng trong trồng trọt như kỹ thuật chọn, tạo giống cây cà phê; giải pháp tái canh cây cà phê với hệ thống tưới nhỏ giọt; những vấn đề cần quan tâm khi trồng cây mắc ca; ứng dụng nông nghiệp thông minh trong lĩnh vực trồng trọt tại Lâm Đồng; trồng xen các loại cây kinh tế lâu năm trong vườn cà phê vối…

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Kim Văn Tiêu đề nghị các cơ quan nghiên cứu tiếp tục đầu tư nghiên cứu nhiều đề tài mới và các tiến bộ kỹ thuật mới đạt hiệu quả kinh tế cao, có tính chất xã hội cũng như môi trường tốt để tổ chức nhân rộng, chuyển giao cho nông dân.

Đồng thời đề nghị các cơ quan chuyển giao (doanh nghiệp, HTX, trung tâm khuyến nông các tỉnh) tập trung nghiên cứu chuyển giao các mô hình đạt hiệu quả cao, bền vững theo hướng xanh - sạch - thông minh - nhân văn và đặc biệt quan tâm đến sức khỏe của đất.

Theo DUY HẬU (Dân Việt)