Kết quả tích cực
Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy ứng dụng TMĐT đối với các nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh. Trong đó, tập trung đào tạo kỹ năng số cho nông dân, hỗ trợ DN, hợp tác xã xây dựng và quản lý gian hàng trực tuyến. Các chương trình hỗ trợ hạ tầng công nghệ thông tin, thanh toán trực tuyến và logistics được chú trọng, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm diễn ra thuận lợi.
An Giang có nhiều sản phẩm chủ lực, như: Lúa, nếp, thủy sản nước ngọt, trái cây, rau màu, dược liệu, nấm ăn, các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), thực phẩm chế biến… đủ điều kiện để đưa lên các nền tảng TMĐT. Đến tháng 4/2025, toàn tỉnh có khoảng 80% sản phẩm OCOP đã được đưa lên các sàn TMĐT, như: Shopee, Lazada, Tiki và Sendo. Đây là bước tiến lớn, giúp nông dân, DN bớt phụ thuộc vào kênh phân phối truyền thống và tiếp cận lượng khách hàng lớn hơn.

Cần đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để tiêu thụ nông sản
Là đơn vị hỗ trợ nông dân, DN ứng dụng TMĐT, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động. Trung tâm hỗ trợ 19 DN tham gia sàn TMĐT Shopee, 22 DN kinh doanh trên TikTok Shop. Qua khảo sát, 2 sàn TMĐT Shopee và TikTok Shop có lượng khách hàng lớn và tiêu chí phù hợp với các sản phẩm nông sản của An Giang, cần được tận dụng tốt hơn. Do đó, đơn vị sẽ tiếp tục đàm phán với các đối tác, hỗ trợ DN tham gia nhiều hơn vào các sàn TMĐT. Đồng thời, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các chủ cơ sở sản xuất, nông dân thông qua các lớp tập huấn về TMĐT, giúp họ tận dụng tốt nhất ưu thế của loại hình thương mại này.
Các DN trong tỉnh rất ủng hộ việc phát triển TMĐT để kinh doanh nông sản. Ông Lê Thái Thanh (Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Thái Minh Nguyên, xã Chợ Mới) thông tin, đơn vị đã đưa sản phẩm trà Kim Ngân Hoa lên các sàn TMĐT: Shopee, Tiki, TikTok Shop và mạng xã hội Zalo, Facebook… được khách hàng đón nhận tích cực. Ông Thanh cho rằng, để đạt được hiệu quả trên sàn TMĐT, thì sản phẩm phải đảm bảo chất lượng khi giao đến tay khách hàng. Như vậy, khách hàng sẽ thêm tin tưởng, ủng hộ, giúp cho người bán mở rộng thị trường.
Cần giải pháp hiệu quả
Tuy nhận được sự hỗ trợ tích cực từ ngành chuyên môn, nhưng việc phát triển TMĐT để kinh doanh nông sản tại An Giang vẫn còn những khó khăn nhất định. Trong đó, trình độ, kỹ năng về bán hàng trực tuyến, marketing, thanh toán điện tử và logistics của một bộ phận DN, hợp tác xã, các hộ sản xuất nhỏ lẻ còn hạn chế. Tính liên kết giữa nông dân, DN, nhà phân phối và các sàn TMĐT chưa cao, gây khó khăn trong việc đồng bộ hóa quy trình từ sản xuất đến tiêu thụ. Ngoài ra, môi trường cạnh tranh trên các sàn TMĐT ngày càng khốc liệt, trong khi khả năng quảng bá, marketing của nông dân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ khá hạn chế…
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của việc ứng dụng TMĐT trong phân phối nông sản, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về TMĐT cho nông dân, hợp tác xã, DN, chủ thể sản phẩm OCOP. Xây dựng mô hình liên kết chặt chẽ giữa nông dân, hợp tác xã, DN và các sàn TMĐT. Tích cực đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kho lạnh hiện đại tại các vùng sản xuất nông sản trọng điểm, nhằm kéo dài thời gian bảo quản, đảm bảo chất lượng sản phẩm khi giao dịch qua TMĐT. Qua đó, giúp duy trì chất lượng sản phẩm, làm tăng sự hài lòng của khách hàng, thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm qua các kênh TMĐT.
Các DN, chủ cơ sở sản xuất và nông dân cần tăng cường đảm bảo chất lượng nông sản, sản phẩm có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, có chứng nhận an toàn thực phẩm và xuất xứ rõ ràng, giúp khách hàng yên tâm hơn khi mua sản phẩm trực tuyến. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích DN, chủ cơ sở, nông dân tích cực ứng dụng TMĐT, như: Triển khai các gói vay lãi suất thấp, hỗ trợ chi phí đầu tư hạ tầng công nghệ, phần mềm quản lý gian hàng trực tuyến và chi phí vận hành các nền tảng TMĐT…
Với tác dụng tích cực của việc ứng dụng TMĐT, rất cần sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành nhằm đưa nông sản An Giang đến với đông đảo khách hàng tiềm năng, giúp DN, chủ cơ sở sản xuất và nông dân bắt kịp xu thế chuyển đổi số để mở rộng kênh phân phối cho nông sản trên thị trường.
THANH TIẾN