“Hô biến” dây đồng thành tác phẩm bon-sai nghệ thuật

29/08/2019 - 07:55

 - Sau 2 năm bắt tay vào công việc “tạo dáng” cho dây đồng, anh Huỳnh Chí Cường (sinh năm 1984, ngụ ấp Bình Chánh, xã Bình Long, Châu Phú) đã “cho ra đời” gần 1.000 tác phẩm bon-sai làm từ dây đồng, với nhiều kiểu dáng độc đáo, đẹp mắt. Đối với anh Cường, mỗi tác phẩm được tạo thành như một đứa con tinh thần, giúp anh tiếp tục niềm đam mê sáng tạo.

Anh Huỳnh chí Cường và các tác phẩm bonsai làm từ dây đồng

Tình cờ nhìn thấy những tác phẩm bon-sai làm từ dây đồng của anh Huỳnh Chí Cường tại Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang lần III-2019, tôi vô cùng hiếu kỳ nên tìm đến nhà với mong muốn được tận mắt nhìn thấy quá trình tạo thành tác phẩm. Cứ nghĩ để có được một sản phẩm hoàn chỉnh anh Cường phải rất kỳ công và cần nhiều dụng cụ hỗ trợ, nhưng khi được “mục sở thị” thật bất ngờ, bởi trong suốt quá trình tạo thành tác phẩm, anh Cường chỉ dùng 3 dụng cụ đơn giản, gồm: 1 cây kéo, 1 chiếc kềm và 1 thanh sắt nhỏ dài khoảng 15cm là đã có thể tạo nên tất cả các sản phẩm bon-sai kiểu dáng độc đáo. Chia sẻ về quá trình “bén duyên” với công việc tạo dáng bon-sai từ dây đồng, anh Cường cho biết: “Ban đầu, tôi chỉ định dùng dây chì để làm một cây bon-sai cho người nhà xem, khi hoàn thành nhìn cũng “được mắt” nên tôi chụp ảnh đưa facebook, không ngờ có người hỏi mua, từ đó tôi nảy ra ý định làm bon-sai bằng dây đồng để cung cấp cho khách hàng, bởi dây đồng có độ bóng và màu sắc đẹp hơn dây chì”.

Tùy kích thước và chi tiết của từng tác phẩm bon-sai mà anh Cường bỏ ra thời gian từ một đến vài ngày để hoàn thành 1 tác phẩm. Ngoài nguyên liệu chính là dây đồng nguyên chất, anh Cường còn tận dụng gỗ, đá vụn hoặc những vật dụng bị vỡ như bình trà, bình hoa... để “hô biến” cây bon-sai của mình trở nên đặc sắc hơn. Nét độc đáo trong cách sáng tạo tác phẩm của anh Cường là dùng dây đồng tạo dáng bon-sai liền mạch từ rễ đến lá, chứ không làm rời từng bộ phận của cây rồi ghép lại. Vừa thị phạm cho tôi xem công đoạn xoắn lá cuối cùng để hoàn thành tác phẩm bon-sai dáng đổ của mình, anh Cường vừa chia sẻ: “Để tạo nên một cây bon-sai có “hồn” phải bẻ dáng cây sao cho thật mềm mại, tự nhiên y như bon-sai thật và phối hợp với các vật dụng sao cho hài hòa, chân thật nhất”. Chính vì làm thủ công và bẻ dáng bon-sai theo cảm hứng “đầu nghĩ đến đâu, tay làm đến đó” nên mỗi sản phẩm bon-sai anh Cường làm ra là duy nhất, cho dù cố ý làm thêm 1 sản phẩm giống như cái vừa làm trước đó cũng chỉ giống được khoảng 70%, chứ không thể giống hoàn toàn.

Công việc “thổi hồn” vào dây đồng của anh Cường kể từ khi bắt đầu đến nay đã được khoảng 2 năm, dù chưa từng qua trường lớp đào tạo về thủ công mỹ nghệ, nhưng bằng tư duy sáng tạo và đôi tay khéo léo của mình, anh đã “cho ra đời” gần 1.000 sản phẩm, tùy kích thước và sự kỳ công mà mỗi sản phẩm có giá từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng. Anh Cường chia sẻ: “Nhờ sản phẩm bon-sai làm ra “hợp nhãn” khách hàng nên khi mua về chưng tại nhà họ tiếp tục giới thiệu cho người thân, bạn bè tìm đến tôi để đặt hàng”. Tiếng lành đồn xa, hiện anh Cường còn có cả nguồn khách từ nước ngoài như: Úc, Trung Quốc và Nhật Bản, tuy nhiên do làm một mình, không có người phụ giúp nên các sản phẩm của anh Cường làm ra không đủ cung cấp theo nhu cầu đặt hàng. “Để tạo nên 1 tác phẩm bon-sai từ dây đồng không khó, chỉ cần người học chịu để ý và kiên trì. Đối với những thanh niên yếu thế và trẻ em khuyết tật cũng có thể học và làm được, nếu không thể làm được tác phẩm hoàn chỉnh thì vẫn có thể làm được các công đoạn ban đầu của sản phẩm. Tôi mong muốn có thể hỗ trợ dạy nghề miễn phí để các bạn thanh niên yếu thế và trẻ em khuyết tật có thể kiếm được tiền từ chính đôi tay mình”- anh Cường bày tỏ.

Với ý tưởng “Nghệ thuật tạo hình bon-sai bằng dây đồng”, anh Huỳnh Chí Cường đã đạt giải nhất tại Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang lần III-2019, do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang (Tỉnh đoàn An Giang) phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức.

MỸ LINH