Ði…chợ Tết

22/01/2020 - 03:41

 - “Tết Tết Tết, Tết đến rồi/ Tết đến trong… tim mọi người!” - những ngày giáp Tết, giai điệu mùa xuân bỗng làm xao xuyến, thổn thức lòng người đến lạ. Giữa sự giao thoa của tiết trời se sắt cuối đông và làn gió xuân khẽ mơn man trên cành lá, Tết nói chung và chợ Tết nói riêng là điều gì đó rất đặc biệt, chứa đựng trong đó tất cả gam màu với đủ “mùi” và "vị" Tết. Thật vậy, đã thành tục lệ, mỗi buổi họp chợ Tết tuy ngắn ngủi nhưng luôn phảng phất một dư vị rất đặc trưng, gói gọn cả những mong chờ, háo hức và bao hoài niệm xa xưa.

Đi... chợ Tết!

Tự bao đời, đi chợ Tết là một phong tục gắn liền với bao thế hệ người Việt Nam. Chính vì thế mà chợ Tết mang một nét đẹp đặc trưng, độc đáo và vô cùng ý nghĩa với mỗi người con đất Việt.

Như cách nói của nhà thơ Đoàn Văn Cừ, chợ Tết hiện lên vừa huyền ảo, vừa nhộn nhịp thay: “Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi/ Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh/ Trên con đường viền trắng mép đồi xanh/ Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết” (Chợ Tết).

Khi khắp nơi đều nô nức, hồ hởi chuẩn bị Tết thì có lẽ đi chợ Tết là điều gì đó rất thú vị, khiến mọi lứa tuổi đều hồi hộp chờ đợi, nôn nao mỗi khi nghĩ đến. Đã không ít lần tôi nghe đâu đó câu hỏi: “Chợ Tết ngày nay có còn dư vị Tết?”. Tìm sự trả lời từ những bậc cao niên, nhiều người vẫn bảo: không còn dư vị Tết thì sao gọi là chợ Tết nữa!

Với cảm nhận của người gần bước sang tuổi 70, bà Nguyễn Thị Thêu (ngụ xã Bình Hòa, Châu Thành, An Giang) chia sẻ: “Trong không khí chuẩn bị Tết, việc đi chợ Tết làm nhiều người thích nhất. Người lớn thì tất bật, chạy đôn chạy đáo lo sắm sửa Tết, để cả nhà được hưởng cái Tết sung túc cả về vật chất lẫn tinh thần.  Ở trẻ nhỏ, chúng xem chợ Tết như ngày hội để tha hồ vui chơi, đùa nghịch. Còn dư vị Tết, không nhiều thì ít đều đọng lại qua cảm nhận mỗi người!”.

Thường thì, chợ Tết bắt đầu vào ngày cúng ông Công ông Táo, kéo dài đến tận chiều 30 Tết. Ở chợ Tết, người bán và người mua không tiếc gì khi trao nhau nụ cười, lời chào thân thiện khiến mọi người như xích lại gần nhau hơn. Với mong muốn 3 ngày xuân đầy đủ, chị bán bông, anh bán hàng chợ, cô bán thịt… ai ai cũng niềm nở khi mời chào khách hàng.

Người đi chợ Tết vừa tất bật, vừa hối hả trông đến nôn nao khó tả. Chính ở chợ Tết một năm họp chợ một lần ấy, bao nhiêu là mặt hàng được bày bán. Nào là bông, trái cây chưng Tết với đủ loại như: cầu, dừa, đu đủ, xoài...

Rồi còn là hàng trăm thứ bánh mứt khác nhau, câu đối đỏ, hay thịt, muối, dưa, hành... Liền theo các chợ, nhiều nơi còn tổ chức các chợ hoa cho người dân vui xuân. Hỏi sao mà, từ xưa đến nay, hễ nói đến Tết, người người đều khấp khởi sắm sửa quần áo để… đi chợ Tết!

Bình dị chợ quê ngày Tết!

Những ngày cuối năm, bà con ở quê thường bảo nhau nếu muốn cảm nhận được không khí Tết miệt vườn, hãy cùng họ đi chợ Tết! Đông đúc, tấp nập không thua gì bất cứ phiên chợ Tết nào ở phố thị, chợ Tết quê cũng “đen người” mua sắm.

Chợ Tết cũng là dịp nhắc nhở thế hệ trẻ hướng về cội nguồn, với những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp. Ở đó, những câu chuyện về tình làng, nghĩa xóm được minh chứng khá nhiều qua dòng người chen chân nhau đi chợ Tết.

Ngoài nhanh nhảu chọn lựa những vật phẩm trang trí Tết, ăn Tết, chơi Tết, bà con còn tranh thủ hỏi han nhau, chúc nhau Tết này “mua may bán đắt”, dẫu mộc mạc nhưng rất chân tình, ấm áp.

Nét bình dị của chợ Tết quê hiện lên qua những gian hàng hay từng quang gánh của các bà, các chị với những buồng cau, nải chuối, lá trầu tươi, mớ rau, củ… hết sức thân thương, gần gũi.

Với mặt hàng “cây nhà lá vườn”, chợ Tết quê bỗng mộc mạc, chân chất đến xuyến xao. “Tết nào cũng vậy, tôi đều mang những trái cây nhà trồng được ra chợ bán với mong ước kiếm thêm chút tiền vui xuân.

Trước đó, chồng tôi đã bỏ công chăm sóc đám hành lá, vài chục gốc cam sau nhà thật xanh tốt ròng rã mấy tháng trời. Độ 23 tháng chạp, tôi thu hoạch dần và mang ra chợ bán Tết. Vì chịu khó vun trồng, chăm sóc cây trái tươi tốt nên bà con ủng hộ rất đông.

Ngoài ra, tôi còn làm thêm gấp đôi lượng dưa chua, củ kiệu so với ngày thường để bán Tết. Đấy là món ăn kèm không thể thiếu của các gia đình vào mỗi dịp Tết”- cô Nguyễn Thị Thủy (ngụ xã Bình Thạnh, Châu Thành, An Giang) cho biết.

Chợ Tết quê cũng đầy đủ hoa tươi, cây cảnh. Ngoài dành phần nhiều ra chợ Tết ở phố, bà con còn trữ lại một ít để mang ra chợ Tết ở quê bày bán. Chợ Tết khi ấy với đủ sắc thái, gam màu rực rỡ và vị của cuộc sống.

“Những ngày còn bé, tôi rất thích theo mẹ đi chợ Tết. Từ tinh sương, mẹ đã gọi tôi dậy lên chợ Tết. Trên con đường quê, người người bắt đầu í ới gọi nhau đi chợ Tết, vừa đi vừa nói cười vì khắp nơi đều là chòm xóm nên đường đến chợ dường như cũng được rút ngắn hơn. Tôi nhớ mãi ngày đó, người đi chợ Tết ít nhất cũng phải mất đôi ba bận mới mua sắm hết các thứ cần thiết.

Còn tôi, lần nào ra chợ cũng khệ nệ tay xách nách mang tiếp mẹ, tuy mệt nhưng vui lắm! Chính cái không khí quê bình dị ấy mà giờ đây, dù đi làm ăn xa xứ nhưng tôi vẫn thích đi chợ Tết ở quê nhà. Khoảng 28 Tết về đến nhà là sáng 29 Tết tôi đã xách túi đi chợ Tết. Và cứ thế, ký ức đẹp về chợ Tết quê bên mẹ lại hiện lên trong tôi, vừa bồi hồi xúc động, vừa phấn khởi đến lạ kỳ!” - cô Võ Thị Phỉ (ngụ xã Định Mỹ, Thoại Sơn, An Giang) chia sẻ.

Chợ Tết ở phố thị và thời công nghệ số…

Chợ Tết chốn thị thành có rất nhiều những gian hàng bánh mứt, chuyên gói quà Tết phục vụ nhu cầu biếu, tặng của người mua một cách cầu kỳ, tỉ mỉ. Các loại quà Tết vì thế cũng rất đa dạng, từ giỏ quà Tết, hộp quà Tết đến túi quà Tết, mỗi loại có nhiều kiểu cách đóng gói, đa dạng chủng loại sản phẩm và mức giá khác nhau, phù hợp túi tiền khách hàng.

Chợ Tết nay không chỉ gói gọn trong các khu chợ, những địa điểm nhất định mà đã tỏa ra mọi ngóc ngách của cuộc sống trong sự phát triển của công nghệ thông tin. Việc chuẩn bị Tết cũng trở nên dễ dàng hơn với chị em.

Rất nhiều mặt hàng từ quần áo đến các loại bánh kẹo, thực phẩm đóng gói, được bày bán ở các siêu thị, cửa hàng tiện ích. Sự tiện lợi ấy giúp cho người ta không phải lo lắng nhiều, có thể đợi đến 28 hay 29 Tết thủng thẳng đi chợ thôi là đã mua sắm đủ cho 3 ngày Tết.

Có một loại chợ Tết mà người mua không cần nặng nhọc tay xách, nách mang, mồ hôi nhễ nhại, chen lấn giữa dòng người ngược xuôi mua sắm Tết, đó là chợ Tết trực tuyến (online). Trước sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin thì chợ Tết online được rất nhiều người quan tâm.

Đi chợ online, nhiều người còn hồ hởi nói chẳng khác gì cả siêu thị như thu nhỏ trong một chiếc điện thoại thông minh. Chỉ cần ngồi tại nhà, chọn kênh mua sắm tin dùng, rồi “lướt lướt” và bấm chọn là hàng hóa cần trong những ngày Tết sẽ được giao đến nhà.

Nói đến đây, nhiều người hẳn sẽ băn khoăn so sánh giữa Tết truyền thống và Tết hiện đại. Thiết nghĩ, đó chỉ là sự khác nhau ở cách thể hiện nhưng tình yêu với Tết, hay việc trân trọng những giá trị truyền thống từ ngàn xưa đã in sâu trong trái tim người Việt.

Bởi dù là đi chợ Tết ở phố hay chợ Tết quê, thậm chí là mua sắm Tết online thì mục đích cuối cùng vẫn là ước muốn có được cái Tết sung túc, ấm no, để báo công với tổ tiên về thành quả cực nhọc sau một năm lao động của mọi người mà thôi!

PHƯƠNG LAN