“Làng” nông thôn mới!

09/02/2019 - 07:00

 - Về Thoại Sơn giữa tiết trời vào xuân, ngoài hương xuân của đất trời, chúng tôi còn cảm nhận một sắc xuân khác là sức sống từ sự đổi thay của nông thôn.

Ý Đảng hòa lòng dân

Là địa phương được chọn làm huyện điểm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), sau 8 năm bắt tay thực hiện, vùng đất thuần nông còn nhiều thiếu thốn, khó khăn khi xưa, giờ đây đã đổi thay đến bất ngờ. Từ hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu được nâng cấp, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng hiện đại, năng động đến đời sống người dân ngày một cải thiện, nghĩa xóm tình làng ngày càng thắt chặt. Hiện, Thoại Sơn có 14/14 xã đạt chuẩn NTM, đây là thành quả to lớn, xứng đáng với nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện thuần nông. Bước chuyển mình của huyện khẳng định qua những thành tựu NTM đã đạt được như: kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, các hình thức sản xuất được đổi mới hiệu quả, kết cấu hạ tầng tăng cường và phát triển. Đường liên xã, liên ấp được nhựa hóa và bê-tông hóa. Toàn huyện có 326 trạm bơm điện, đảm bảo bơm tiêu trên 90% tổng diện tích sản xuất, phục vụ tốt nhu cầu phát triển sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân. Huyện có 27/67 trường đạt chuẩn quốc gia. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 là 15,6 triệu đồng/người/năm, đến năm 2018 đạt khoảng 45 triệu đồng/người/năm. 

“Lúc xưa, cuộc sống nơi đây rất khó khăn. Đường sá, cầu cống, trường học… hầu như đều xuống cấp. Những hôm mưa dầm, người lớn đi còn té, nói gì đến trẻ nhỏ. Nay, cầu bê-tông kiên cố ngày càng nhiều, đường đất lầy lội ngày nào giờ được tráng nhựa, bê-tông vững chãi. Được địa phương tích cực tuyên truyền về NTM, tôi dần hiểu được vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của người dân. Điển hình như khi nghe thông tin địa phương sẽ mở rộng tuyến lộ Tây Huề trước nhà, tôi rất đồng thuận vì công trình tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, buôn bán, học hành. Không chỉ hiến đất, tôi còn đóng góp ngày công lao động để tuyến đường sớm hoàn thành” - ông Trần Văn Ni (sinh năm 1946, ngụ ấp Tây Huề, xã NTM Bình Thành) bộc bạch. Cùng niềm vui ấy, ông Thái Văn Oai (sinh năm 1943, ngụ ấp Tây Bình A, xã Vĩnh Chánh) không giấu được cảm xúc khi quê hương đang đổi thay từng ngày. “Hễ địa phương kêu gọi chung tay xây dựng bất cứ cây cầu bê-tông nào, tôi đều ủng hộ và đóng góp mỗi cây cầu 10 triệu đồng. Không những vậy, tôi còn tích cực ủng hộ địa phương cất nhà cho hộ nghèo và đóng góp công sức để công trình sớm hoàn thành. Nhìn các cháu nhỏ đến trường trên con đường trải nhựa sạch đẹp, xóm làng khang trang, rộn ràng đón năm mới, tôi càng tự hào về nơi mình đang sống!” - chú Oai chia sẻ.

Màu xanh trên vùng đất anh hùng

Trong mỗi chuyến đi thực tế vào những ngày giáp Tết, chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc sự thay đổi diện mạo ở những “làng” NTM của Thoại Sơn. Dẫn chúng tôi tham quan vườn bưởi da xanh của một nông dân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vọng Thê Nguyễn Quốc Tình giới thiệu: “Quá trình xây dựng NTM, địa phương luôn quan tâm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tạo mọi điều kiện để người nông dân mạnh dạn thay đổi tư duy, đổi mới cách làm với những mô hình mới. Trong đó, chú Nguyễn Quốc Hùng (ngụ ấp Tân Vọng) là người chuyển đổi 5,3ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh trên địa bàn xã. Là người khởi xướng chuyển đổi cây trồng với diện tích khá lớn, nên địa phương rất quan tâm, thường xuyên cử cán bộ đến thăm và phối hợp Trung tâm Khuyến nông huyện Thoại Sơn hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho chú Hùng. Thời điểm này, vườn bưởi da xanh đang cho lứa trái đầu tiên, với những tín hiệu rất khả quan. Hiện, địa phương có khoảng 30ha diện tích đất chuyển đổi cây ăn trái, dự kiến năm 2019 sẽ tăng lên 40ha”.

Dựa vào đặc thù từng địa phương, các xã trên địa bàn huyện Thoại Sơn đều có kế hoạch xây dựng, duy trì, nâng chất NTM cụ thể, trong đó chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi là vấn đề xung yếu nhất. Với thế mạnh nông nghiệp, hiện 14 hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện phát huy được vai trò trong sản xuất gắn với xây dựng NTM. Tiêu biểu là hình thức sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết sản xuất với doanh nghiệp cung ứng vật tư và bao tiêu đầu ra, với tổng diện tích 560ha. Nổi bật là Hợp tác xã An Bình, được tỉnh chọn xây dựng mô hình thí điểm hợp tác xã kiểu mới, liên kết sản xuất với Công ty TNHH MTV lương thực Thoại Sơn. Hợp tác xã An Bình tham gia sản xuất theo mô hình  “Cánh đồng lớn” được 35ha và đang xây dựng kế hoạch sản xuất “Cánh đồng lớn” (tiểu vùng AB5) với diện tích đăng ký là 135ha.

Xuân này, nông thôn Thoại Sơn tăng niềm vui gấp bội khi 8 xã: Tây Phú, An Bình, Vọng Đông, Bình Thành, Vĩnh Chánh, Vọng Thê, Phú Thuận, Mỹ Phú Đông được công nhận đạt chuẩn NTM trong năm 2018. Vậy là, NTM của Thoại Sơn đang dần hoàn thiện, hứa hẹn viết tiếp truyền thống vẻ vang, xứng đáng với những danh hiệu Thoại Sơn đã đạt: “Huyện Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” (năm 2000), “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới” (năm 2009).

PHƯƠNG LAN