Nấm mối đen là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, giá thành cao nên mang lại thu nhập khá cho người trồng.
Trồng, thu hoạch và chế biến các loại nấm là sở thích của chị Nương, chắp cánh cho việc phát triển mô hình trồng nấm mối đen. Từ việc tìm hiểu, chị Nương bắt đầu nghiên cứu, học tập từ giảng viên chuyên ngành nông nghiệp tại Trường Đại học Cần Thơ, Đại học An Giang để nắm rõ đặc tính sinh trưởng của nấm mối đen. Đây là loại nấm có nhiều chất dinh dưỡng, rất tốt cho sức khỏe, giá bán cao hơn rất nhiều so với các loại nấm khác.
Bên cạnh đó, ĐBSCL có thế mạnh về trồng lúa, nên lượng rơm thải ra sau mỗi vụ mùa thu hoạch rất lớn. Chính vì vậy, việc nghiên cứu chuyển đổi sinh học từ nguồn rơm sẵn có thành loại nấm mối đen là việc làm thiết thực, mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Dù mới được phát triển, nhưng nấm mối đen được thị trường chấp nhận vì ăn ngon, giá trị dinh dưỡng cao. Do vậy, dù có giá thành cao, dao động trong khoảng 200.000-250.000 đồng/kg, người tiêu dùng vẫn lựa chọn. Đó là chưa kể đến việc nấm mối đen có thể nuôi trồng trên rơm, trở thành thế mạnh của nông nghiệp địa phương” - chị Nương thông tin.
Hướng đến việc phát triển bền vững, hình thành chuỗi liên kết với nông dân, chị Nương đầu tư dây chuyền sản xuất phôi nấm mối đen hoàn chỉnh. Từ sản xuất meo, có hệ thống lò hấp, chạy tơ trong phòng máy lạnh… mỗi công đoạn đều được đầu tư chỉn chu. Từng phôi nấm trước khi cung ứng ra thị trường đều được kiểm tra kỹ lưỡng. Với cơ sở hiện tại, mỗi tháng chị Nương có thể cung ứng ra thị trường khoảng 30.000-40.000 phôi nấm. Tuy nhiên, chị chủ động giảm công suất của trại nấm, sản xuất số lượng vừa phải, tập trung đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phôi nấm tốt nhất đến tay người tiêu dùng.
Hiện tại, chị Nương vẫn không ngừng mở rộng thị trường, tìm thêm nhiều đầu mối tiêu thụ lớn hơn, hướng đến liên kết tiêu thụ đầu ra với nông dân. Đây là hướng đi bền vững, vừa cung cấp phôi giống, vừa hướng dẫn kỹ thuật và thu mua lại sản phẩm sau khi thu hoạch. Chị Nương còn hướng đến việc cung ứng phôi nấm mối đen cho người dân tự trồng tại nhà với số lượng ít, vừa được trải nghiệm chăm sóc, vừa có được nguồn thực phẩm sạch cho gia đình. “Mỗi một combo sẽ bao gồm chậu có sẵn 20 phôi nấm mối đen, kèm theo đó là hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Nơi đặt phôi nấm phải thoáng mát, tránh ánh sáng chiếu trực tiếp, kỹ thuật tưới nước để ra nấm… Nếu làm đúng hướng dẫn sẽ có được nấm mối tươi ngon để sử dụng mỗi ngày” - chị Nương chia sẻ.
Nhờ tự sản xuất phôi nấm, trồng sẵn nên bất cứ khi nào thị trường có nhu cầu về phôi nấm, nấm tươi, chị Nương đều có thể đáp ứng được. Phôi nấm sau thời gian chạy tơ trong phòng lạnh, sẽ được mở nắp và phủ một lớp cát dày khoảng 5cm trên mặt. Trong 30 ngày, người trồng phải liên tục kích ẩm bằng cách phun sương. Khi đó, nhà trồng nấm phải đảm bảo độ ẩm, nhiệt độ thích hợp, nấm mối đen mới phát triển được. Theo chị Nương, đây là loại nấm “khó tính”, các quy trình chăm sóc, vào phôi hay khai thác đều phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn.
Không chỉ đơn thuần sản xuất - kinh doanh, việc xây dựng thương hiệu “Nấm mối nàng Nương” còn mong muốn mang món quà là thực phẩm an toàn, dinh dưỡng đến tay khách hàng. Bên cạnh đó, hướng đến việc lên kết tiêu thụ ở các cửa hàng nông sản an toàn, siêu thị nên quy trình sản xuất được được áp dụng theo hướng hữu cơ an toàn. Tất cả nguyên liệu sử dụng làm phôi nấm hoàn toàn hữu cơ. Ngoài rơm rạ được băm nhuyễn, chỉ sử dụng cám gạo, cám bắp… được kiểm tra đầu vào nên chắc chắn tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
“Trong quá trình kích độ ẩm, bắt buộc phải phun sương bằng nước sạch, không được tưới trực tiếp hay để nước đọng lại sẽ làm chết phôi nấm. Loại cát để phủ lên phôi nấm phải đảm bảo tiêu chuẩn, được làm sạch, khử trùng… trước khi sử dụng” - chị Nương giải thích thêm. Nấm mối đen có thể trồng quanh năm theo mô hình khép kín. Mỗi chu kỳ trồng có thời gian thu hoạch từ 3-4 tháng, nhưng đòi hỏi kỹ thuật rất khắt khe, từ khâu xử lý phôi nấm đến khâu nuôi trồng, phải đảm bảo sạch hoàn toàn. Trung bình, mỗi phôi nấm có thể cho thu hoạch từ 300-400gr nấm, thu hoạch mỗi ngày.
Phôi nấm mối đen còn được tận dụng làm nguồn thức ăn cho trùn quế. Phân trùn quế, phối trộn thêm phân bò là nguồn dinh dưỡng hữu cơ rất tốt cho đất, thích hợp phát triển các loại cây trồng. Có thể thấy, chị Nương đã hình thành được mô hình sản xuất nấm mối đen theo quy trình khép kín, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có, góp phần bảo vệ môi trường, mở ra hướng phát triển cho nông dân.
ÁNH NGUYÊN