Chuỗi giá trị nông sản
Nông nghiệp chủ yếu là sản xuất nông sản thô, thị trường nông nghiệp được xếp loại thị trường “cạnh tranh hoàn hảo” có đặc điểm là sản phẩm không đặc trưng, ai muốn tham gia cũng được, giá cả hoàn toàn theo quy luật cung - cầu, người bán không có quyền định giá. Kinh tế học vi mô cho rằng ở thị trường cạnh tranh hoàn hảo, lợi nhuận kinh tế trong dài hạn bằng zero khi tính cả chi phí cơ hội của vốn và lao động.
Như vậy, hàng hóa nông sản chỉ có lợi nhuận kinh tế khi nào được đưa vào thị trường cạnh tranh có tính độc quyền do sản phẩm có tính đặt trưng riêng nên có thể bán được với giá cao hơn sản phẩm thường cùng loại.
Đoàn khách nước ngoài ở điểm du lịch homestay xã Mỹ Hòa Hưng
Nông dân và doanh nghiệp muốn tăng lợi nhuận cần phải xây dựng được chuỗi giá trị nông sản chủ lực: Gạo, trái cây, rau màu với tiêu chuẩn chất lượng (hình dạng, hương vị, dư lượng hóa chất tối đa) được bảo đảm nghiêm ngặt, trong đó, nông dân bảo đảm canh tác đúng quy trình theo tiêu chuẩn quốc tế, được thị trường mục tiêu tín nhiệm; doanh nghiệp phải có chiến lược xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại với sự hỗ trợ hiệu quả của các cơ quan nhà nước liên quan, đặc biệt là ở cấp Trung ương. Lợi nhuận phải được phân phối thỏa đáng cho các thành phần tham gia thì chuỗi giá trị mới bền vững được.
Ngoài ra, nông nghiệp có thể tạo thêm giá trị bằng du lịch nông nghiệp, trong đó, nông dân cho du khách đến tham quan và thao tác một số công cụ nông nghiệp để trải nghiệm thực tế, kết hợp homestay… Các nước phát triển mạnh kinh tế nông nghiệp như Thái Lan rất chú trọng phát triển lĩnh vực này.
Chuyển đổi số trong sản xuất, quản lý và tiêu thụ nông sản
Để tăng lợi nhuận cho nông dân thì phải áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để giảm chi phí sản xuất và tăng giá trị sản phẩm. Vấn đề thời sự hiện nay là chuyển đổi số trong nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định mục tiêu đến 2025 là phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Một số công nghệ đã được thực hiện và có triển vọng tốt ở An Giang, như sau:
IoT (Internet of thing) cho kỹ thuật ướt khô xen kẽ dùng cảm biến. Ở An Giang, diện tích áp dụng “1 phải, 5 giảm” đạt xấp xỉ 50%, có nhiều hộ quy mô trang trại và hợp tác xã (HTX) có thể tiếp cận được kỹ thuật mới này. Đây là điều kiện thuận lợi để đưa IoT vào đồng ruộng.
Phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái (drone) được Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đưa vào áp dụng mấy năm gần đây và đã phổ biến toàn tỉnh, có nhiều HTX, tư nhân đã mua máy làm dịch vụ. Lợi ích của máy là dùng lượng thuốc ít, phun đều tới gốc, không phải giẫm đạp hư lúa và không ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động.
Blockchain cho chuỗi giá trị. Đưa blockchain vào chuỗi giá trị nông sản thuận lợi cho việc quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, nâng cao uy tín và giá trị sản phẩm. Trong năm 2022, nhóm giảng viên Khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học An Giang đã hỗ trợ Công ty TNHH Tấn Vương xây dựng blockchain cho gạo chất lượng cao, công việc đang tiến hành.
Các giải pháp tri thức hóa và xây dựng năng lực nông dân, như: Tăng cường thông tin, truyền thông; tập huấn, đào tạo, cập nhật về công nghệ cao, công nghệ số cho cán bộ (ToT) và nông dân; tập huấn kỹ năng tổ chức du lịch nông nghiệp, du lịch OCOP, tiếng Anh giao tiếp cho nông dân.
Để mở rộng khu vực này, nông dân cần được chuyên nghiệp hóa, văn minh và có tính cộng đồng cao. Do đó, các lớp tập huấn ngắn hạn về kỹ năng hướng dẫn du lịch, sinh hoạt cộng đồng và tiếng Anh giao tiếp cơ bản rất cần thiết. Những hoạt động này cần có sự phối hợp của các ngành liên quan, các trung tâm đào tạo, doanh nghiệp, HTX và huy động nhiều nguồn, nhất là kết hợp với nhiều dự án.
Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị áp dụng blockchain: Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang được xây dựng, trong đó tỉnh An Giang đăng ký 200.000ha, yêu cầu lúa phải được canh tác theo các quy trình sản xuất tốt (GAP), như: VietGAP, GlobalGAP, SRP và gạo đạt các tiêu chuẩn về chất lượng, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có giới hạn dư lượng thuốc trừ sâu tối đa (MRLs) theo quy định quốc tế hoặc nước nhập khẩu, tiến tới xây dựng thương hiệu “VIETNAM RICE”.
Ngoài ra, rau quả An Giang cũng đang xuất khẩu đến nhiều thị trường khó tính. Ngoài mô hình áp dụng blockchain của Công ty TNHH Tấn Vương đang thực hiện, cần nhân rộng cho nhiều chuỗi giá trị nông sản chủ lực đang hoạt động ở An Giang…
Tri thức hóa và xây dựng năng lực nông dân chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại là yêu cầu bức thiết để phát triển kinh tế địa phương theo hướng bền vững, nâng cao đời sống nông dân và dân cư nông thôn.
Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều hoạt động đáng kể để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, xu thế hiện đại hóa phát triển mạnh mẽ và cạnh tranh trên thị trường quốc tế ngày càng gay gắt.
Để thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, cần tiếp tục nâng cao năng lực nông dân với nhiều phương pháp, hoạt động phù hợp để lực lượng này tiếp tục đóng góp tích cực cho nền kinh tế nông nghiệp An Giang.
TS Đoàn Ngọc Phả (Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh An Giang)