“Văn hóa ngoại giao Việt Nam”

31/12/2021 - 08:55

 - Vừa qua, lần đầu tiên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Cùng với đó là Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31. Những thành tựu quan trọng về ngoại giao đóng góp vào thành tựu chung của 35 năm đổi mới, với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế mà đất nước ta chưa bao giờ có được như hiện nay. Qua đó, góp phần củng cố niềm tự hào, sự tin tưởng và đồng thuận của nhân dân đối với Đảng, nhà nước và thế đi lên của đất nước; sự tin cậy, quan tâm và ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước ta.

Nhìn lại dòng chảy lịch sử, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan khái quát: Việt Nam là nước nhỏ, nhưng luôn phải đối đầu với đội quân xâm lược từ các nước lớn. Triết lý ngoại giao Việt Nam luôn ẩn chứa ý tưởng đánh thắng từng bước, đánh đổ từng bộ phận, tiến tới thắng lợi hoàn toàn. Bằng việc ký Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, chúng ta đẩy được 20 vạn quân Tưởng về nước để dồn sức ứng phó với quân Pháp đang thời bạc nhược; Hiệp định Giơnevơ đem lại hòa bình và tự do cho miền Bắc, làm hậu phương lớn cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam; Hiệp định Paris tạo điều kiện cho quân dân ta thực hiện trọn vẹn lời Bác dặn, đánh cho “Mỹ cút” để rồi đánh cho “ngụy nhào” và thống nhất giang sơn.

Triết lý cách mạng và ngoại giao Việt Nam luôn coi trọng ý tưởng về “sức mạnh tổng hợp” của các quân chủng hợp thành (đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân); bảo đảm sự phối hợp nhịp nhàng giữa các mặt trận (quân sự, chính trị và ngoại giao trong thời chiến; chính trị, kinh tế và văn hóa trong thời bình). “Phải chăng những điều kể trên thể hiện 4 đặc sắc văn hóa ngoại giao Việt Nam: Kiên định trong mục tiêu; nhân văn trong cốt cách; rộng mở trong tâm hồn; linh hoạt trong hành động? Những cảm nhận trên nảy sinh trong tôi không chỉ qua việc nghiên cứu tài liệu, sách vở mà còn qua những điều được nghe, được thấy, thậm chí được tham gia suốt 65 năm gắn bó với nghề” - ông Vũ Khoan bày tỏ.

Những năm gần đây, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và phát huy truyền thống bản sắc ngoại giao hòa hiếu, quật cường của dân tộc, công tác ngoại giao đã kiên trì nguyên tắc kiên định mục tiêu, chủ động, linh hoạt, sáng tạo. Từ đó, đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện. Đó là, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với nhiều đối tác, nhất là các nước láng giềng, đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống. Tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong gian nan của đại dịch COVID-19, ngành ngoại giao chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành đi đầu triển khai ngoại giao kinh tế, ngoại giao vaccine, tranh thủ được sự ủng hộ kịp thời, hiệu quả của cộng đồng quốc tế về vaccine, vật phẩm y tế trong điều trị, phòng, chống và thích ứng an toàn với dịch bệnh.

Bên cạnh đó, lĩnh vực ngoại giao tiếp tục quảng bá mạnh mẽ ra thế giới hình ảnh Việt Nam độc lập, tự chủ, giàu bản sắc văn hóa, thủy chung, tin cậy và đang quyết tâm đổi mới; đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào các diễn đàn quốc tế quan trọng, đặc biệt là hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

5 bài học lớn về đối ngoại được tổng kết trong 76 năm bảo vệ và xây dựng Tổ quốc và trong 35 năm đổi mới, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh. Đó là: Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế; kiên định trong nguyên tắc và linh hoạt về sách lược; xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; bài học về công tác xây dựng tổ chức bộ máy và công tác cán bộ; bài học về sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng, sự quản lý tập trung của nhà nước.

Đại hội XIII, lần đầu tiên Đảng xác định rõ vị trí, vai trò tiên phong của đối ngoại trong “tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”. Các nhiệm vụ này quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó giữ vững hòa bình, ổn định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; phục vụ phát triển đất nước là nhiệm vụ trung tâm; nâng cao vị thế và uy tín đất nước là nhiệm vụ quan trọng.

Việc khẳng định vai trò tiên phong của đối ngoại trong văn kiện Đại hội XIII là bước phát triển mới về tư duy đối ngoại của Đảng trên cơ sở vận dụng sáng tạo tư tưởng giữ nước mang tính chủ động cao của dân tộc, đúc kết thực tiễn phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước, tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới. Để phát huy tối đa truyền thống văn hóa ngoại giao Việt Nam, Đảng và nhà nước sẽ tiếp tục đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả, trên tinh thần “ngoại giao tâm công, từ trái tim đến trái tim”, “tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, cùng phát triển”.

TÂM MINH