NFT trở thành xu hướng bùng nổ trong năm 2021. (Ảnh: Reuters)
Hàng chục nghìn NFT (tài sản kỹ thuật số không thể thay thế) từng được coi là xu hướng mới nhất trong lĩnh vực công nghệ và thu hút nhiều người nổi tiếng, nghệ sỹ và thậm chí cả phu nhân của cựu Tổng thống Donald Trump, bà Melania Trump, giờ đây hầu như vô giá trị.
Theo một báo cáo mới của dappGambl dựa trên dữ liệu từ NFT Scan và CoinMarketCap, 69.795 trong số 73.257 bộ sưu tập NFT có vốn hóa thị trường là 0 Ether, khiến 95% những người nắm giữ bộ sưu tập NFT - tương đương với 23 triệu người - mất trắng các khoản đầu tư của mình.
NFT là một dạng tài sản tiền kỹ thuật số được sử dụng để chứng nhận quyền sở hữu và tính xác thực của tệp kỹ thuật số bao gồm hình ảnh, video hoặc văn bản.
Vào tháng 3/2021, doanh nhân tiền kỹ thuật số Sina Estavi đã gây chú ý khi chi 2,9 triệu USD để mua NFT của dòng tweet đầu tiên từ cựu ông chủ Twitter Jack Dorsey.
Trong khi đó, vào tháng 12/2021, cựu Đệ nhất phu nhân Melania đã tung ra bộ sưu tập NFT mang tên Melania's Vision, bao gồm một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số phiên bản giới hạn về đôi mắt của bà.
Báo cáo cho biết sự sụt giảm mạnh mẽ của thị trường liên quan đến các tài sản tiền kỹ thuật số “nhấn mạnh sự cần thiết phải thẩm định kỹ càng trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào, đặc biệt là những giao dịch có giá trị cao.”
Một tác phẩm NFT với tên gọi Bored Ape Yacht Club. (Ảnh: Reuters)
“Thực tế khó khăn này sẽ đóng vai trò như một sự kiểm tra nghiêm túc về sự hưng phấn thường bao quanh không gian NFT. Giữa những câu chuyện về các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số được bán với giá hàng triệu USD và những câu chuyện thành công chỉ sau một đêm, chúng ta dễ dàng bỏ qua một thực tế là thị trường đang đầy rẫy những cạm bẫy và những tổn thất tiềm ẩn,” báo cáo này cho biết.
Báo cáo tiết lộ rằng 79% trong số tất cả các bộ sưu tập NFT vẫn chưa được bán do nhu cầu quá thấp so với nguồn cung trong thị trường mà các nhà nghiên cứu đã mô tả là “có tính đầu cơ cao và đầy biến động.”
Để phân tích trạng thái hiện tại của các tài sản NFT, các nhà nghiên cứu của dappGambl đã xem xét 8.850 bộ sưu tập NFT hàng đầu theo CoinMarketCap.
Họ phát hiện ra rằng 18% trong số những bộ sưu tập hàng đầu này có giá bằng 0, về cơ bản là vô giá trị. Báo cáo tiết lộ, 41% các bộ sưu tập hàng đầu có giá từ 5 đến 100 USD, điều này có thể cho thấy giá trị thấp gắn liền với những tài sản này.
Hơn nữa, chưa đến 1% bộ sưu tập trị giá hơn 6.000 USD, một sự thay đổi hoàn toàn so với các giao dịch trị giá hàng triệu USD thống trị thị trường NFT được định giá lên tới 22 tỷ USD vào năm 2021.
Nghiên cứu cũng phân tích tác động tốn kém đến môi trường liên quan tới quá trình đúc NFT. Các nhà nghiên cứu đã xác định được 195.699 bộ sưu tập NFT không có chủ sở hữu và năng lượng cần thiết để đúc số NFT này tương đương với 27.789.258 kWh, dẫn đến lượng phát thải khoảng 16.243 tấn CO2.
Để so sánh con số phát thải này, báo cáo tiết lộ rằng 16.243 tấn CO2 tương đương với lượng khí thải hàng năm của 2.048 ngôi nhà. Nó cũng tương đương với lượng khí thải hàng năm của 3.531 xe ôtô hoặc lượng khí thải carbon của 4.061 hành khách bay từ London đến Wellington, New Zealand.
Tác phẩm NFT của Beeple từng được đấu giá lên tới 69 triệu USD. (Ảnh: Reuters)
Ngoài ra, báo cáo còn tiết lộ số lượng NFT đã chết thậm chí có thể cao hơn.
Báo cáo cho biết: “MacContract trên Ethereum có giá sàn là 13.234.204,2 USD, nhưng doanh số bán hàng của nó chỉ là 18 USD”, đồng thời cho biết thêm: “Sự khác biệt rõ ràng giữa giá sàn niêm yết và dữ liệu bán hàng thực tế cho thấy một vấn đề quan trọng trong thị trường NFT - định giá cao đến mức vô lý khi không phản ánh sự quan tâm thực sự của người mua hoặc các giao dịch trong thế giới thực.
Bất chấp sự biến động của thị trường NFT, các nhà nghiên cứu của dappGambl nói biết họ tin rằng NFT vẫn có chỗ đứng trong tương lai.
Theo họ, để tồn tại trong thời kỳ suy thoái của thị trường và duy trì giá trị lâu dài, NFT cần phải có giá trị lịch sử phù hợp như thẻ Pokemon phiên bản đầu tiên, tác phẩm nghệ thuật đích thực hoặc cung cấp tiện ích thực sự./.
Theo ĐỨC HIẾU (Vietnam+)