Bệnh trầm cảm ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ vị thành niên đang là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm khi gần đây liên tiếp xảy ra các vụ trẻ tự sát. Các em được cho đã gặp vấn đề tâm lý, trầm cảm suốt thời gian dài và coi việc ra đi là con đường duy nhất để giải thoát.
Theo định nghĩa của Bệnh viện Nhi Trung ương, trầm cảm là một rối loạn cảm xúc, biểu hiện bằng quá trình ức chế toàn bộ các hoạt động tâm thần như: cảm xúc, tư duy và vận động. Trầm cảm điển hình thường được biểu hiện bằng giảm tập trung chú ý, giảm tính tự trọng và lòng tự tin, khí sắc trầm, mất mọi quan tâm hay hứng thú cũ, giảm năng lượng dẫn tới tăng sự mệt mỏi và giảm hoạt động kéo dài ít nhất 2 tuần.
Bệnh thường đi kèm các biểu hiện như buồn chán hầu như cả ngày, cảm giác tự ti và không xứng đáng, nhìn tương lai ảm đạm, bi quan, có ý tưởng và hành vi tự hủy hoại hoặc tự sát, suy nghĩ về cái chết, rối loạn giấc ngủ, ăn không ngon hoặc ăn nhiều,…
Các thống kê cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm chung ở trẻ em là 2%. Riêng lứa tuổi vị thành niên, tỷ lệ này dao động từ 5% đến 8% và phổ biến hơn ở trẻ sau tuổi dậy thì.
Vậy cha mẹ cần làm thế nào để dự phòng bệnh trầm cảm cho con? Bác sĩ Nhi khoa Nguyễn Mạnh Cường chỉ ra 6 điều cha mẹ nên làm giúp trẻ phòng tránh các bệnh tâm lý, trầm cảm.
Dành thời gian cho con
Theo bác sĩ Cường, do cuộc sống ngày càng bận rộn, cha mẹ dành cả ngày để làm việc nên khi về đến nhà thường có cảm giác mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi, thời gian dành cho trẻ ngày càng ít. Trẻ ở bất cứ độ tuổi nào cũng cần được sự quan tâm để không có cảm giác hụt hẫng, bị bỏ rơi. Bởi vậy, phụ huynh nên cố gắng sắp xếp thời gian ở bên con như đưa đón trẻ đi học, đưa con đi ăn, đưa đi chơi,….
Tìm hiểu những suy nghĩ của trẻ
Cha mẹ đừng lấy mơ ước của mình thành mơ ước của con, tạo những áp lực nên trẻ quá nhiều. Thay vào đó, hãy tâm sự để thấu hiểu con hơn, trò chuyện với trẻ, lắng nghe những gì trẻ muốn, sau đó tìm hướng giải quyết. Có thể tìm đọc những cuốn sách nói về suy nghĩ, tâm sinh lý của trẻ ở các độ tuổi khác nhau để dễ dàng trò chuyện và thấu hiểu con hơn.
Khuyến khích con phát biểu, nói ra ý kiến của mình
Bác sĩ Cường nhấn mạnh, những liều thuốc về tinh thần luôn mang lại kết quả không ngờ. Bởi vậy, hãy khuyến khích trẻ đưa ra ý kiến của mình dù đúng sai. Nếu bé nói sai, không nên quát tháo vì có thể khiến khiến con không dám bày tỏ ý kiến trong những lần sau. "Khuyến khích trẻ cũng là một cách giúp tăng tình cảm gắn kết của cha mẹ và con cái. Nhưng cũng nên lưu ý, không nên khen trẻ quá nhiều có thể khiến bé tự phụ, kiêu căng", bác sĩ nói.
Thưởng phạt công bằng, kỷ luật đúng
Cha mẹ nên thưởng phạt công bằng để trẻ không có cảm giác bị bỏ rơi. Nếu gia đình có từ 2 con trở lên, trẻ có thể xuất hiện tâm lý so sánh. Vì vậy, hãy đối xử công bằng với các con, làm đúng có thưởng, làm sai bị phạt, cố gắng không làm trẻ có cảm giác cha mẹ thiên vị anh, chị, em hơn, dẫn tới tâm lý tổn thương.
Đặt mình vào vị trí của trẻ, không quát mắng, dọa nạt
Theo bác sĩ Cường, phụ huynh cần từ bỏ thói quen quát mắng, dọa nạt trẻ. “Người lớn luôn có lý do khi làm việc gì đó, trẻ em cũng vậy, hãy thử đặt mình vào vị trí của trẻ để xem trẻ muốn gì, vì sao làm vậy. Từ đó, hiểu và cảm thông hơn cho con. Suy nghĩ về một việc ở góc độ của trẻ con và người lớn rất khác nhau, bởi vậy từng vội áp đặt suy nghĩ của cha mẹ lên con trẻ. Hãy thử nghĩ theo cách nghĩ của con”, bác sĩ nhấn mạnh.
Xây dựng thói quen tốt cho con
Để bé có tinh thần khỏe mạnh, cha mẹ có thể hướng trẻ tới một số thói quen tốt. Cụ thể, khuyến khích con chơi thể thao. Việc tham gia hoạt động thể chất cùng bạn bè sẽ giúp bé hòa đồng hơn, cân bằng sau giờ học tập căng thẳng. Bên cạnh đó, cho con học một số môn nghệ thuật nếu bé hứng thú sẽ giúp phát triển trí thông minh và giảm áp lực với các môn logic trên trường lớp. Phụ huynh cũng nên cho con có thời gian giải trí và thư giãn sau khi học tập căng thẳng; khuyến khích con tự tin vào bản thân, không nên tuyệt vọng.
Theo TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, để phòng tránh bệnh trầm cảm cho trẻ, cha mẹ cần thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng của con, tìm cách giúp trẻ nói hết mọi suy nghĩ mình. TS Thu cho rằng, “bố mẹ có hạnh phúc thì con mới được chăm sóc tốt nhất”, bởi vậy bố mẹ trước tiên phải chú ý chăm sóc sức khỏe tinh thần thần của bản thân, khi tinh thần thoải mái mới có thể hiểu con hơn, giảm được việc mắng mỏ, chỉ trích đứa trẻ sai cách.
Bên cạnh đó, nên có sự gần gũi, quan tâm đến con, lắng nghe, chia sẻ với các bé nhiều hơn và cố gắng đặt bản thân vào địa vị của trẻ để giải quyết vấn đề. “Ví dụ, trẻ hay cáu gắt là dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi con gặp vấn đề tâm lý. Nếu thấy bé liên tục phản ứng như vậy mà chúng ta lại cho qua, xem nhẹ, thậm chí “cậy quyền”, mắng mỏ thêm thì có thể con sẽ cảm thấy không còn lối thoát nào nữa”, TS Thu chia sẻ.
Với những bé đã có các dấu hiệu trầm cảm, bác sĩ Nguyễn Minh Quyết, Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến gia đình nên đưa trẻ đến thăm khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Biện pháp điều trị hiện nay bao gồm thuốc, liệu pháp tâm lý và giáo dục cho trẻ cùng gia đình. Tùy thuộc chẩn đoán và mức độ trầm cảm, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên phù hợp về lựa chọn điều trị.
Các liệu pháp tâm lý thường được áp dụng đối với trường hợp trầm cảm mức độ nhẹ và vừa. Cụ thể, các cuộc gặp mặt gia đình, phương pháp trị liệu tâm lý như liệu pháp nhận thức hành vi, liệu pháp tương tác cá nhân, phỏng vấn tạo động lực, trị liệu nhóm,… đã được chứng minh hiệu quả. Thuốc được lựa chọn để điều trị trầm cảm thường là các thuốc chống trầm cảm. Một số trường hợp có thể cần sử dụng thêm thuốc điều chỉnh khí sắc, an thần kinh.
Bác sĩ Quyết nhấn mạnh, cần có sự tham gia hỗ trợ của nhà trường trong việc phát hiện sớm, giáo dục kiến thức, liên kết gia đình và các nhà chuyên môn để thăm khám, chẩn đoán và điều trị cho trẻ có vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm. Đối với trẻ đã có ý tưởng và hành vi tự hủy hoại bản thân hoặc tự sát, bác sĩ Quyết khuyến cáo cần loại bỏ những vật sắc nhọn hoặc dây thừng trong môi trường xung quanh trẻ. Bên cạnh đó, luôn có sự giám sát của cha mẹ hoặc người chăm sóc.
Theo QUỲNH ANH (Vietnamnet)