Những cuốn truyện, vần thơ của thầy đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học trò học tập và noi theo. Đặc biệt, phong trào Nghìn việc tốt, hạt giống mà thầy đã ươm mầm, nuôi dưỡng trong suốt 60 năm qua vẫn đang đơm hoa, kết trái và trở thành phong trào có sức lan tỏa của thiếu nhi trên khắp cả nước.
Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn kể về phong trào Nghìn việc tốt với em thiếu nhi tại Đền Đô, phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Thương/ TTXVN
Người khởi xướng phong trào Nghìn việc tốt
Kể về cuộc đời của mình, thầy Nguyễn Đức Thìn ôn tồn: Thầy được sinh ra vào năm 1940, trên quê hương có truyền thống văn hiến, cách mạng Đình Bảng, nơi phát tích của vương triều nhà Lý. Tuổi thơ, thầy sống trong cảnh loạn lạc, dưới sự đô hộ của thực dân Pháp. Học tập, làm theo lời dạy của Bác Hồ "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình", khi mới 11 tuổi cậu bé Nguyễn Đức Thìn đã tham gia vào Đội thiếu niên du kích Đình Bảng.
“Nhiệm vụ của tôi là đi chơi ở khu đình Đình Bảng, theo dõi địch xem về bao nhiêu ô tô, có súng ống gì, có lính gì. Để hoàn thành nhiệm vụ, tôi đã nghĩ ra nhiều cách, tôi chơi những bản nhạc dân ca Pháp, làm ống kính vạn hoa quay mỗi khi địch đến. Vì vậy, vừa có thể đánh lạc hướng địch vừa thoải mái thu thập tin tức. Thành tích nổi bật của tôi là đã cùng các thành viên Đội thiếu niên du kích bảo vệ vững chắc ngôi đình Đình Bảng và nắm bắt nhiều thông tin quan trọng báo cáo cho tổ chức”, thầy Thìn kể.
Năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, giặc Pháp phải rút về nước. Thấm nhuần tư tưởng của Bác “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, Nguyễn Đức Thìn tiếp tục đi học tại trường Trung học Hàn Thuyên, tỉnh Bắc Ninh. Sau đó, thầy dạy học lớp bình dân học vụ và là giáo viên, phụ trách công tác Đội tại trường Tiểu học Đình Bảng, trường Trung học Cơ sở Tam Sơn.
Nhớ lại thời điểm ra đời phong trào Nghìn việc tốt, thầy Thìn kể, năm 1961 khi được điều động về Trường cấp II Liên Sơn dạy học (nay là Trường Trung học Cơ sở Tam Sơn), thầy được kiêm luôn chức Tổng phụ trách Đội vì thiếu giáo viên.
Ngày 24/3/1963, thầy và các bạn học sinh trong trường cùng nhau dọn vệ sinh trường lớp, bàn ghế, trồng cây xanh hai bên đường vào nhà lưu niệm đồng chí Ngô Gia Tự. Chỉ trong 1 giờ, cả thầy và trò đã làm được 1 việc tốt và thầy đã nảy ra ý tưởng phát động phong trào “Thi đua làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ”. Từ đó, học tập theo lời Bác vừa là mục tiêu, nội dung và là biện pháp giáo dục mà thầy Thìn đặt ra.
Theo thầy Thìn, làm nghìn việc tốt không đơn thuần chỉ là con số. Từ “nghìn” không có một con số cụ thể, nó mang nghĩa là rất nhiều, không đếm được. Ban đầu, phong trào được phát động trong hàng ngũ thiếu niên, nhi đồng nhằm giáo dục con người thói quen làm việc tốt từ khi còn nhỏ. Đó là các học sinh cắt phiên thay nhau chăm sóc, chép hộ bài khi bạn ốm; khi bạn bị đau chân, các em phân công nhau cõng bạn đến lớp. Về nhà, các em là người chăn thả trâu bò, vỗ béo đàn lợn, chăm sóc đàn gà, giúp đỡ cha mẹ cơm nước hàng ngày. Từ đó, hàng loạt các khẩu hiệu như “Xóm thôn nghìn việc tốt”, “Gia đình nghìn việc tốt”, “Lớp học nghìn việc tốt”… được lan tỏa.
Tiếng lành đồn xa, năm 1967, quê hương Tam Sơn đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và trồng cây đa lưu niệm. Tại sân trường, trong buổi trao phần thưởng cho học sinh chăm ngoan học giỏi, Bác căn dặn thiếu nhi: “Các cháu đã làm Nghìn việc tốt, thế là tốt. Các cháu cần phát huy thành truyền thống. Các cháu hãy đoàn kết, giúp nhau thi đua học tập tốt, lao động tốt, cùng làm Nghìn việc tốt chống Mỹ cứu nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Bác mong các cháu năm mới đều tiến bộ hơn năm qua”. Sau đó, Bác Hồ cùng với thiếu nhi Tam Sơn vỗ tay hát bài “Kết đoàn”.
Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn (đứng hàng trên đang thuyết minh) vẫn hàng ngày hăng say giới thiệu di tích phục vụ du khách tại Đền Đô, phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN
Những năm 1970, phong trào Nghìn việc tốt không chỉ được nhân rộng trên tất cả trường học trong nước mà còn được nhiều quốc gia sang học hỏi kinh nghiệm. Nhiều nước Đông Âu đã dẫn đoàn học sinh sang Việt Nam tìm hiểu. Từ phong trào này, trường học trên khắp Đông Âu đã tích cực làm theo và đem lại những kết quả tốt đẹp.
Nhiều lần thầy Thìn đã dẫn đoàn học sinh Việt Nam sang các nước Đông Âu để thuyết trình về phong trào Nghìn việc tốt trong học đường. Ngay từ thời kỳ đó, việc tốt của học sinh nhỏ tuổi đã được gắn liền với việc trồng cây, gây rừng. Bảo vệ rừng, làm cho đất nước quê hương xanh tốt cũng là một việc tốt. Tư tưởng này được các học sinh nước ngoài nhiệt tình tham gia.
Năm 1971, Trường cấp 2 Tam Sơn (Bắc Ninh) đã kết nghĩa với các đội viên Trường Talơman (Đức). Từ đó đến nay, hai trường của hai quốc gia vẫn giữ liên lạc với nhau. Nghìn việc tốt đã thực sự trở thành một vườn hoa tỏa hương thơm ngát.
Trong khi đang hết mình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục thì năm 1978 thầy Thìn mắc bệnh phong. Không chấp nhận số phận, bằng ý chí, nghị lực của mình, thầy đã chiến thắng bệnh tật, trở về quê hương, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
Nghìn việc tốt nhân lên triệu niềm vui
Cứ mỗi độ tháng 3 về, công việc của thầy Thìn trở nên tất bật hơn. Hình ảnh về người thầy giáo già với thân hình nhỏ bé trong bộ quần áo giản dị, luôn tay với chiếc điện thoại để lưu lại những bức ảnh kỷ niệm đã trở nên quen thuộc với mỗi học sinh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, cũng như du khách khi đến tham quan Đền Đô.
Dù đã có lịch hẹn trước nhưng cũng phải vất vả cô, trò trường Tiểu học Xuân Đỉnh, Quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội mới tìm gặp được thầy Thìn, bởi lúc này, thầy đang thuyết minh cho một đoàn khách đến từ Hà Nội tại khu Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Đô - nơi thờ 8 vị vua nhà Lý.
Với cô Nguyễn Thúy Hường, Tổng Phụ trách Đội Trường Tiểu học Xuân Đỉnh, được gặp thầy Thìn ngay tại quê hương khởi nguồn của phòng trào Nghìn việc tốt là một niềm vinh dự và tự hào. Càng ý nghĩa hơn là được chính người khởi xướng phong trào tặng cuốn sách “60 năm Nghìn việc tốt nở hoa” khiến cô Hường cảm thấy hạnh phúc. Dù lần đầu được gặp, nhưng đối với cô, thầy Thìn luôn là một tấm gương sáng về ý chí nghị lực, một người Tổng phụ trách Đội tâm huyết, đặc biệt phong trào Nghìn việc tốt đã được thầy ươm mầm, chăm sóc và tỏa ngát hương thơm đối với mỗi thế hệ giáo viên và học sinh.
Theo cô Hường, hưởng ứng phong trào Nghìn việc tốt của Hội đồng đội thành phố Hà Nội, thời gian qua, Liên Đội trường Tiểu học Xuân Đỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, trong đó bật là phong trào bảo vệ môi trường (dọn dẹp vệ sinh nơi ở, lớp học; phân loại rác đúng nơi quy định; tiết kiệm điện, nước; trồng chăm sóc cây xanh). Để phong trào có sức lan tỏa, Liên Đội đã phát động mỗi học sinh tự trồng một cây xanh tại nhà để mang đến tham dự hội thi cây tại lớp. Cùng với đó, Liên Đội còn phát động các lớp thi đua học tập tốt; phát động phong học sinh rèn luyện thân thể…
Còn đối với em Nguyễn Thanh Ngân, học sinh lớp 4, trường Tiểu học Xuân Đỉnh, chuyến đi Bắc Ninh lần này thực sự có ý nghĩa. Sau chuyến đi, em sẽ có nhiều câu chuyện về “người thầy đặc biệt” để kể với các bạn trong trường. Ngân chia sẻ, khi được gặp thầy, em đã hiểu Nghìn việc tốt không phải là điều gì quá cao xa. Đó không chỉ là các phong trào lớn quy mô toàn quốc, mà còn có thể là chính những việc đơn giản hàng ngày. Miễn sao việc làm đó mang lại giá trị cho bản thân và cộng đồng.
Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn tại Đền Đô, phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN
“Về trường em sẽ tuyên truyền cho các bạn cùng nhau học tập thật tốt, có ý thức bảo vệ môi trường, biết chăm sóc cây xanh, tích cực giúp đỡ các bạn trong lớp, trong trường, để nhân lên nghìn việc tốt, triệu niềm vui”, em Nguyễn Thanh Ngân nói.
Với thầy Thìn, trong quá trình hình thành nhân cách của một em học sinh nhỏ tuổi, những uốn nắn giản đơn là rất quan trọng. Do vậy, tiêu chí của phong trào Nghìn việc tốt đã được thầy xây dựng thành công phép tính số học cho đời người “Làm nghìn việc tốt/Cùng trừ việc xấu/Cộng nhân yêu thương/Chia niềm thông cảm”.
"Các em học sinh là một lực lượng cách mạng, nhưng lực lượng này phải được tổ chức và giáo dục thì mới thành công. Do đó, các nhà trường, các tổ chức Đoàn phải coi trọng, chăm lo củng cố Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh để các em trở thành những hạt nhân lan tỏa phong trào Nghìn việc tốt. Mỗi thầy, cô Tổng phụ trách đội chính là những “nhạc trưởng” để phong trào này mãi mãi "nở hoa", thầy Thìn nhắn nhủ...
Theo TTXVN