Ngày 18/7, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mới đây trung tâm tiếp nhận 3 bệnh nhân bị ngộ độc cá chình. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng rối loạn cảm giác, cảm thấy bỏng rát, yếu cơ, đau mỏi người, không nôn.
Người nhà bệnh nhân cho biết, trưa 14/7, chị L (49 tuổi, ở Phúc Thọ, Hà Nội) đặt món cá chình nướng, om chuối đậu để đãi khách từ Phú Thọ lên chơi. Đến chiều, chị nhận được điện thoại thông báo khách về đến Việt Trì thì có biểu hiện ngộ độc.
Tối cùng ngày, 8 trong số 9 người tham gia bữa tiệc phải nhập viện, trường hợp còn lại chỉ tê bì thoáng qua nên ở nhà theo dõi. Năm người khách được cấp cứu tại Việt Trì. Ba người (gồm vợ chồng chị L. và một người thân) được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa huyện Phúc Thọ (Hà Nội) và sau đó chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.
Ngoài vợ chồng chủ nhà, bệnh nhân N.T.N. (48 tuổi, trú tại Phúc Thọ, Hà Nội), ăn cùng bữa cơm cũng đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Trước khi nhập viện, bệnh nhân này cũng có cảm giác mệt mỏi, yếu cơ và tiêu chảy. Sau 3 ngày điều trị, cả ba bệnh nhân vẫn mệt mỏi, cử động chân tay khó khăn.
Các bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn cá chình.
Nói về nguyên nhân gây ngộ độc, BS Nguyên thông tin, vi tảo biển chính là nguyên nhân gây ra độc tố. Các loại tảo biển như Gambierdiscus toxicus là thức ăn của nhiều loài cá nhỏ. Các loài cá này lại là thức ăn của nhiều loài cá ăn thịt lớn hơn. Bởi thế, độc tố từ tảo sẽ đi vào chuỗi thức ăn và tích lũy trong chính thịt cá.
"Cá ăn tảo thì không sao nhưng bản thân người ăn thịt cá lại có thể bị ngộ độc", BS Nguyên nói.
Ngộ độc có thể xảy ra riêng lẻ nhưng thường thành từng nhóm người bệnh. Nguyên nhân chủ yếu do khi đi du lịch, nhiều người thường cùng ăn hải sản tại các nhà hàng hoặc mua các loại cá nhập khẩu về tự chế biến.
Độc tố này thường gây triệu chứng thần kinh trước, sau đó người ăn mới có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, loạn nhịp tim, rối loạn cảm giác, dấm dứt khắp người, đau mỏi, tê bì, yếu cơ hoặc liệt cơ. Triệu chứng ngộ độc cá chình dai dẳng thậm chí nhiều tháng sau bệnh nhân vẫn còn dấu hiệu khiến họ rất khó chịu.
Người nhiễm loại độc tố này có thể chỉ cần điều trị vài ngày có thể ra viện, nhưng cũng có trường hợp phải điều trị kéo dài nhiều tháng.
Ngộ độc ciguatera khó phòng tránh vì độc tố không mùi, không vị, không bị phá hủy bởi nhiệt độ đông lạnh, không xác định được bằng mắt thường. BS Nguyên khuyến cáo người dân cần tuân thủ các biện pháp sau để phòng tránh ngộ độc ciguatera:
Tránh ăn nội tạng cá như: đầu, gan, tuyến sinh dục,…
Không nên ăn số lượng nhiều các loài cá sống ở rạn san hô.
Sau khi bị ngộ độc nên tránh uống rượu và ăn cá vì có thể làm tăng hoặc tái phát các triệu chứng.
Theo NGUYỄN NGOAN (VTC News)