An cư bên những căn nhà Đại đoàn kết

11/09/2020 - 06:23

 - Những năm qua, UBMTTQ các cấp trên địa bàn Thoại Sơn (An Giang) đã tích cực triển khai nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa. Trong đó, việc hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết đã giúp nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn được “an cư lạc nghiệp”, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Trao bảng tượng trưng nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo, cận nghèo

Một ngày mưa phùn, chúng tôi được một nữ cán bộ ở xã Vĩnh Trạch (Thoại Sơn) dẫn đi thăm các hộ gia đình vừa được bàn giao nhà Đại đoàn kết cách đây không lâu. Xóm nhỏ nép bên đường chừng vài mươi hộ, ngày mưa dường không còn nhộn nhịp nhiều. Thấy có người đến thăm, cô Huỳnh Thị Tiếng Em (51 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Trung, xã Vĩnh Trạch) đon đả mời vào chơi. Căn nhà mái tole, được cuốn nền và đổ đà kiềng, nền lát gạch men khá khang trang, ấm cúng.

“Sáng giờ có 3 mẹ con ở nhà, chồng tôi từ sáng sớm đã đi mò cua, bắt ốc dọc theo con nước. Ngày nào “bà cậu” đãi thì mang ra chợ bán cũng được vài trăm ngàn đồng. Hai con tôi lúc trước làm công nhân nhưng từ ngày ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, mấy đứa nhỏ cũng thất nghiệp” - cô Em trải lòng về hoàn cảnh gia đình.

Nhớ về căn nhà trước đây, cô Em cho biết nó cũ kỹ, ọp ẹp, ngày mưa gió như thế này thì rầu lắm. Chỉ từ cái cột, cánh cửa, nền gạch của căn nhà hiện tại, người phụ nữ ấy không giấu được niềm xúc động. Cô Em thật thà bảo rằng, nếu không được chính quyền địa phương hỗ trợ nhà Đại đoàn kết, gia đình có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến ngôi nhà khang trang như vậy.

“Nay có được căn nhà mới, vợ chồng tôi sẽ cố gắng làm ăn. Xưa chưa “an cư” thì không nói, nay “an cư” rồi thì chúng tôi phải quyết tâm “lạc nghiệp” để không phụ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và nhà hảo tâm. Các con tôi đều quyết kiếm việc làm phụ giúp cha mẹ” - cô Em bày tỏ trong niềm vui xen lẫn nước mắt.

Ngay cạnh nhà cô Tiếng Em là căn nhà Đại đoàn kết của cô Nguyễn Thị Lệ (55 tuổi, ấp Vĩnh Trung). Khi được hỏi về ngôi nhà trước kia, hàng xóm cô Lệ đã nhanh miệng kể rằng, đó là ngôi nhà xập xệ, mưa dột khắp mọi nơi. Với việc bán khoai ở chợ, cô Lệ cho biết mỗi ngày thu nhập chỉ vài chục ngàn đồng. Trước đây, cô Lệ ở cùng mẹ già, bệnh tật trong căn nhà cũ, chưa kịp hưởng trọn niềm vui trong ngôi nhà mới, mẹ cô Lệ đã qua đời. Giờ căn nhà đã đẹp hơn, vững chãi hơn, không còn nỗi lo khi mưa bão về nhưng chỉ còn mỗi cô Lệ, nghe nỗi niềm của cô, chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

Đôi mắt còn đỏ hoe, cô Lệ xúc động: “Đối ứng thêm không bao nhiêu mà được căn nhà Đại đoàn kết như thế này, tôi vui lắm. Chỉ có điều, niềm vui chưa trọn vẹn vì mẹ tôi đã mất. Cám ơn chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để tôi có được căn nhà mơ ước bấy lâu nay. Tôi sẽ cố gắng làm ăn, vươn lên trong cuộc sống!”

Xây dựng nhà Đại đoàn kết là chương trình mang tính nhân văn sâu sắc, khơi dậy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo có nhà ở ổn định.

Từ năm 2015-2020, toàn huyện Thoại Sơn đã vận động quỹ Vì người nghèo và an sinh xã hội (kể cả tiền và hiện vật) được trên 102 tỷ đồng. Qua đó đã chi 99,5 tỷ đồng cất mới 1.387 căn nhà Đại đoàn kết, sửa chữa 823 căn nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ vốn sản xuất, khắc phục thiên tai, hỗ trợ khám, chữa bệnh…

Để việc hỗ trợ xây nhà đúng đối tượng, đảm bảo chất lượng, hiệu quả sử dụng, trước khi triển khai đầu tư xây dựng, UBMTTQVN huyện Thoại Sơn luôn phối hợp cán bộ cơ sở đến từng hộ nghèo thẩm định hiện trạng nhà ở, điều kiện kinh tế của từng hộ để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Công tác rà soát được chỉ đạo chặt chẽ, đảm bảo bình xét công khai, đúng đối tượng.

Theo đó, UBMTTQVN huyện Thoại Sơn đã tổ chức lễ bàn giao 20 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo xã Vĩnh Trạch (18 căn) và Vĩnh Chánh (2 căn). Mỗi căn nhà có diện tích từ 32m2 - 60m2 đảm bảo tiêu chí “3 cứng”… Tổng kinh phí xây dựng 20 căn nhà trên 770 triệu đồng. Trong đó, Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến đá An Giang tài trợ 300 triệu đồng, phần còn lại do địa phương hỗ trợ và gia đình đối ứng thêm. Căn nhà có giá trị cao nhất là 80 triệu đồng, căn nhà có giá trị thấp nhất là 35 triệu đồng.

Theo Chủ tịch UBMTTQVN huyện Thoại Sơn Đinh Văn Hiền, được sự giúp sức của các nhà hảo tâm, Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến đá An Giang, những ngôi nhà Đại đoàn kết đã và đang được triển khai xây dựng không chỉ thể hiện tấm lòng sẻ chia đùm bọc của cộng đồng với các hộ nghèo, mà còn trở thành nguồn động viên, khuyến khích họ hăng hái lao động, cố gắng phấn đấu vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN