An Giang: Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm thực hiện giải ngân vốn đầu tư công

22/08/2022 - 13:56

 - Sáng 22/8, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình chủ trì hội nghị đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng của năm 2022.

Quang cảnh hội nghị

Các đại biểu tham dự hội nghị

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang Phạm Minh Tâm cho biết, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2022 nguồn vốn ngân sách nhà nước được giao của tỉnh trên 6.538 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch đầu tư công năm 2021 được kéo dài sang năm 2022 trên 1.271 tỷ đồng, kế hoạch đầu tư công năm 2022 nguồn vốn ngân sách nhà nước trên 5.267 tỷ đồng. Lũy kế giải ngân vốn từ đầu năm đến hết tháng 7 trên 1.632 tỷ đồng, đạt gần 25% tống vốn kế hoạch được giao (so cùng kỳ năm 2021 cao hơn 6,24%). Các lĩnh vực giải ngân thấp, gồm: Khoa học, công nghệ; phát thanh, truyền hình, thông tấn; bảo vệ môi trường; thể dục, thể thao; quy hoạch; hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước; giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp….

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang, nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chưa cao do trong 2 năm 2021 và 2022 chủ yếu tập trung thực hiện thủ tục đầu tư và thủ tục lựa chọn kế hoạch nhà thầu nên triển khai thi công các dự án trong giai đoạn 2021 – 2025 chưa nhiều; có một số dự án chưa có phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; một số dự án đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhưng chưa tổ chức đấu thầu.

Cùng với đó, khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng tiếp tục là nút thắt lớn trong quá trình triển khai thực hiện các dự án cần giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án thuộc lĩnh vực giao thông và nông nghiệp có kế hoạch vốn lớn; các nhà thầu tổ chức thực hiện thi công chưa đạt yêu cầu đề ra.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng, so cùng kỳ 2021 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng của năm 2022 cao hơn 6,24%, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so cùng kỳ các năm 2019, 2020 và thấp hơn so yêu cầu đề ra.

Để đạt kế hoạch đến cuối tháng 1/2023 đạt 100% kế hoạch giải ngân vốn được giao, ông Nguyễn Thanh Bình đề nghị, mỗi tháng UBND tỉnh đều tổ chức hội nghị để đánh giá việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, lấy kết quả thực hiện giải ngân vốn đầu tư công của các đơn vị, địa phương đưa vào tiêu chí đánh giá thi đua cuối năm.

Theo đó, người đứng đầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, địa phương và các chủ đầu tư phải phát huy tinh thần trách nhiệm, quyết tâm chính trị trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; siết chặt kỹ cương quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, rà soát từng khâu trong quá trình thực hiện và kịp thời báo cáo khi gặp khó khăn, vướng mắc để tháo gở.

Ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, ngay sau hội nghị, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có báo cáo gửi về UBND tỉnh nêu cụ thể về tiến độ thực hiện các dự án, khó khăn, kế hoạch thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới và phải có mốc thời gian cụ thể để làm cơ sở cho UBND tỉnh cử các đoàn đến kiểm tra tiến độ thực hiện.

Đối với các đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và có giải pháp đẩy nhanh tiến độ, chủ động rà soát tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để có sự điều chỉnh phù hợp trong các tháng còn lại của năm 2022; tiếp tục thực hiện nghiêm các kết luận tại các hội nghị giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm và nhiệm vụ các tháng cuối năm…

MỸ LINH - DUY ANH