Đó là tiếng nước đổ từ thác Siu Puông hùng vĩ, nằm giữa hai dãy núi Ngọc Kal và Ngọc Pâng, cách TP Kon Tum khoảng 89km.
Nằm ở độ cao 1.600m so với mực nước biển, thác Siu Puông là một trong những thác nước cao nhất Việt Nam. Nước của thác Siu Puông bắt nguồn từ đỉnh núi Ngọc Linh.
Thác dài khoảng 240m nhưng không đổ một dòng từ trên xuống như nhiều con thác khác ở Tây Nguyên. Thay vào đó, thác Siu Puông chảy thành 7 tầng theo hình ziczac độc đáo.
Trong đó, tầng cao nhất của thác nước nằm ở trên cùng, có độ cao 60m. 4 tầng tiếp theo mỗi tầng cao khoảng 40m, 2 tầng ngắn hơn còn lại có độ cao khoảng 10m.
Tùy vào lượng nước chảy, mỗi mùa trong năm bề mặt thác có độ rộng hẹp khác nhau. Vào mùa mưa, khi lượng nước dồi dào, thác có thể rộng đến 30m.
Lúc này trông từ xa, thác nước như dải lụa trắng, mềm mại, uốn lượn nổi bật giữa màu xanh mướt mắt của núi rừng.
Khởi nguồn từ núi cao, chảy qua những cánh rừng bạt ngàn, nước thác Siu Puông trong vắt và mát lạnh quanh năm. Bên dưới mỗi tầng thác là hồ nước tự nhiên trong vắt, tuyệt đẹp.
Không chỉ sở hữu vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ, thác Siu Puông còn được đồng bào Xơ Đăng bản địa xem là chốn linh thiêng. Bà con Xơ Đăng nơi đây xem nguồn nước từ thác là nước thiêng.
Họ sử dụng nguồn nước từ thác để sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, bà con tuyệt đối không thực hiện các hành động được xem là làm vấy bẩn dòng nước như giặt giũ, tắm trực tiếp ở đầu nguồn, không khiêng người quá cố băng qua con nước,…
Hiện nay, thác Siu Puông hấp dẫn nhiều khách du lịch đến khám phá, trải nghiệm. Thời điểm lý tưởng nhất để ngắm trọn vẹn vẻ đẹp hoàn mỹ của con thác này là khoảng tháng 10.
Lúc này thác Siu Puông được bổ sung nguồn nước dồi dào từ thượng nguồn. Dòng nước mát lạnh của con thác trở thành nơi lý tưởng để du khách thả mình thư giãn.
Tại đây, du khách có thể tận hưởng không khí trong lành của thiên nhiên, thả trôi mọi mệt nhọc, áp lực cuộc sống.
Sau khi khám phá thác nước cao nhất Việt Nam, du khách có thể đến thăm, trải nghiệm cuộc sống tại làng Lê Văng, cách thác Siu Puông khoảng 8km. Nhìn từ trên cao, làng Lê Văng như một ốc đảo xanh bạt ngàn cây trái.
Người dân nơi đây vẫn giữ được đội cồng chiêng, các phong tục tập quán đặc trưng như: Lễ ăn lúa mới, lễ bắc máng nước, nghề đan lát, dệt vải,...