An Giang chăm lo cho hộ gia đình có công với cách mạng

28/02/2023 - 07:16

 - Với mục tiêu tạo mọi điều kiện, ưu tiên để gia đình người có công với cách mạng xóa nghèo, tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, giúp các gia đình vươn lên ổn định cuộc sống.

Các cấp, ngành thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống về vật chất tinh thần cho hộ gia đình có công

Điển hình ở huyện miền núi

Toàn huyện Tri Tôn có trên 4.000 người có công, trong đó đối tượng hưởng chế độ thường xuyên còn 962 người. Việc thực hiện chi trả các chế độ chính sách đảm bảo kịp thời, đúng, đủ, công khai, minh bạch, như: Trợ cấp ưu đãi hàng tháng, điều dưỡng phục hồi sức khỏe, trang cấp phương tiện trợ giúp đối với thương binh, bệnh binh, trợ cấp quà Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (theo mức quy định của Chủ tịch nước và Chủ tịch UBND tỉnh)... Kinh phí hàng năm cho nguồn chi này trên 25 tỷ đồng.

Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tri Tôn Nguyễn Ngọc Ngân cho biết, thực hiện chính sách giảm nghèo trên địa bàn, nhất là với những hộ có công với cách mạng, công tác triển khai từ huyện đến các xã, thị trấn đều làm tốt. Cán bộ chuyên môn tích cực từ việc dự tập huấn, cập nhật kịp thời các nghị định, cho đến vận dụng vào thực tế một cách linh hoạt, tận tâm để nhanh chóng đưa các chính sách vào cuộc sống.

Năm qua, từ nguồn hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg, ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ và nguồn vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của tỉnh, huyện, các công ty, doanh nghiệp (DN) đóng góp… huyện Tri Tôn đã hỗ trợ cho 1.435 hộ, với tổng số tiền trên 62 tỷ đồng. Huyện đảm bảo 100% hộ người có công và thân nhân người có công đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh, tổng số đã cấp 2.153 thẻ (tính đến tháng 1/2023). Huyện còn hỗ trợ ưu đãi giáo dục cho 15 lượt con của người có công trên địa bàn đang theo học tại các trường phổ thông, đào tạo, tổng số tiền trên 114 triệu đồng.

Theo kế hoạch giảm nghèo đối với hộ có công đến năm 2025 của UBND tỉnh, huyện Tri Tôn được công nhận là huyện nghèo nên có nhiều chính sách thụ hưởng, trong đó luôn ưu tiên lựa chọn những hộ có công để hỗ trợ thoát nghèo. “Cùng với công tác tuyên truyền, chúng tôi sẽ tập trung, vận dụng mọi nguồn lực thực hiện các chính sách đối với người có công với cách mạng thuộc diện nghèo, cận nghèo.

Đồng thời, lồng ghép và thực hiện có hiệu quả nguồn lực với xây dựng nông thôn mới, nhân rộng các mô hình đào tạo gắn với tạo việc làm, đa dạng hóa các hình thức, biện pháp hỗ trợ để họ tự tạo việc làm. Ngoài ra, huyện sẽ vận động, hỗ trợ về nhà ở đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn…” - bà Nguyễn Ngọc Ngân thông tin.

Ưu tiên xóa nghèo cho gia đình có công

Qua kết quả rà soát năm 2022, toàn tỉnh có 20.129 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 3,82%) và 31.288 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 5,93%). Trong đó, hộ gia đình có công thuộc hộ nghèo là 166 hộ, thuộc hộ cận nghèo là 226 hộ, thuộc 7 địa phương: huyện An Phú, Tri Tôn, Châu Phú, Thoại Sơn, Phú Tân, TX. Tân Châu, TP. Long Xuyên.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 14-CT/TW, ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ xóa nghèo, giảm nghèo đối với hộ có công với cách mạng thuộc diện nghèo, cận nghèo giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

“Việc chăm lo, hỗ trợ gia đình có công với cách mạng là việc làm thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, thể hiện trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhấn mạnh yêu cầu khi triển khai kế hoạch.

Theo đó, phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn tỉnh đảm bảo 100% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư. Trước mắt, ngay trong năm 2023, tỉnh phấn đấu giảm tiếp 50% số hộ gia đình có công thuộc diện nghèo, cận nghèo. Tương ứng giảm 62 hộ nghèo và giảm 85 hộ cận nghèo và hạn chế tối đa phát sinh mới hộ có công thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

Giải pháp trọng tâm để đạt mục tiêu đến năm 2025 là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia xóa nghèo đối với hộ có công thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Các cấp, ngành và toàn xã hội tham gia hỗ trợ hộ có công nghèo, cận nghèo được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục và đào tạo, nhà ở, nước sinh hoạt…).

Bên cạnh đó, hỗ trợ hộ có công thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập thông qua đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, chính sách tín dụng ưu đãi. Tại những địa phương thực hiện giảm nghèo cho hộ có công, vận động hộ dân sản xuất - kinh doanh giỏi nhận đỡ đầu, hướng dẫn và tham gia sản xuất cùng với hộ có công thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách thức tổ chức sản xuất - kinh doanh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước còn lưu ý các địa phương và các ngành liên quan, trong công tác lãnh, chỉ đạo, cần ưu tiên tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ xóa nghèo cho hộ có công. Đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến tạo sinh kế, phát triển sản xuất và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích