An Giang chăm lo tốt hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo

28/04/2021 - 05:18

 - Thời gian qua, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở An Giang diễn ra ổn định, chấp hành Hiến chương, Điều lệ của tổ chức tôn giáo và pháp luật nhà nước. Công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo có nhiều chuyển biến tích cực, khung pháp lý về tín ngưỡng, tôn giáo được hoàn thiện, đảm bảo quyền tự do, tín ngưỡng của người dân và cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong tình hình mới…

Đảng, nhà nước luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng

Hiện nay, hoạt động tín ngưỡng thực hiện theo quy định tại Điều 11, 12 (Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016). Toàn tỉnh An Giang có 266 cơ sở tín ngưỡng, trong đó 8 di tích cấp quốc gia, 32 di tích cấp tỉnh. Các hoạt động tín ngưỡng thuần túy đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân. Tỉnh đã tăng cường công tác quản lý cơ sở tín ngưỡng, hoạt động tín ngưỡng trên địa bàn, bước đầu đi vào nền nếp. Hầu hết các cơ sở tín ngưỡng đều có ban quản lý, ban quý tế hoặc người đại diện.

Toàn tỉnh có 11 tôn giáo và 15 tổ chức tôn giáo với 1.198 chức sắc, 3.895 chức việc. Tỉnh luôn quan tâm hướng dẫn, giải quyết nhu cầu tín ngưỡng chính đáng của các tổ chức tôn giáo đúng quy định pháp luật. Từ đó, tạo đồng thuận trong chức sắc, chức việc các tôn giáo và đồng bào có đạo, yên tâm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước.

Đa phần chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo chấp hành pháp luật, tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và tham gia các hoạt động: xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, đảm bảo an ninh trật tự, xây nhà, xây cầu, làm đường, mua xe chuyển bệnh từ thiện, phòng, chống dịch bệnh…

Với phương châm “Sống tốt đời, đẹp đạo”, mỗi năm các tổ chức tôn giáo đóng góp hơn 100 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động an sinh xã hội. Đặc biệt, cộng đồng các dân tộc, tôn giáo chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Các tổ chức tôn giáo và bà con tín đồ tích cực ủng hộ đóng góp quỹ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với tổng số tiền và hiện vật trị giá hơn 7 tỷ đồng.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định 162 của Chính phủ được triển khai đến cán bộ, công chức, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, chức sắc, chức việc đã tạo khung pháp lý vững chắc trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào. Thông qua từng chức sắc, chức việc, người có uy tín trong các tôn giáo đã phát huy công tác tuyên truyền, vận động tín đồ thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, bài trừ hủ tục, tập tục xấu, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan; đấu tranh với các biểu hiện cực đoan, tuyên truyền để bà con không nghe theo xúi giục, xuyên tạc… Qua đó, cơ bản giải quyết được một số vụ việc phức tạp, góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội.

Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, Ban Dân vận Tỉnh ủy, UBMTTQVN, Ban Dân tộc, Ban Tôn giáo, lãnh đạo UBND 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tiếp và làm việc với đoàn công tác của Ban Tôn giáo Chính phủ về việc kiểm tra sơ kết 3 năm triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Tại buổi làm việc, Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Ánh Chức (Trưởng đoàn công tác) đánh giá cao hoạt động quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, yêu cầu An Giang tiếp tục tăng cường đào tạo, bồi dưỡng để cán bộ phụ trách ở cơ sở nắm rõ Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; cụ thể hóa quy chế phối hợp để việc quản lý về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo hiệu quả hơn. Tăng cường thanh, kiểm tra nhằm kịp thời điều chỉnh và hướng dẫn chi tiết, tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Đề nghị UBMTTQVN tỉnh hướng dẫn MTTQ cấp xã phối hợp UBND cùng cấp nơi có cơ sở tín ngưỡng để tổ chức bầu người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng nhiệm kỳ mới… 

HỮU HUYNH

Đảng, nhà nước luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Đây là những sinh hoạt vừa mang tính tâm linh, vừa là giá trị văn hóa, nhu cầu chính đáng của người dân. Có nhiều cơ sở tín ngưỡng, thờ tự đã trở thành địa chỉ du lịch thu hút du khách tham quan, vãn cảnh…