An Giang chủ động ngăn dịch bệnh đau mắt đỏ

26/09/2023 - 05:59

 - Cho đến nay, bệnh đau mắt đỏ chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh. Do dịch dễ lây lan nhanh nên phòng bệnh vẫn là chủ yếu; khi bị bệnh phải đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế cho biết, dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn An Giang có dấu hiệu tăng nhanh và diễn biến phức tạp, dự báo bùng phát mạnh. Đến chiều 22/9, toàn tỉnh phát hiện 9.870 ca đau mắt đỏ (trường học 8.218 ca, cộng đồng 1.652 ca). Bệnh xuất hiện ở 11/11 huyện, thị xã, thành phố, trong đó cao nhất là các huyện Châu Phú 2.323 ca, Thoại Sơn 1.788 ca, Tri Tôn 1.389 ca, Chợ Mới 1.159 ca, TP. Châu Đốc 1.222 ca, huyện Châu Thành 852 ca, TP. Long Xuyên 351 ca…

Ngoài ra, còn khá nhiều người bệnh tự mua thuốc tại các điểm bán thuốc tân dược, các cơ sở y tế tư nhân để điều trị.

BS.CKII Phạm Quang Quốc Uy, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) An Giang cho biết, thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, CDC đã gửi tài liệu truyền thông đến cấp huyện, đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp tăng cường truyền thông phòng, chống bệnh đau mắt đỏ; đăng video clip, audio, Infographic, bài viết tuyên truyền trên website, bản tin sức khỏe...

Ngành y tế phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ tại nơi làm việc, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp... hạn chế lây lan trong cộng đồng. Bên cạnh đó, phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong nhà trường.

Khi phát hiện học sinh có các triệu chứng, như: Sốt nhẹ kèm mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí khó mở mắt, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm, đỏ/ngứa/rỉ dịch 1 hoặc cả 2 mắt, cảm giác nổi cộm/có sạn ở trong mắt, mi mắt sưng nhẹ, hơi đau, kết mạc sưng phù, đỏ... cần hướng dẫn trẻ đi khám ngay tại cơ sở khám bệnh, không tự ý điều trị nhằm tránh biến chứng nặng.

Trong trường hợp phát hiện ca bệnh đau mắt đỏ trong lớp học, cần sử dụng xà bông hoặc các chất sát khuẩn thông thường để vệ sinh lớp học, vệ sinh sàn nhà, sát trùng các đồ dùng, đồ chơi, tay nắm cửa, bàn ghế của học sinh. Đồng thời, thông báo thông tin ca bệnh cho trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế tuyến xã để phối hợp xử lý.

Trưởng phòng GD&ĐT TP. Long Xuyên Dương Kiếm Anh thông tin: “Đơn vị đã yêu cầu các trường học đảm bảo công tác vệ sinh phòng học, dụng cụ học tập, đồ chơi của trẻ, dụng cụ sinh hoạt cá nhân, khử khuẩn bề mặt bằng xà bông hoặc cloramin B. Các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, hướng dẫn cho phụ huynh đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời; cho tạm nghỉ học, điều trị và cách ly tại nhà”.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hàm Nghi (TP. Long Xuyên) Lê Thị Mỹ Dung cho biết, trường thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh theo dõi bệnh đau mắt đỏ, đưa đi điều trị kịp thời. Giáo viên trước khi vào học kiểm tra xem có học sinh nào có triệu chứng thì nhắn tin, điện thoại mời phụ huynh vào trường cho các em nghỉ học ở nhà.

BS.CKII Trần Văn Lời, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang cho biết, từ đầu tháng 9 đến ngày 20/9, có 114 ca viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ) đến khám, trung bình khoảng 24 ca/ngày, không có ca nặng và nhập viện. Bệnh viện đã dự trù số lượng thuốc nhỏ mắt phòng dịch. Còn BS.CKII Tôn Quang Chánh, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi An Giang thông tin, số ca bệnh nhi bị đau mắt đỏ khá đông và gia tăng. Những ngày gần đây có khoảng 100 ca đến khám/ngày, phần lớn điều trị ngoại trú.

Theo các bác sĩ, bệnh đau mắt đỏ do siêu vi gây ra. Kết mạc mắt là lớp màng niêm mạc lót bên trong mí mắt trên, dưới và nhãn cầu phía trước, bình thường có màu trắng trong, khi bị viêm nhiễm, kết mạc mắt sung huyết, đỏ. Bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với dịch tiết từ mắt qua bàn tay nhiễm khuẩn hoặc dùng chung đồ dùng, vật dụng bị nhiễm mầm bệnh. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia.

Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, ngành y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp: Thường xuyên rửa tay bằng xà bông, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân, như: Lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Sử dụng xà bông hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

Sở Y tế An Giang khuyến cáo, người dân không nên tự mua thuốc điều trị đau mắt đỏ để tránh gây nên biến chứng nặng, do không được điều trị đúng cách, kịp thời. Khuyến cáo người dân khi phát hiện triệu chứng đau mắt đỏ, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị.

HẠNH CHÂU