An Giang đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh cho năm học mới

21/08/2020 - 04:28

 - Theo kế hoạch, chỉ còn 10 ngày nữa là đến ngày tựu trường (1-9) và khai giảng năm học mới vào ngày 5-9. Tuy nhiên, trước diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh COVID-19 có nguy cơ lan rộng, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) khẩn trương phối hợp các cấp, ngành để đảm bảo an toàn tuyệt đối sức khỏe thầy, cô giáo, học sinh, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh trong ngày khai trường và thời gian thực học.

Đảm bảo an toàn tuyệt đối

Với mục tiêu “Tạm ngừng đến trường, không ngừng việc học”, ngành GD&ĐT An Giang triển khai công tác chuẩn bị năm học mới 2020-2021 đúng theo khung kế hoạch thời gian năm học được UBND tỉnh ban hành trên cơ sở đảm bảo an toàn tuyệt đối sức khỏe thầy, cô giáo và học sinh; thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh đúng theo văn bản quy định của trung ương và địa phương theo từng thời điểm.

Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thị Ngọc Diễm cho biết, đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho năm học mới đã sẵn sàng. Đã tiến hành vệ sinh trường lớp, khử khuẩn, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, như: trang bị phương tiện rửa tay, xà bông, nước sạch, thiết bị đo nhiệt độ điện tử cầm tay, tuyên truyền đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn…

Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, An Giang sẽ tổ chức tựu trường ngày 1-9, tất cả các trường sẽ đồng loạt khai giảng ngày 5-9, riêng Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu và Trường THPT chuyên Thủ Khoa Nghĩa khai giảng ngày 4-9; thời gian thực học từ ngày 7-9. Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên và Trường Trung cấp nghề có hệ Giáo dục thường xuyên có thể tổ chức lễ khai giảng đồng thời với các trường phổ thông hoặc tổ chức sau đó, tùy theo tình hình thực tế của đơn vị.

“Tuy nhiên, do diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh COVID-19, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành GD&ĐT đang khẩn trương xây dựng 2 phương án đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh trong ngày khai trường và quá trình thực học”- Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thị Ngọc Diễm cho biết.

Chủ động phương án

Trong điều kiện chưa đảm bảo an toàn để tập trung giáo viên, học sinh tham dự lễ khai giảng trực tiếp tại sân cờ, tùy theo tình hình, điều kiện của mỗi đơn vị, địa phương, nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức lễ khai giảng linh động: có thể tổ chức lễ khai giảng dưới hình thức đại diện, theo lớp, theo buổi (trên cơ sở đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch bệnh, thực hiện giãn cách, đeo khẩu trang, hạn chế sử dụng micro chung...) hoặc trực tuyến. Nội dung tổ chức ngắn gọn nhưng vẫn giữ được ý nghĩa của ngày truyền thống “Toàn dân đưa trẻ đến trường”, học sinh vẫn cảm nhận được không khí ngày khai giảng như lắng nghe tiếng trống khai trường, những thông điệp của năm học mới...

Sau khai giảng, các trường tăng cường kết nối, hướng dẫn phụ huynh cài đặt Bluezone, thực hiện khai báo đầy đủ tình hình sức khỏe của con em mình. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cha mẹ học sinh thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý và tổ chức cho học sinh hoạt động vui chơi, trải nghiệm tại nhà. Hình thành các nhóm qua zalo, viber… giữa giáo viên và các bậc phụ huynh để chia sẻ, tư vấn việc chăm sóc, giáo dục học sinh ở nhà.

Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thị Ngọc Diễm yêu cầu Hiệu trưởng các trường có trách nhiệm xây dựng kế hoạch dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của đơn vị. Tổ chức cho tổ chuyên môn rà soát, sắp xếp lại nội dung chương trình của từng môn học, từng lớp (xác định nội dung nào giảng dạy trực tiếp tại lớp, nội dung nào giảng dạy trực tuyến).

Đảm bảo tính khoa học, phù hợp với đối tượng học sinh và được hiệu trưởng phê duyệt (theo hướng dẫn của Bộ và Sở GD&ĐT). Yêu cầu giáo viên rà soát tinh giản nội dung dạy và điều chỉnh kế hoạch dạy học đảm bảo cho học sinh có đủ kiến thức, kỹ năng để hoàn thành chương trình lớp học như quy định tại khung thời gian năm học của tỉnh…

Tổ chức giảng dạy trực tiếp trên lớp 50% thời gian và 50% thời gian còn lại giảng dạy trực tuyến và tự học tại nhà. Các trường chủ động hướng dẫn phụ huynh giúp học sinh tự học ở nhà. Giáo viên biên soạn nội dung giảng dạy trực tuyến ghi hình, quay video… gửi cho học sinh thông qua nhiều hình thức khác nhau như: tin nhắn, email, group của lớp, trang web của trường, sổ liên lạc điện tử, có thể thông qua các hoạt động như dạy học trực tuyến, hoặc thông qua các ứng dụng OTT như: viber, zalo... Các hình thức này cho phép học sinh nghỉ ở nhà nhưng vẫn có thể tương tác với thầy cô, nhận nhiệm vụ học tập, được giáo viên chấm bài, sửa bài.

*Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước yêu cầu Sở GD&ĐT khẩn trương xây dựng 2 phương án tổ chức khai giảng năm học 2020-2021 đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và trong thời gian thực học.

Đối với 1.269 học sinh Việt kiều Campuchia có hộ khẩu An Giang, cần rà soát nắm thông tin học sinh nào có nhu cầu trở về Việt Nam học thì vận động thực hiện các biện pháp cách ly tập trung để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh (trước mắt tiếp nhận học sinh phổ thông, có hộ khẩu, người thân ở Việt Nam).

*Trước tình hình dịch bệnh Chikungunya đang lây lan nhanh tại Campuchia và có khả năng tiếp tục lan rộng sang các địa phương khác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước yêu cầu các cấp, ngành trong tỉnh tăng cường kiểm soát, không để dịch bệnh Chikungunya lây lan.

 

HỮU HUYNH