An Giang: Đối ngoại để tăng nội lực

18/07/2022 - 07:45

 - Thời gian qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh An Giang chủ động triển khai các hoạt động đối ngoại trên cả 3 lĩnh vực (đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân), góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền lãnh thổ.

Nhiều hoạt động đối ngoại được An Giang đẩy mạnh thực hiện

Tìm ngoại lực vững chắc về kinh tế

Tỉnh xác định hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm của hội nhập quốc tế, huy động nguồn nội lực và ngoại lực tập trung phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, tạo nền tảng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp, nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trong đó, tăng cường giao lưu quốc tế, mở rộng và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với đối tác quốc tế, địa phương của các nước có tiềm năng và mong muốn hợp tác với tỉnh An Giang, hướng tới ký kết và triển khai thỏa thuận hợp tác trên tinh thần “thực chất, bình đẳng, cùng có lợi”; đẩy mạnh thu hút nguồn vốn FDI, viện trợ không hoàn lại... vào địa bàn tỉnh, thông qua việc ban hành, điều chỉnh chính sách hướng đến ưu đãi, cải cách thủ tục hành chính; tích cực triển khai xúc tiến, vận động đầu tư.

Theo UBND tỉnh An Giang, toàn tỉnh hiện có 38 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 281 triệu USD, tổng vốn thực hiện 173 triệu USD (chiếm 61,6% tổng vốn đầu tư đăng ký). Năm 2022, tỉnh phân bổ chi tiết vốn ngân sách Trung ương, ngoài nước được giao 284 tỷ đồng cho 4 dự án, gồm: Tiểu dự án “Tăng cường khả năng thích ứng và quản lý nước cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long, huyện An Phú”, thuộc Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (WB9); “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” (VnSAT); “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai”; “Mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án TP. Long Xuyên”.

Khi dịch bệnh COVID-19 bị đẩy lùi, tỉnh triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch. Với chuỗi các hoạt động, gồm: Tổ chức thành công Hội chợ Thương mại quốc tế Tịnh Biên - An Giang năm 2022, quy mô hơn 300 gian hàng của 120 doanh nghiệp (DN) Việt Nam, Campuchia và Thái Lan, với tổng doanh số bán hàng đạt 15 tỷ đồng, riêng DN An Giang đạt doanh số 1,5 tỷ đồng; làm việc với đoàn DN Hàn Quốc đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại với tỉnh, giới thiệu kết nối 7 DN xuất khẩu và tiềm năng xuất khẩu của tỉnh; tham gia sự kiện THAIFEX - Anuga Asia 2022 (Hội chợ chuyên ngành thực phẩm và đồ uống tại Thái Lan), Hội chợ Thương mại quốc tế Vietnam Expo 2022.

Nhờ vậy, gian hàng An Giang thu hút DN trong và ngoài nước tham quan tìm hiểu môi trường đầu tư, hạ tầng khu công nghiệp môi trường, năng lượng… tại An Giang. Đặc biệt, Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2022 (dự kiến tổ chức tháng 11/2022) sẽ là điểm nhấn quan trọng để thu hút đầu tư, tăng thêm nội lực cho tỉnh trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19.

Đoàn kết và đồng hành phát triển

Suốt thời gian qua, tỉnh An Giang duy trì, thắt chặt quan hệ hợp tác truyền thống với tỉnh Kandal và Takeo (Vương quốc Campuchia) trên nhiều lĩnh vực. Công tác phối hợp giữa các lực lượng 2 bên (như: công an, quân sự, biên phòng, hải quan) diễn ra tốt đẹp, an ninh trật tự trên tuyến biên giới được triển khai đồng bộ, chặt chẽ, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia và nhân dân 2 bên biên giới.

Các lực lượng đứng chân trên biên giới của 2 bên duy trì tốt việc trao đổi thông tin định kỳ và đột xuất, phối hợp tuần tra song phương, bảo vệ biên giới theo hiện trạng, các mốc dấu, cột mốc đã và đang xây dựng; hợp tác hiệu quả trong phòng, chống tội phạm buôn lậu, mua bán trái phép ma túy, vũ khí, buôn bán người, vượt biên trái phép... Thường xuyên tuyên truyền chính sách pháp luật về biên giới của 2 nước cho nhân dân địa phương, nhất là người dân sinh sống tại khu vực biên giới.

Trong công tác đối ngoại nhân dân, đoàn kết giữa 2 dân tộc, các sở, ban, ngành các cấp triển khai nhiều hoạt động thăm hỏi, chúc Tết và tặng quà hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. MTTQ và tổ chức đoàn thể các cấp tổ chức thăm, tặng quà cho chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Campuchia, gồm: Nhu yếu phẩm, khẩu trang y tế, bếp năng lượng, bình lọc nước…

Đầu tháng 7/2022, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà cho nhân dân hoàn cảnh khó khăn ấp Chrochleng (xã Kirichokon, huyện Kirivong, tỉnh Takeo). “Những năm qua, tỉnh An Giang và Takeo luôn hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, như: Nông nghiệp, giáo dục, y tế, thương mại, thể thao, du lịch… và duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 tỉnh. Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia, chúng tôi phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức khám, cấp 500 suất thuốc và tặng 500 phần quà cho người dân. Hoạt động nhằm thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa 2 dân tộc Việt Nam - Campuchia nói chung, giữa lực lượng vũ trang và nhân dân 2 tỉnh An Giang và Takeo nói riêng” - đại tá Chau Chắc (Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang) cho biết.

Bà Vorng Savortey (Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện Kirivong) bày tỏ: “Đời sống người dân Campuchia nói chung, trên địa bàn huyện nói riêng gặp nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19. Nghe thông tin đoàn công tác An Giang đến thăm, tặng quà, khám bệnh, bà con rất vui. Hoạt động chia sẻ phần nào gánh nặng cho bà con. Thay mặt địa phương, chúng tôi rất cám ơn đoàn công tác, kỳ vọng sau này sẽ có thêm nhiều hoạt động gắn kết lâu dài, hiệu quả tương tự”.

An Giang đang nỗ lực tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển; đưa các mối quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, thực chất, thiết thực; huy động và kết hợp có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài với nguồn lực trong nước để phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.  

Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, tỉnh đang đề nghị bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, tham mưu Thủ tướng Chính phủ xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu mang tính đặc thù, tách biệt với chính sách áp dụng cho vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Đồng thời, ưu tiên nguồn vốn đầu tư các tuyến đường dẫn ra biên giới, tạo điều kiện thuận lợi để DN tăng cường xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương vùng biên giới.

GIA KHÁNH