An Giang đưa khoa học - công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn

15/06/2023 - 07:17

 - Những tiến bộ công nghệ, kỹ thuật mới giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản, tăng thu nhập cho nông dân, hợp tác xã (HTX). Khi kết hợp chuyển đổi số với ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào nông nghiệp, sẽ thúc đẩy xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng hiện đại, văn minh.

Ngày 13/12/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định 3029/QĐ-UBND phê duyệt chương trình KH&CN phục vụ xây dựng NTM tỉnh An Giang đến năm 2025, nhằm tập hợp nguồn lực KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường nông thôn; nâng cao chất lượng đời sống của người dân; thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong tỉnh.

Đến nay, Sở KH&CN đã nhận được 3 đề xuất, đặt hàng, gồm: 1 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia “Theo dõi sự tăng trưởng chiều cao cây lúa bằng hệ thống quét laser không người lái”, do Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đề xuất; 1 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh và 1 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Võ Thị Thanh Vân cho biết, thực hiện mô hình sản xuất ứng dụng KH&CN phục vụ xây dựng NTM, năm 2021 - 2023, tổng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước phân bổ thực hiện trên địa bàn An Giang là 39,35 tỷ đồng.

Trong đó, năm 2021 đã triển khai 20 mô hình cấp tỉnh, 116 mô hình cấp huyện, tổng kinh phí thực hiện 19,6 tỷ đồng (ngân sách nhà nước 9,8 tỷ đồng, vốn đối ứng 9,8 tỷ đồng). Năm 2022 - 2023, dự kiến triển khai 9 mô hình cấp tỉnh, 79 mô hình cấp huyện, 221 mô hình cấp xã, tổng kinh phí thực hiện 61,75 tỷ đồng (ngân sách nhà nước hỗ trợ 50%, vốn đối ứng 50%).

Thời gian tới, tỉnh sẽ hỗ trợ thực hiện 2 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, 3 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở, tổng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước phân bổ gần 1,33 tỷ đồng, thực hiện nhiệm vụ triển khai các giải pháp KH&CN phục vụ phát triển nền nông nghiệp có trách nhiệm theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ cao và thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai...

Sở NN&PTNT An Giang phối hợp phối hợp Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) và Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) xây dựng và triển khai ứng dụng phần mềm (App) “Nhận diện sinh vật gây hại lúa và hướng dẫn biện pháp phòng trừ” trên địa bàn tỉnh An Giang, hướng đến nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.

Sau nhiều lần phải hoãn kế hoạch thí điểm do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đầu năm 2022, Cục Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT, Viettel Solutions và Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời phối hợp triển khai thí điểm App “Nhận diện sinh vật gây hại lúa và hướng dẫn biện pháp phòng trừ” cho 200 nông dân tại xã Bình Hòa (huyện Châu Thành) và các xã Bình Mỹ, Bình Long, Bình Phú, Thạnh Mỹ Tây (huyện Châu Phú), cùng với các cán bộ trồng trọt và bảo vệ thực vật, cán bộ khuyến nông của huyện Châu Thành và Châu Phú.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trương Kiến Thọ cho biết, theo thiết kế, phần mềm mới có khả năng dùng AI (trí tuệ nhân tạo) nhận diện được 18 loài sinh vật gây hại phục vụ triển khai thí điểm (13 loài sâu và 5 loại bệnh hại). Tuy nhiên, trong thời gian thí điểm trên đồng ruộng, chỉ có 10 loại sinh vật gây hại được nhận diện. Kết quả thử nghiệm chức năng nhận diện sinh vật gây hại qua ảnh cho thấy, vẫn còn tồn tại một số nhược điểm cần tập trung khắc phục.

Dù vậy, App này vẫn mang lại nhiều kết quả khả quan, tích cực, hứa hẹn sẽ là một công cụ hữu ích, giúp nông dân và cán bộ kỹ thuật quản lý sinh vật gây hại trên cây lúa để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tác hại và nâng cao năng suất cho cây lúa. Thời gian tới, các đơn vị sẽ tiếp tục triển khai một số nội dung và hoàn thiện phần mềm.

Trong khi đó, từ tháng 6/2020 đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang phối hợp Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chi nhánh An Giang xây dựng và ứng dụng phần mềm quản lý chăn nuôi trên địa bàn tỉnh An Giang. Từ đó, tạo bước đột phá mới trong công tác quản lý chăn nuôi, góp phần kiểm soát dịch bệnh đàn vật nuôi tại địa phương, tạo thuận lợi trong việc truy cập dữ liệu lịch sử chăn nuôi. Phần mềm giúp quản lý chăn nuôi tốt, hạn chế dịch bệnh, dự báo sản lượng, truy xuất được nguồn gốc; định hướng thị trường cho từng loại sản phẩm.

Đến nay, tỉnh đã có được dữ liệu căn bản để quản lý cơ sở chăn nuôi trên địa bàn, khi Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) có yêu cầu, Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang sẽ chuyển dữ liệu vào Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi toàn quốc.

Theo ông Trương Kiến Thọ, Sở NN&PTNT An Giang đang phối hợp VNPT An Giang và Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội - Viettel An Giang hợp tác trong chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, tập trung vào triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp theo Chương trình 553/CTr-UBND của UBND tỉnh và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử; thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản. Từ đó, sẽ xây dựng các mô hình dự báo, cảnh báo cho ngành nông nghiệp phục vụ công tác quản lý, giúp nông dân, HTX, cơ sở sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp vận hành sản xuất hiệu quả hơn.

NGÔ CHUẨN