Các lớp đào tạo ngắn hạn giúp người lao động chuyển đổi công việc phù hợp sau ảnh hưởng của dịch bệnh
Từ tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, lực lượng lao động Việt Nam nói chung và lao động trong tỉnh nói riêng chịu ảnh hưởng sâu sắc, bị mất việc làm, giảm giờ làm hoặc giảm lương. Các khóa đào tạo ngắn ngày sẽ hỗ trợ cho người lao động (NLĐ) ứng phó và giảm thiểu tác động của đại dịch, nhằm giúp NLĐ nhanh chóng có những kỹ năng nghề cơ bản để chuyển đổi việc làm hoặc tự kinh doanh, đảm bảo sinh kế cho bản thân và gia đình.
Tham gia trực tiếp đào tạo, Trường Cao đẳng Nghề An Giang phối hợp các bên liên quan, gồm: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tỉnh đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công ty Cơ điện lạnh Thanh Tùng và Cổ phần Dược An Giang cùng triển khai các lớp ngắn hạn miễn phí cho NLĐ trên địa bàn tỉnh. Trước khi mở các lớp học, đơn vị đã phối hợp chính quyền địa phương tiến hành rà soát nhu cầu học viên để tổ chức các điều kiện thuận lợi nhất.
Sau thời gian gián đoạn cho diễn biến của dịch bệnh, từ tháng 6 đến nay, Trường Cao đẳng Nghề An Giang đã phối hợp cùng các đơn vị khai giảng 5 lớp lắp đặt điện nhà, hàn hồ quang, điện lạnh dân dụng. Gần đây nhất, lớp đào tạo nghề điện lạnh dân dụng cho NLĐ tại xã Mỹ Khánh (TP. Long Xuyên), lớp lắp đặt điện nhà tại xã Hòa Bình Thạnh (huyện Châu Thành) và lớp hàn hồ quang tại Trường Cao đẳng Nghề An Giang đã lần lượt khai giảng.
Các học viên tham gia lớp học đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19 sau 14 ngày. Nhà trường còn trang bị mỗi học viên đồ bảo hộ lao động, khẩu trang và các công cụ, dụng cụ thực hành riêng nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Mỗi lớp học từ 16 - 25 học viên, đào tạo tối đa trong 6 tuần và vận động ít nhất 10% học viên nữ/lớp.
Ông Đoàn Văn Phúc (Trường Cao đẳng Nghề An Giang) phụ trách quản lý các lớp học cho biết, các khóa đào tạo góp phần hỗ trợ địa phương thông qua việc hỗ trợ NLĐ trong độ tuổi bị ảnh hưởng bởi đại dịch bằng cách đào tạo chuyên sâu hoặc đào tạo lại để NLĐ có thể quay lại thị trường lao động. Ngoài ra, những người chưa có việc làm trong độ tuổi lao động cũng được tạo điều kiện tham gia học nghề để tìm việc làm. Ở một số lớp học đầu tiên được tổ chức trong năm 2020 đến đầu năm 2021, số học viên hoàn thành chương trình đều đảm bảo theo yêu cầu.
“Những người có việc làm sau khóa học được tổ chức GIZ theo dõi, đánh giá, ngoài cơ hội tìm việc làm ở các nơi tuyển dụng, lao động còn tự phát triển theo khả năng tại gia đình, ứng dụng vào sản xuất để nâng cao hiệu quả làm việc, nhất là trong sản xuất nông nghiệp với sự hỗ trợ của máy móc” - ông Phúc thông tin.
Minh chứng là khá nhiều NLĐ tham gia học nghề ở huyện Chợ Mới, ngoài những người bị mất việc làm thì có nhiều NLĐ gắn bó với làm nông, trồng cây ăn trái, hoa màu… Thời gian đầu sau khóa học, họ ứng dụng những gì được đào tạo vào phục vụ sản xuất, cải tiến quy trình chăm sóc cây trồng, tiếp tục tự học để tích lũy kinh nghiệm trước khi đi làm hoặc tiếp tục học nâng cao. Như trường hợp anh Nguyễn Hữu Tân, sau khi học lớp lắp đặt điện đã có thể ứng dụng kỹ năng, kiến thức được đào tạo để tự điều khiển máy để tưới vườn cây ăn trái, xịt thuốc. Việc ứng dụng này giúp anh Tân không phải tìm lao động trong thời gian xảy ra dịch bệnh, đồng thời tiết kiệm rất nhiều chi phí.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số lớp học không thể tổ chức vào đầu năm theo dự kiến, thậm chí có lớp mới tổ chức vài ngày đã phải tạm ngưng. Chính quyền địa phương bày tỏ rất kỳ vọng với những chương trình hỗ trợ như thế này dành cho NLĐ, nhất là trong tình hình dịch bệnh tác động đến việc làm, thu nhập của người dân. Dù gặp khó khăn nhưng các bên phối hợp vẫn theo dõi sát tình hình, diễn biến dịch bệnh, tranh thủ mở lớp khi có đủ điều kiện đảm bảo, bởi đặc thù của các lớp ngắn hạn đòi hỏi phần lớn thời gian phải thực hành trực tiếp trên thiết bị. Hiện tại, khi đã nối lại nhịp sống bình thường, dự kiến Trường Cao đẳng Nghề An Giang sẽ mở tổng cộng 21 lớp học tại huyện Phú Tân, Châu Thành, phối hợp với Nhà Văn hóa lao động tỉnh, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh và các lớp tổ chức tại các xưởng của trường.
Học viên tham gia khóa đào tạo sẽ được hỗ trợ chế độ, gồm: Tiền ăn (80.000 đồng/người/ngày), tiền xăng đi lại (500.000 đồng/người/khóa/1 tháng), học bổng (nam 2 triệu đồng/học viên; nữ 2,5 triệu đồng/học viên) và cấp chứng chỉ sau khi hoàn thành khóa học. Cùng với đó, NLĐ hoàn toàn có thể yên tâm vì được đảm bảo yếu tố bảo hộ và an toàn lao động. Sau đào tạo, nhà trường trao đổi với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Giới thiệu việc làm, công ty để tổng hợp các cơ hội nghề nghiệp phù hợp theo từng nghề đào tạo. Danh sách học viên tốt nghiệp còn được chia sẻ cho Trung tâm Giới thiệu việc làm, công ty và tư vấn học viên tự khởi nghiệp để NLĐ có thể tiếp cận công việc mới một cách thuận lợi và sớm nhất.
MỸ HẠNH