Kết nối thị trường
Trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, An Giang là một trong những địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Trong đó có nhiều địa bàn là trọng điểm sản xuất nông nghiệp đã khiến việc tiêu thụ nông sản của bà con gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng trên, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ DN, hợp tác xã, nông dân trong việc tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp.
Theo đó, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh đã tổng hợp danh sách, danh mục các sản phẩm nông - thủy sản cần hỗ trợ tiêu thụ của tỉnh gửi Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương), Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Bên cạnh đó, đơn vị gửi công văn đến Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) về việc hỗ trợ quảng bá, kết nối tiêu thụ các mặt hàng nông - thủy sản tỉnh An Giang, phía ITPC đã hỗ trợ đăng trên các nhóm cộng đồng DN mà ITPC quản lý (các trang mạng xã hội, như: Viber, Zalo...).
Trung tâm còn liên hệ và gửi danh sách các sản phẩm nông - thủy sản của tỉnh cần hỗ trợ tiêu thụ đến Bưu điện tỉnh, cụm khách sạn Đông Xuyên. Đồng thời thông tin và hỗ trợ DN đăng ký kết nối mua - bán các sản phẩm trên Cổng thông tin “Đăng ký kết nối mua - bán nông sản, hàng hóa” (https://htx.cooplink.com.vn).
An Giang phát triển mạnh cây ăn trái, đóng góp tích cực vào tăng trưởng nông nghiệp. Ảnh: NGÔ CHUẨN
Trong hoạt động kết nối giao thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh với vai trò là cầu nối đã hỗ trợ cho 6 DN An Giang tham gia kết nối với các DN Quảng Châu (Trung Quốc), Thụy Sĩ, Malaysia, Romania, Cộng hòa Séc, UAE, Iran, siêu thị Mega Market, Saigon Co.op, Hapro Group… trong khuôn khổ Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021 do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức.
Các DN được hỗ trợ, gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Việt, Công ty CP XNK thủy sản Cửu Long, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Hợp tác xã nông nghiệp Long Bình, Hợp tác xã nông sản an toàn Mỹ Hòa Hưng, Hợp tác xã hộ kinh doanh sản xuất rau mầm Thái Hậu. Kết quả bước đầu, các DN đã kết nối trực tiếp, gửi hình ảnh và báo giá đến các đối tác. Riêng Tập đoàn Nam Việt đã ký với siêu thị Mega Market 1 container hàng cá tra phi-lê để phân phối vào hệ thống siêu thị tại Việt Nam.
Ngoài ra, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh còn hỗ trợ kết nối tiêu thụ hơn 100 tấn sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương, như: Mít tươi, chuối già Nam Mỹ, cá basa xuất khẩu, sản phẩm đường thốt nốt An Giang, rau củ quả, bắp, chanh, xoài, dưa leo, cam... với các DN kinh doanh xuất khẩu, đơn vị thu mua trong và ngoài nước.
Cùng chung tay, góp sức
Bên cạnh đó, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh cùng với các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến địa phương có những hoạt động chung tay, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bùng phát mạnh, tỉnh An Giang đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, nên việc tiêu thụ nông sản của nông dân gặp khó khăn.
Thông qua chính quyền địa phương, Hội Nông dân xã, hợp tác xã, tổ hợp tác và các tổ chức xã hội - từ thiện... nhiều mặt hàng nông sản đã được liên kết đầu ra, gỡ khó cho sản xuất. Trong đó, nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) được bán gián tiếp qua “đầu mối” là bưu điện, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã... với giá cả phù hợp. Trong đó có thể kể đến các sản phẩm, như: Nhãn xuồng cơm vàng của xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú), bưởi da xanh (huyện Thoại Sơn)...
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị còn phối hợp tiêu thụ trái cây của nông dân các địa phương khi vào cao điểm thu hoạch, như: xoài cát Hòa Lộc của xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên), cam mật (huyện Chợ Mới), cam sành, thanh nhãn (huyện Châu Thành), bắp (huyện Chợ Mới); dưa leo, chanh, khổ qua... của các vùng chuyên trồng rau màu của huyện Châu Thành... Các loại nông sản ngoài được thu mua để trao tặng lại cho hộ dân khó khăn trong vùng cách ly, phong tỏa tạm thời... thì lượng lớn được tiêu thụ thông qua các kênh kết nối bán lẻ đã giúp nông dân lấy lại phần vốn, một số mặt hàng kinh doanh mang lại lợi nhuận giúp nông dân tái sản xuất vụ kế tiếp.
Trước đó, với sự vào cuộc của tất cả các ngành, cơ quan, đơn vị còn hỗ trợ tiêu thụ khoai lang tím Vĩnh Long, vải thiều Bắc Giang và nông sản trong tỉnh với số lượng hàng trăm tấn. Theo từng đợt, bưu điện tổ chức gian hàng tiêu thụ ở các huyện, kể cả điểm bưu điện văn hóa xã nếu lượng hàng cần tiêu thụ số lượng lớn.
Bằng những hoạt động thiết thực của các ngành chức năng từ tỉnh đến địa phương đã góp phần giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ, đưa nông sản của tỉnh đến người tiêu dùng trên mọi miền đất nước. Đồng thời, giảm bớt áp lực và gánh nặng cho việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19.
ĐỨC TOÀN