An Giang hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

16/04/2021 - 04:34

 - Với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC), chỉ cần diện tích sản xuất vừa phải, vẫn tạo ra sản phẩm có giá trị lớn. Điều quan trọng của mô hình này là kiểm soát canh tác bằng ứng dụng thông minh, giảm nhân lực thủ công, đảm bảo chất lượng sản phẩm, tăng lợi nhuận cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp (DN).

Trải đều khắp tỉnh

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, năm 2020, đơn vị đã phối hợp Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh thực hiện xét duyệt danh mục và hỗ trợ thực hiện 49 mô hình nông nghiệp ƯDCNC (định mức không quá 200 triệu đồng/mô hình) tại 11 huyện, thị xã, thành phố, tập trung vào các nhóm sản phẩm chủ lực.

Trong đó, 36 mô hình nông nghiệp ƯDCNC do các huyện, thị xã, thành phố chủ trì thực hiện, gồm: Châu Thành, An Phú và TP. Long Xuyên thực hiện 3 mô hình/địa phương; TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu, Phú Tân và Thoại Sơn thực hiện 2 mô hình/địa phương; Châu Phú, Tịnh Biên, Chợ Mới là 5 mô hình/huyện; Tri Tôn có 4 mô hình nông nghiệp ƯDCNC.

Đối với 13 mô hình còn lại, do các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT chủ trì thực hiện, gồm: Chi cục Chăn nuôi Thú y, Chi cục Thủy sản, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Kỹ thuật - Dịch vụ nông nghiệp.

Ứng dụng công nghệ cao giúp tăng giá trị nông sản

Theo ông Lâm, các mô hình trên đã giúp tăng giá trị thu nhập trên diện tích sản xuất, đồng thời thử nghiệm áp dụng các quy trình công nghệ theo hướng nông nghiệp ƯDCNC có hiệu quả. Qua đó, từng bước khuyến khích, tạo động lực cho nông dân thay đổi tư duy sản xuất phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, công nghệ cao, giảm công lao động, tạo ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường, góp phần phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tổ chức các đợt khảo sát có sự tham gia của các chuyên gia, giảng viên Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học An Giang đến 11 huyện, thị xã, thành phố để tìm hiểu kết quả tổ chức sản xuất, khảo sát thực tế các mô hình sản xuất tiêu biểu theo hướng nông nghiệp ƯDCNC trong trồng cây ăn trái, sản xuất hoa kiểng và nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Qua đó, đã trao đổi, làm rõ nhu cầu hỗ trợ phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực này, đồng thời xây dựng các đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp phù hợp, đáp ứng tình hình thực tế địa phương.

Tăng cường học tập kinh nghiệm

Năm qua, Sở NN&PTNT đã tổ chức 7 đợt học tập kinh nghiệm cho 120 người tham gia, chủ yếu là đại diện tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX), nông dân ở Châu Phú, Chợ Mới, Châu Thành, TX. Tân Châu, TP. Long Xuyên và TP. Châu Đốc đến học tập kinh nghiệm các mô hình trồng cây ăn trái trong tỉnh, như: mô hình sản xuất na Hoàng Hậu và đầu tư hệ thống thủy lợi để phát triển vùng quy hoạch cây ăn trái tại huyện Châu Thành và Phú Tân; khảo sát đầu tư trang thiết bị, công nghệ và quy trình sản xuất, sơ chế nước nhãn đóng lon và nhãn đóng hộp của Trường Đại học An Giang.

Nông dân, THT, HTX còn được học tập kinh nghiệm thực tế trong thiết lập các dịch vụ sản xuất đầu vào, đầu ra và mức đầu tư mô hình nông nghiệp ƯDCNC trong trồng sầu riêng đạt hiệu quả và bền vững; học tập các mô hình trồng cây có múi, dưa lưới, măng tây, nuôi thủy sản gắn với ứng dụng công nghệ cao hiệu quả; mô hình trồng hoa kiểng gắn với du lịch sinh thái...

Sở NN&PTNT còn tổ chức 1 chuyến học tập kinh nghiệm về nông nghiệp ƯDCNC ở các lĩnh vực cây ăn trái, nông nghiệp kết hợp năng lượng tái tạo ở tỉnh Bình Dương và Ninh Thuận. Qua đó, đã tạo điều kiện học tập thực tế kinh nghiệm lập vườn, cải tạo vườn, kỹ thuật chăm sóc các đối tượng cây ăn trái, như: bưởi, quýt, sầu riêng; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phòng, chống các đối tượng gây hại nguy hiểm trên cây có múi, sử dụng các loại phân bón hữu cơ, vi sinh hiệu quả.

Đoàn công tác An Giang còn được học tập kinh nghiệm về tiềm năng kết hợp ứng dụng năng lượng mặt trời phục vụ sản xuất nông nghiệp (mô hình kết hợp trồng kiểng, rau màu, nuôi dê, nuôi cừu), một số mô hình khả thi áp dụng cho tỉnh An Giang, một số lưu ý khi kết hợp sản xuất nông nghiệp và năng lượng mặt trời.

“Các chuyến học tập kinh nghiệm giúp cho nông dân, nhân viên kỹ thuật, khuyến nông viên ở từng lĩnh vực sản xuất được trao đổi, thảo luận sâu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu những hướng dẫn kỹ thuật quan trọng cũng như tiếp cận những thông tin mới, những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiệu quả hướng nông nghiệp ƯDCNC khả thi, phù hợp áp dụng vào điều kiện sản xuất. Qua đó, thúc đẩy phát triển nông nghiệp ƯDCNC ở từng địa phương nói riêng, tỉnh An Giang nói chung” - ông Lâm đánh giá.

Cùng với hỗ trợ phát triển các mô hình nông nghiệp ƯDCNC, năm 2021, An Giang dự kiến tăng sản xuất lúa chất lượng cao thêm 20.000ha, thực hiện liên kết tiêu thụ trên diện tích khoảng 149.000ha với hơn 30 DN (đông xuân 46.775ha, hè thu 64.825ha, thu đông 37.400ha). Trong đó, ưu tiên thực hiện với các DN có thực hiện cung ứng vật tư, giống; có đầu tư hạ tầng phục vụ liên kết, như: kho bãi, cơ sở chế biến…

NGÔ CHUẨN