An Giang hỗ trợ tiêu thụ nông sản

08/09/2021 - 05:53

 - Trước những khó khăn về tiêu thụ nông sản của nông dân do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, các cơ quan, hội, đoàn thể từ tỉnh đến địa phương đã tích cực tháo gỡ, hỗ trợ nông dân. Bên cạnh đó, bằng tấm lòng sẻ chia của mình, nhiều cá nhân chủ động kết nối khách hàng, giúp lượng lớn nông sản được vận chuyển thẳng từ đồng ruộng đến tay người tiêu dùng, hoàn toàn phi lợi nhuận.

Ở khu vực Bảy Núi, các loại nông sản đặc trưng của vùng, như: bơ sáp, hồng quân, su, măng mạnh tông… đang rộ vụ thu hoạch. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 làm giá cả đầu ra của các loại nông sản gặp khó. Giá giảm chỉ bằng 1/2 so với năm trước, tuy nhiên vẫn rất khó bán vì ít người thu mua.

Theo chị Trang Thanh (ngụ ấp Núi Két, xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên), hiện nay đang vào mùa hồng quân - đặc sản của địa phương. Thời điểm này những năm trước, khách du lịch đến tham quan đông, hồng quân bán được giá, thường dao động từ 15.000 -20.000 đồng/kg. Giờ, người dân hạn chế ra đường, giá giảm chỉ còn 4.000-7.000 đồng/kg, mà thương lái thu mua rất ít, đầu ra chậm.

“Hồng quân chín thì phải thu hoạch. Phần nào bán được thì bán, trái chín còn lại đem ngâm rượu, cũng là sản phẩm đặc trưng của địa phương” - chị Thanh chia sẻ. Lấy hồng quân ngâm rượu là giải pháp tạm thời, vì số lượng tiêu thụ không nhiều, phải kết nối trước với đầu mối thì rượu ngâm xong mới bán được.

Các cấp Hội Nông dân huyện Chợ Mới triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Ảnh: ĐỨC TOÀN

Trong vụ hè thu 2021, huyện Chợ Mới xuống giống 12.740ha và 100ha nếp. Đối với rau màu, tổng diện tích xuống giống đạt 7.117ha. Bên cạnh đó, huyện còn trên 7.583ha diện tích cây ăn trái, trong đó chủ yếu là xoài, mít Thái, chanh, cam, sầu riêng, bưởi... Trước đây, việc tiêu thụ nông sản của nông dân thông qua tổ hợp tác sản xuất, đại lý và thương lái nhỏ lẻ địa phương. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, việc sản xuất của bà con gặp rất nhiều khó khăn; việc thu mua tại vựa có phần giảm sản lượng, khiến cho đầu ra nông sản bị ảnh hưởng.

Thông qua Tổ hỗ trợ tiêu thụ và lưu thông hàng hóa nông sản, ngành nông nghiệp huyện Chợ Mới đã phối hợp với xã, thị trấn tăng cường kết nối người tiêu dùng trên các nền tảng mạng xã hội. Tính riêng tháng 8-2021, Tổ hỗ trợ tiêu thụ và lưu thông nông sản trên địa bàn huyện hỗ trợ tiêu thụ hơn 650.000 tấn lúa và một số loại nông sản khác, như: đậu nành rau, cải xanh, bắp, dưa leo, chanh… Các hội, đoàn thể huyện Chợ Mới triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông sản cho nông dân. Điển hình là hoạt động tìm kiếm đầu ra cho nông sản của các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chợ Mới Huỳnh Văn Dứt cho biết, các cấp Hội Nông dân thống kê về chủng loại, sản lượng, thời gian thu hoạch… đối với nông sản trên địa bàn. Sau đó, chủ động liên hệ, giới thiệu thương lái, chủ vựa, công ty đến thu mua nông sản, kết nối với nhà hảo tâm (mua để hỗ trợ lại các mô hình “0 đồng”), hoặc bán qua mạng xã hội Zalo, Facebook... Tính đến ngày 2-9, các cấp hội hỗ trợ tiêu thụ cho hơn 9.500 tấn nông sản, thủy sản các loại, tổng trị giá ước tính trên 50 tỷ đồng. Tuy giá thu mua không cao, nhưng giúp người nông dân thu lại một phần chi phí, tạo điều kiện tái sản xuất vụ tiếp theo.

Trong thời gian dịch bệnh bùng phát, chị Trương Thanh Thúy (Phó Giám đốc Nhà Thiếu nhi tỉnh An Giang) tận dụng trang Facebook cá nhân của mình hỗ trợ tiêu thụ nông sản giúp nông dân. Mỗi ngày, Facebook của chị đều bài đăng mới. Đó là danh sách các loại nông sản mà chị đang cung cấp, từ thanh long ruột đỏ, khoai mì trồng ở Tri Tôn, xoài cát Hòa Lộc, bắp nếp, hồng quân núi Két, đậu nành rau, đậu phộng, củ kiệu… Nông sản được phân ra từng túi, số lượng từ 5 - 10kg.

Loại nông sản nào nông dân cần tìm đầu ra là chị Thúy sẵn sàng hỗ trợ, bằng cách tìm hiểu trước nhu cầu, liên hệ với bà con chốt số lượng, cách vận chuyển đảm bảo an toàn, tiện lợi nhất. “Bên mình nhận giao hàng cho khách, mọi người chỉ cần cho thông tin, các bạn shipper (người giao hàng) chịu trách nhiệm giao hàng. Khách vẫn có thể đến 2 địa điểm đã thông tin (phường Bình Khánh và phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) để nhận hàng, nhưng cần thông báo trước để phân bổ hàng hóa phù hợp” - chị Thúy thông tin.

Cái khó của kinh doanh nông sản là phải đảm bảo độ tươi, thu hoạch xong vận chuyển đến tay người tiêu dùng liền. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh nên hàng hóa được kiểm tra kỹ, nên đôi lúc thời gian vận chuyển chậm. Bù lại, khách hàng thông cảm vì biết chị tham gia hoạt động này không thu lợi nhuận, chủ yếu giúp nông dân bán được nông sản của mình. “Thật sự rất cực, vì hàng hóa về nhiều, phải phân chia cụ thể số lượng, đơn hàng chung tuyến để vận chuyển thuận lợi. Nhờ nhiều người chung tay giúp, với lại thấy công việc ý nghĩa nên bản thân cố gắng hết sức” - chị Thúy bày tỏ. Mỗi ngày, tại 2 điểm bán nông sản do chị điều phối có thể bán từ 1,5-2,5 tấn nông sản các loại, tùy vào nhu cầu khách hàng. Mặc dù là kênh thông tin cá nhân, nhưng chị luôn được bạn bè, người thân ủng hộ.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 khiến việc thông thương hàng hóa bị xáo trộn, sản xuất bị đình trệ thì việc kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Không chỉ phát huy vai trò của mỗi phòng, ban; tổ chức hội, đoàn thể trong việc tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân, mà còn thể hiện tấm lòng sẻ chia, tinh thần yêu thương, đoàn kết trong đại dịch.

ÁNH NGUYÊN - ĐỨC TOÀN