An Giang hợp tác, phòng chống tội phạm xuyên biên giới

06/05/2022 - 15:40

 - Là tỉnh biên giới, vì thế An Giang luôn coi trọng và vun đắp tình bạn với các địa phương nước bạn Campuchia, xem đây là yếu tố then chốt giúp xây dựng thành công đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, cải thiện đời sống nhân dân của 2 bên. Tuy nhiên, từng lúc, từng nơi, tội phạm xuất, nhập cảnh trái phép, buôn bán người... vẫn diễn biến phức tạp.

Hợp tác phát triển kinh tế

Hơn 2 năm qua, dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng tỉnh An Giang và 2 tỉnh Takeo, Kandal  (Vương quốc Campuchia) luôn củng cố, thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị truyền thống từ lâu đời, tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, cùng nhau phối hợp triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Các đơn vị chức năng tại khu vực biên giới thường xuyên phối hợp, thực hiện tốt việc phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tục thông quan xuất, nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn An Giang vẫn đảm bảo đúng quy định. Hoạt động thương mại biên giới của thương nhân và cư dân hai bên biên giới diễn ra thông thoáng, không bị ùn tắc tại khu vực cửa khẩu và đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế hai nước.

Ngoài ra, 2 bên quan tâm hợp tác, phối hợp phòng chống tội phạm xuyên biên giới, như: Tội phạm buôn người, lừa đảo tìm việc làm và tình trạng xuất nhập cảnh trái phép..., nhằm đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới.

Trung tướng Yong Mau, Phó Cục trưởng Thường trực Cục Phát triển Bộ Quốc phòng Quân đội Hoàng gia Campuchia cảm ơn sự hỗ trợ của tỉnh An Giang thời 

Tội phạm buôn bán người diễn biến phức tạp

Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh An Giang Huỳnh Công Huấn cho biết, thời gian qua, Sở Ngoại vụ tích cực phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia và Tổng Lãnh sứ quán Việt Nam tại Sihanoukville và các cơ quan chức năng của tỉnh và của phía bạn Campuchia  thực hiện bảo hộ công dân, giải cứu nhiều nạn nhân của tội phạm buôn bán người mà người môi giới là người Việt Nam, chứ không phải người nước ngoài.

Qua tường trình của các nạn nhân cho thấy, những trường hợp trên đều bị dụ dỗ, giới thiệu sang Campuchia làm việc trong các casino với mức lương từ 800-1.000 USD/người/tháng. Tuy nhiên, khi đến Campuchia thì đều bị bán cho các đường dây buôn người, họ bị cưỡng bức, xâm hại, ép buộc lao động nhiều giờ trong các casino, điều hành các trang web cờ bạc, lừa gạt người khác qua mạng.

Tại khu vực Cửa khẩu Chrey Thom, tỉnh Kandal (Campuchia), có 11 công dân Việt Nam kêu cứu. Họ cho biết: Tin lời hứa của Công ty Trung Quốc có công việc tốt lương ổn định, nên đã nhập cảnh bất hợp pháp vào Campuchia để tìm việc. Trước khi đi, thỏa thuận hợp đồng 6 tháng, nhưng khi tới nơi họ bị ép ký hợp đồng 12 tháng và bị nhốt tại Casino Yong Yuan và bắt làm việc hơn 12 tiếng/ngày.

Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an An Giang trao tặng 50 tấn gạo cho Cục Phát triển Bộ Quốc phòng Quân đội Hoàng gia Campuchia để hỗ trợ người dân nước bạn gặp khó khăn do đại dịch COVID-19

Nếu không đồng ý làm họ bị chích điện, đánh đập, không được giao tiếp với người bên ngoài, có trường hợp bị hành hạ đến chết, hoặc tai nạn tử vong khi tìm cách chạy trốn. Muốn về Việt Nam họ phải trả 10.000-12.000 USD, trong khi hợp đồng đền bù chỉ 2.200 USD. Cuộc sống không khác gì trong nhà tù giam lỏng.

Một vụ khác, có 7 người Việt Nam bị lừa bán cho Công ty Trung Quốc tại thành phố Sihanouk (Campuchia); họ bị bóc lột, ép buộc làm công việc lừa đảo, bị đánh đập, hành hạ hết sức dã man.

Đây là những trường hợp được phát hiện và kịp thời giải cứu nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Campuchia và sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng chức năng Campuchia. Từ đó, giúp các nạn nhân thoát khỏi hiểm nguy và trở về Việt Nam đoàn tụ với gia đình.

Theo Sở Ngoại vụ An Giang, bên cạnh đó, tình trạng xuất nhập cảnh trái phép cũng rất phức tạp. Từ năm 2020 đến nay, đã có 190 người nước ngoài xuất nhập cảnh trái phép qua lại các cửa khẩu biên giới tỉnh An Giang giáp với 2 tỉnh Takeo và  Kandal. Trong đó, 152 người mang quốc tịch Campuchia và 37 người mang quốc tịch Trung Quốc. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho công tác kiểm soát trật tự an ninh khu vực biên giới, tiềm ẩn nguy cơ cao lây nhiễm dịch COVID-19 trong cộng đồng vào thời điểm dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp.

Cần giải pháp mạnh tay phòng chống tội phạm

Tình trạng trên đặt ra nhiều vấn đề và đòi hỏi các cơ quan chức năng phải dự báo và đánh giá chính xác tình hình xu thế sau đại dịch COVID-19. Từ đó, đề ra các giải pháp hữu hiệu trong công tác phòng, chống, ngăn chặn tội phạm cả trong và ngoài địa bàn quản lý, nhằm tránh các hậu quả đáng tiếc cho người dân khi sự việc “đã rồi” và khó khăn cho các cơ quan chức năng giải quyết.

Để phòng, chống, ngăn chặn tội phạm, tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép hiệu quả, Sở Ngoại vụ An Giang kiến nghị một số giải pháp: Đối với tội phạm buôn người, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân cảnh giác với các thủ đoạn như sang Campuchia làm việc với mức lương cao, làm việc trong các casino, trang mạng cờ bạc.


 

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang cùng lực lượng vũ trang 2 tỉnh TaKeo và KanDal (Vương quốc Campuchia) thắt chặt mối quan hệ trên tinh thần “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" 

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang cùng lực lượng vũ trang 2 tỉnh TaKeo và KanDal (Vương quốc Campuchia) thắt chặt mối quan hệ trên tinh thần “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài"Đặc biệt, thông qua mạng xã hội, cảnh sát địa phương cần quản lý chặt các đối tượng trên địa bàn có tiền án, tiền sự, cờ bạc, chuyên lừa đảo, dụ dỗ phụ nữ để bán sang Campuchia bởi nhiều trường hợp xảy ra do nạn nhân tin lời người quen là đối tượng xấu ở địa phương.

Cùng với đó, tuyên truyền cho công dân Việt Nam, đặc biệt lao động phổ thông thật cẩn trọng khi sang Campuchia làm việc tại các casino, công ty của người Trung Quốc nếu họ chưa nắm rõ hoạt động của các công ty này. Lực lượng chức năng cần hợp tác, phối hợp hiệu quả với lực lượng chức năng Campuchia  đấu tranh, triệt phá tội phạm lừa đảo đưa người sang Campuchia làm việc. Mặt khác, kịp thời cảnh báo, phát hiện và giải cứu nạn nhân. Song song đó, chính quyền địa phương cần tạo việc làm tại chỗ cho những lao động này nhằm hạn chế hoạt động di cư sang Campuchia tìm kiếm việc làm.

Ngoài ra, lực lượng biên phòng cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý đường biên giới. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn xuất nhập cảnh của các đối tượng sang bên kia biên giới cờ bạc, bọn tội phạm, đối tượng truy nã quốc tế. Việc kiểm soát tốt tuyến biên giới không chỉ đảm bảo an ninh, trật tự khu vực biên giới, còn thực hiện hiệu quả công tác phòng chống, ngăn chặn các loại tội phạm xuyên biên giới khác như tội phạm buôn người, lừa đảo…

Hiện nay, rất nhiều người Việt Nam đã bị dụ dỗ, lừa bán sang Campuchia và bị ép thực hiện các hành vi trái pháp luật, lừa đảo mạng, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của nhiều người dân trên lãnh thổ Việt Nam. Các đường dây này hoạt động tinh vi và có kịch bản chuyên nghiệp, nạn nhân sẽ bị các đối tượng xấu sử dụng để thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật thông qua nhiều hình thức, như: Lừa đảo trực tuyến, qua điện thoại, tin nhắn...

Theo đó, nạn nhận sẽ bị ép phải ở lại và phải làm việc, như: Đi lừa đảo, dẫn dụ những nạn nhân trực tuyến thông qua những nền tảng website, app điện thoại, chat 18+ app lừa đảo, cờ bạc bịp trực tuyến... Những kẻ lừa đảo sẽ đánh đập hành hạ, đe dọa những nạn nhân người Việt Nam nếu không làm việc cho bọn chúng.

 

HẠNH CHÂU