An Giang: Kết nối cung - cầu, phục hồi thị trường lao động

13/05/2022 - 06:03

 - Thị trường lao động đang từng bước sôi động trở lại, sau thời gian chịu tác động của đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp (DN) đều nỗ lực kết nối cung - cầu, thông qua phiên giao dịch việc làm, hội chợ việc làm; tăng cường thông tin, cung ứng nguồn lao động.

Ngày hội việc làm kết nối doanh nghiệp với sinh viên

Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng của DN trong và ngoài tỉnh đều tăng cao. Phiên giao dịch việc làm huyện Phú Tân  (tỉnh An Giang) vừa qua có 13 đơn vị, DN trong và ngoài tỉnh, 2 trường nghề tuyển dụng, tuyển sinh lao động ở 8.200 vị trí việc làm. Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Tân Võ Thanh Tùng cho biết, là địa bàn thuần nông, huyện có trên 200 DN, chủ yếu vừa và nhỏ, thu hút không nhiều lao động. Do đó, để có công việc, người lao động (NLĐ) phải tìm đến DN ngoài địa phương. Điều quan trọng hiện nay là giúp NLĐ gặp gỡ trực tiếp với DN, chẳng hạn thông qua phiên giao dịch việc làm.

Theo ông Tùng, việc kết nối nhu cầu tuyển dụng lao động của DN với các địa phương trong tỉnh khá thuận lợi, nhưng với ngoài tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn, phải thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Muốn vậy, phải nắm bắt nhu cầu tuyển sinh, ngành nghề tuyển dụng, chính sách tuyển dụng của DN. Hiện nay, đối với DN ngoài tỉnh, các chính sách đó rất đa dạng, nhiều ngành nghề để lựa chọn. Để gắn với nhu cầu của DN, phải biết rõ trình độ của NLĐ, kết hợp hài hòa với chính sách của DN đưa ra, mới có thể kết nối cung - cầu lao động đạt hiệu quả.

Những nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao như trường cao đẳng, đại học cũng tận dụng tối đa hiệu quả phiên giao dịch, ngày hội việc làm, để chủ động kết nối DN với nguồn lao động được đào tạo. Điển hình, hội chợ việc làm năm 2022 do Trường Đại học An Giang tổ chức, 26 đơn vị, DN trong và ngoài tỉnh cùng hàng ngàn sinh viên tham gia, mang đến hơn 1.000 nhu cầu tuyển dụng nhân sự ở các lĩnh vực.

Ứng viên đăng ký ứng tuyển

PGS.TS Võ Văn Thắng (Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang) chia sẻ: “Năm nay, “Ngày hội tuyển dụng” mang một tên gọi khác, đó là “Hội chợ việc làm”. Sau những biến động của đại dịch COVID-19, chúng tôi muốn truyền tải màu sắc mới vào tên gọi này. Mặc dù về ý nghĩa, đó vẫn là ngày hội, là dịp để sinh viên và nhà tuyển dụng có cơ hội được gặp gỡ nhau. Nhưng ẩn đằng sau “việc làm”, còn là mong muốn của nhà trường về việc phát huy tinh thần chủ động của sinh viên. Chúng tôi tin rằng, với những kiến thức và hành trang mà nhà trường đã trang bị, sinh viên Trường Đại học An Giang đủ bản lĩnh, tự tin thể hiện năng lực cá nhân, nắm bắt cơ hội việc làm cho bản thân mình, chứ không thụ động chờ đợi tuyển dụng”.

Qua 9 lần tổ chức, giải pháp này của nhà trường được DN đánh giá cao. Ông Đoàn Văn An (Giám đốc Ngân hàng TMCP XNK Việt Nam chi nhánh An Giang) tham gia tuyển dụng nhân sự 3 đợt, cho rằng chất lượng đội ngũ sinh viên được đào tạo hiện nay rất tốt. Gần đây nhất là năm 2019, ngân hàng tuyển dụng nhân sự đáp ứng được tiêu chí đưa ra. Riêng đợt này, đơn vị dự kiến tuyển 10-15 nhân sự làm việc ở các địa bàn: TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu, huyện Châu Phú, Phú Tân…

Theo Giám đốc Công ty Cổ phần Ngọc Phương Đông chi nhánh An Giang Phạm Nhất Nam, những hội chợ việc làm như thế này giúp cho DN có nơi tìm kiếm nguồn nhân lực dồi dào, đáp ứng nhiều yêu cầu, nhất là nhu cầu mở rộng quy mô theo lộ trình phát triển.

Tư vấn nghề nghiệp, dự báo thị trường lao động cho học sinh

Đối với bạn Dương Tường Vân (sinh viên năm cuối khoa kinh tế - quản trị kinh doanh), tham gia hội chợ việc làm là “cơ hội vàng” cho các bạn định hướng nghề nghiệp, kiến thức, nhận biết ưu - khuyết điểm của bản thân khi tiếp xúc với DN. Từ đó, mỗi bạn tập trung mục tiêu rõ hơn, tốt hơn trong tương lai. Ngoài ra, nhờ được tiếp cận với DN, sinh viên được hỗ trợ thực tập, giới thiệu việc làm sau khi ra trường, có cơ hội lựa chọn công việc phù hợp và đến gần hơn với mục tiêu, thay vì phải tự thân dò tìm.

​“Qua mỗi lần tổ chức, trường rút kinh nghiệm và cập nhật chương trình đào tạo phù hợp với nội dung mới, cần thiết để sinh viên tiếp cận, trải nghiệm, có môi trường cọ xát với DN tốt hơn.​ Chúng tôi xác định, gắn kết giữa nhà trường với DN là một trong những công việc quan trọng bậc nhất. Vì xét cho cùng, việc làm của sinh viên là yếu tố quyết định và là mong muốn mà nhà trường hướng đến. Đây là một trong những tiêu chí xếp hạng trường đại học trên thế giới hiện nay” - PGS.TS Võ Văn Thắng chia sẻ.

Để làm tốt vai trò cầu nối giữa DN và NLĐ, sở, ngành, địa phương đã và đang phối hợp đào tạo ngắn hạn, dài hạn theo tình hình, để đáp ứng nguồn cung lao động. Việc kết nối cung - cầu lao động được tiệm cận hơn, DN nhờ đó sẽ tuyển dụng được nguồn nhân lực qua đào tạo, nhanh chóng phục hồi sản xuất - kinh doanh. Tỉnh còn tăng cường vai trò hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn trong việc phối hợp, liên hệ với DN có nhu cầu được hỗ trợ.

Song song với việc tăng cường dự báo, kết nối NLĐ với đơn vị có nhu cầu tuyển dụng, địa phương và DN đang nỗ lực quan tâm, chăm lo, tạo sự an tâm cho NLĐ ổn định việc làm lâu dài. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ NLĐ ngày càng tốt hơn để góp phần “giữ chân” họ hiệu quả.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích