An Giang nâng cao hiệu quả quy hoạch sử dụng đất

30/12/2020 - 04:24

 - Bằng nhiều nỗ lực, kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất bình quân trong 5 năm (2016-2020) trên địa bàn tỉnh An Giang đạt khoảng 89% so các chỉ tiêu nghị quyết được Chính phủ phê duyệt (thời kỳ 2011-2015 chỉ đạt gần 60%). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập về công tác quy hoạch cần được tháo gỡ nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp để bảo vệ đất trồng lúa. Ảnh: N.C

Câu chuyện đất trồng lúa

Là một trong những tỉnh trọng điểm sản xuất lương thực của cả nước nên theo Nghị quyết được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, diện tích đất trồng lúa của An Giang còn duy trì 249.106ha, giảm 5.326ha so năm 2015. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai thực hiện, đến nay, diện tích đất lúa của tỉnh còn 242.337ha, giảm 12.095ha so năm 2015 (giảm vượt 6.769ha so chỉ tiêu được duyệt).

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, nguyên nhân diện tích đất trồng lúa giảm chủ yếu do chuyển đổi cơ cấu trong nội bộ nhóm đất nông nghiệp, gồm: chuyển sang đất trồng cây lâu năm 9.045ha; chuyển sang đất trồng cây hàng năm khác 1.122ha (chủ yếu rau màu); chuyển sang đất nuôi trồng thủy sản 921ha. Việc chuyển đổi này phù hợp với chủ trương của UBND tỉnh tại Quyết định số 3410/QĐ-UBND, ngày 14-7-2017 (phê duyệt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang đất rau, màu và cây ăn trái giai đoạn 2017-2020).

Theo đó, UBND tỉnh phê duyệt cho phép chuyển 31.130ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác. Việc chuyển đổi này về bản chất không làm mất đi đất trồng lúa theo Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ và vẫn được thống kê là đất trồng lúa (khi cần có thể chuyển sang sản xuất lúa).

Đối với việc chuyển 672ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp là phù hợp theo tinh thần Nghị quyết số 15/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh (Điểm b, Khoản 2, Điều 1) và Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ (Khoản 2, Điều 1). Các nghị quyết này cho phép An Giang chuyển 4.077ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp giai đoạn 2016-2020.

Mặc dù trên thực tế, diện tích đất trồng lúa có giảm nhưng nhờ tăng hệ số sử dụng đất lên 2,4 lần (bình quân cả nước 1,82 lần), cộng với năng suất lúa tăng (đạt bình quân 6,4 tấn/ha) nên sản lượng lúa của An Giang đạt 3,93 triệu tấn/năm, duy trì tương đương năm 2015, vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ an ninh lương thực quốc gia.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, việc thực hiện chính sách bảo vệ, hạn chế sử dụng vào đất trồng lúa theo chủ trương của tỉnh và Chính phủ hiện gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do tốc độ đô thị hóa nhanh, chênh lệch giữa giá trị đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp, giữa đất trồng lúa với đất trồng cây lâu năm lớn.

Trong khi đó, việc chuyển đổi cơ cấu từ đất lúa sang trồng màu, cây ăn trái (xoài, cam, bưởi, chuối…) cho hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều nên hấp dẫn nông dân. Do vậy, cần tính toán lại diện tích đất trồng lúa phù hợp yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực và có các chính sách hỗ trợ, bù đắp tương xứng để người trồng lúa yên tâm sản xuất.

Doanh nghiệp đầu tư nuôi trồng thủy sản nhằm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Ảnh: T.H

Tháo gỡ vướng mắc

Hưởng ứng chủ trương “trải thảm đỏ” mời gọi đầu tư của tỉnh, những năm qua, nhiều doanh nghiệp (DN) đã đến An Giang tìm hiểu, triển khai các dự án đầu tư, góp phần quan trọng vào thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến năm 2020, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 887 dự án (gồm 641 dự án đầu tư công và 246 dự án của các DN), trong đó có 125 công trình lớn, trọng điểm như: các tuyến đường tuần tra biên giới; mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 91, các Tỉnh lộ 941, 942, 943, 948, 954, 957; khu đô thị Sao Mai Bình Khánh 3, Bình Khánh 5, khu đô thị Golden City, khu đô thị mới Tây Sông Hậu; khu dân cư Lý Thái Tổ (nối dài), khu tái định cư Tây Đại học (mở rộng), khu nhà ở xã hội Bắc Hà Hoàng Hổ, khu nhà ở xã hội Bình Hòa; nhà máy điện mặt trời Văn Giáo 1, 2, nhà máy điện mặt trời Sao Mai…

Cùng với đó là các dự án lớn trong nông nghiệp như các vùng nuôi trồng thủy sản, sản xuất giống ở  Mỹ Thạnh (TP. Long Xuyên), Vĩnh Bình (Châu Thành), Bình Phú (Châu Phú), cồn Vĩnh Hòa (TX. Tân Châu); các trang trại chuối cấy mô, chăn nuôi heo, bò; nhà máy xay xát, chế biến lúa gạo hiện đại…

Có thể thấy, tiềm năng thu hút DN đầu tư khai thác nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghiệp chế biến tại An Giang rất lớn. Việc tập trung tái cơ cấu theo hướng nâng giá trị sản xuất nông nghiệp cũng là yêu cầu cấp bách khi mà nền nông nghiệp của tỉnh gần như đạt đến ngưỡng.

Do vậy, Trung ương cần có các giải pháp, chính sách, lộ trình hỗ trợ về cơ chế, vốn tín dụng ưu đãi cho nông dân, tổ chức nông dân, DN từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo đột phá để chuyển sang giai đoạn phát triển về chất, chứ không duy trì sản xuất đơn thuần về số lượng.

Để thu hút DN đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất trong lĩnh vực này, cơ chế tạo quỹ đất sạch đóng vai trò quan trọng nhất. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, thời gian qua, việc trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích đất trồng lúa từ 10ha trở lên đối với các dự án trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do khi thẩm định, các bộ, ngành đề nghị phải đáp ứng nhiều tiêu chí, trong đó có tiêu chí không thực hiện được là “dự án phải có tên trong danh mục các công trình, dự án thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016-2020 của tỉnh”.

Trên thực tế, hầu hết các dự án này được tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư sau thời điểm quy hoạch sử dụng đất của tỉnh nên không có tên trong biểu danh mục (tại thời điểm lập quy hoạch sử dụng đất, doanh nghiệp chưa có ý tưởng đầu tư, chưa đăng ký đầu tư thì không thể biết tên dự án, quy mô cụ thể để đưa vào). Việc Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu điều kiện này là rất khó thực hiện, gây khó khăn trong việc triển khai các dự án đầu tư.

Để tháo gỡ vướng mắc trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp, An Giang kiến nghị cần sửa đổi Luật Đất đai và các văn bản dưới luật theo hướng chỉ xét đến chỉ tiêu đất trồng lúa được phân khai cho tỉnh (số diện tích đất lúa cần giữ trong kỳ quy hoạch), đảm bảo phù hợp với quy hoạch được duyệt. Các dự án có sử dụng đất trồng lúa phải được HĐND tỉnh An Giang thông qua mà không phải trình cho Thủ tướng Chính phủ (do Chính phủ đã xét duyệt chỉ tiêu rồi).

NGÔ CHUẨN