An Giang: Ngành nông nghiệp nỗ lực tăng trưởng

06/10/2022 - 07:19

 - Trong đại dịch COVID-19, ngành nông nghiệp An Giang tiếp tục khẳng định vai trò bệ đỡ của nền kinh tế. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, càng nỗ lực, phấn đấu để vươn tầm phát triển, tiếp tục con đường đổi mới, tạo đột phá cho nông nghiệp như 2 lần An Giang đã thực hiện thành công trước đó.

Phát triển sản xuất

Đến nay, toàn tỉnh An Giang đã xuống giống dứt điểm vụ lúa thu đông 2022 với diện tích 152.900ha. Trong đó, có khoảng 5.735ha lúa tại huyện Tri TônTP. Long Xuyên đã thu hoạch sớm, năng suất bình quân đạt 5,87 tấn/ha. Điểm nổi bật của vụ thu đông năm nay là các giống lúa thơm đặc sản (nếp, Đài Thơm 8, Jasmine 85, Japonica…) chiếm 15,4%, lúa chất lượng cao (OM18, OM7347…) chiếm 78,9%, trong khi giống lúa chất lượng trung bình (IR50404) chỉ chiếm 5,7% diện tích xuống giống.

So cùng kỳ, diện tích xuống giống lúa vụ thu đông 2022 thấp hơn (152.900ha so 161.098ha). Tuy nhiên, nhờ tập trung bảo vệ sản xuất, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, ước năng suất lúa cả vụ thu đông 2022 đạt 6,21 tấn/ha, cao hơn năng suất bình quân vụ thu đông 2021 (5,87 tấn/ha) nên tổng sản lượng ước đạt 949.509 tấn (sản lượng vụ thu đông 2021 là 946.638 tấn). Sự thành công của vụ lúa thu đông 2022 sẽ đóng góp vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp.

Cùng với nâng cao chất lượng lúa gạo, An Giang còn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thể hiện quyết tâm tại Quyết định 3410/QĐ-UBND, ngày 14/11/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang rau, màu và cây ăn trái giai đoạn 2017-2020. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, qua triển khai thực hiện, giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 27.135ha, đạt 107% kế hoạch. Trong đó, chuyển đổi sang rau dưa các loại 10.259ha, cây màu 9.753,5ha, cây ăn trái 7.121,5ha.

Thực hiện Quyết định 1994/QĐ-UBND, ngày 26/8/2021 của UBND tỉnh An Giang về việc phê duyệt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang rau, màu và cây ăn trái giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp cùng các địa phương đề ra nhiều giải pháp triển khai hiệu quả. Năm 2021, đã thực hiện chuyển đổi 5.994,49ha, đạt 111,8% kế hoạch (cây màu 2.696,25ha, rau dưa các loại 1.845,5ha, cây ăn trái 1.452,74ha).

Năm 2022, toàn tỉnh An Giang thực hiện chuyển đổi 6.054,7ha (rau dưa các loại 1.345,8ha, cây màu 2.159,6ha, cây ăn trái 2.549,3ha). “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập ổn định cho nông dân, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn khi tham gia thu hoạch rau, màu, cây ăn trái” - ông Nguyễn Sĩ Lâm đánh giá.

Tăng giá trị nông nghiệp

Từ hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện Quyết định 1994/QĐ-UBND của UBND tỉnh, thực hiện chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang rau, màu, cây ăn trái giai đoạn 2021-2025 khoảng 37.557,6ha (rau, dưa các loại 7.932,4ha, cây màu 12.764ha, cây ăn trái 16.861,2ha).

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải phù hợp quy hoạch phát triển các giống cây trồng trên từng địa phương, phải phải đảm bảo tiêu thụ sản phẩm theo yêu cầu của thị trường và doanh nghiệp (DN).

Ngành nông nghiệp cùng các sở, ngành, địa phương tăng cường mời gọi đầu tư, khuyến khích liên kết DN với tổ chức nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, thông tin, tuyên truyền chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan nắm chắc việc thực hiện chuyển đổi, để hướng dẫn nông dân lựa chọn cây trồng chuyển đổi phù hợp với điều kiện đất đai, tập quán canh tác và có thị trường ổn định.

Ngành nông nghiệp sẽ tổ chức hội thảo tập huấn để nhân rộng mô hình chuyển đổi hiệu quả hơn so với trồng lúa; phối hợp địa phương đẩy mạnh việc gắn kết với các DN trong và ngoài tỉnh đến liên kết với nông dân, hợp tác xã, xây dựng chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục đa dạng hóa cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ngành nông nghiệp năm 2022, toàn ngành tập trung bảo vệ sản xuất đến cuối năm. Trong đó, tiếp tục tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2022; có kế hoạch hiệp đồng lực lượng, phương tiện, vật tư, bố trí lực lượng xung kích ở các vị trí xung yếu, chuẩn bị đủ vật tư dự trữ và phương tiện vận tải thích hợp để ứng phó, gia cố theo phương châm “4 tại chỗ”.

Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang, cấp huyện, xã triển khai đồng bộ các giải pháp để phòng tránh đuối nước, nhất là đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ em, học sinh mùa lũ; xây dựng kế hoạch sẵn sàng huy động lực lượng, tổ chức các chốt cứu hộ, cứu nạn, các điểm giữ trẻ, đưa rước học sinh tại các vùng sâu, vùng xa, vùng ngập sâu ảnh hưởng của lũ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo về mưa lũ, bão, áp thấp nhiệt đới để các địa phương và người dân chủ động ứng phó, bảo vệ sản xuất an toàn vụ thu đông 2022.

NGÔ CHUẨN

 

Liên kết hữu ích