An Giang nỗ lực thực hiện công tác bình đẳng giới

22/12/2020 - 06:02

 - “10 năm qua, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em và bình đẳng giới tại tỉnh An Giang đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành về tầm quan trọng của sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và bình đẳng giới; tạo điều kiện bước đầu cho cả nam và nữ phát huy quyền làm chủ và bình đẳng trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và trong gia đình” - đó là nhận định của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Châu Văn Ly về công tác bình đẳng giới và trẻ em tỉnh An Giang giai đoạn 2011 - 2020.

Khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bình đẳng giới

Tuyên dương gia đình sinh con một bề là gái, góp phần giảm bớt bất bình đẳng giới trong xã hội

Theo Sở LĐ-TB&XH, sau 10 năm thực hiện công tác bình đẳng giới, nhận thức, tư tưởng của người dân về Luật Bình đẳng giới được nâng cao, điều đó được thể hiện bằng sự quan tâm, chia sẻ và cách ứng xử với phụ nữ và trẻ em gái trong mỗi gia đình, tại cộng đồng và trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Từ đó, giúp vị thế của phụ nữ An Giang trong xã hội ngày càng được nâng cao. Trong lĩnh vực chính trị, đã tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới.

Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2010-2015 là: cấp tỉnh 7/55 (đạt tỷ lệ 12,72%), cấp huyện 75/512 (đạt tỷ lệ 14,64%); cấp xã 160/797 (đạt tỷ lệ 20,07%). Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội nhiệm kỳ 2011-2016 là 2/10, đạt tỷ lệ 20%. Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo đạt trên 25%, trong đó tỉnh An Giang có nữ là Bí thư Tỉnh ủy.

Đối với lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm giai đoạn 2011-2020, có 137.379 người được hỗ trợ đào tạo nghề, trong đó lao động nữ là 57.526 người (chiếm tỷ lệ trên 41,8%).  Tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt 85%.

Riêng lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã tổ chức các hoạt động truyền thông trong nhà trường, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, tổ chức các hoạt động hội thi, hội diễn, liên hoan, sinh hoạt đoàn thể về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới; tổ chức giảng dạy lồng ghép nội dung bình đẳng giới vào các môn học chính khóa và các hoạt động ngoại khóa.

Thực hiện bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, ngành y tế đã không ngừng kiện toàn công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Đó là tổ chức triển khai mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, triển khai thực hiện đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh; thường xuyên cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản; trang bị kiến thức nuôi dạy con, tỷ lệ phụ nữ sinh đẻ được khám thai tăng dần qua các năm, tỷ số giới tính khi sinh ổn định, giảm tình trạng phân biệt con trai, con gái.

Trong đời sống gia đình ở nhiều địa phương đã từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới thông qua việc xây dựng và phát triển mô hình phòng, chống bạo lực gia đình. Hiện toàn tỉnh có 11/11 huyện, thị xã, thành phố duy trì tốt mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, đạt 100% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh có mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; thành lập 585 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 513 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và 380 địa chỉ tin cậy cộng đồng. Các mô hình đã góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu về xây dựng gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

“Tuy công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế phụ nữ có nhiều tiến bộ đáng kể, nhưng trên thực tế khoảng cách về giới vẫn còn tồn tại như: lao động nữ vẫn còn nhiều thiệt thòi trong việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản, về cơ hội được đào tạo, đào tạo lại, cơ hội thăng tiến; vẫn còn định kiến giới, phân biệt đối xử với lao động nữ trong tuyển dụng, khi bố trí sắp xếp nhân sự; trong lĩnh vực lao động, việc làm, lao động nữ hiện vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi hơn so với nam giới, có xu hướng bị thất nghiệp cao hơn” - ông Châu Văn Ly nhận định.

Giai đoạn 2021-2030, Sở LĐ-TB&XH đề xuất tiếp tục nâng cao chất lượng các văn bản chỉ đạo, văn bản cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và chính sách, luật pháp của nhà nước; cụ thể hóa các chỉ tiêu bình đẳng giới vào nghị quyết của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, địa phương.

Cùng với đó là xây dựng chiến lược, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nữ, trong đó chú trọng đến công tác quy hoạch nguồn lãnh đạo nữ các cấp, ngành; nâng cao vai trò của tổ chức hội liên hiệp phụ nữ, tích cực tham mưu, đề xuất, tham gia xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách về công tác cán bộ nữ; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, từ đó hạn chế tình trạng vi phạm quyền của phụ nữ.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG