An Giang phát huy vai trò hợp tác xã

26/10/2023 - 07:49

 - Cùng với phát huy vai trò đại diện cho nông dân trong liên kết với doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) nông nghiệp cũng là chủ thể của các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), góp phần phát huy giá trị nông sản địa phương. Tỉnh An Giang sẽ “tiếp sức” để HTX trở thành mô hình kinh tế - xã hội quan trọng ở nông thôn, thu hút đông đảo nông dân tham gia.

Thống nhất quan điểm phát triển

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 106/NQ-CP, ngày 18/7/2023 về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Trong triển khai thực hiện tại An Giang, UBND tỉnh đặt mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững; ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển HTX gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; mở rộng quy mô, thu hút nông dân, DN tham gia, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; nâng cao thu nhập cho nông dân; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực thu hút đầu tư, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, phấn đấu đến cuối năm 2025, tỉnh hoàn thành mục tiêu đạt 300 HTX nông nghiệp phục vụ phát triển các ngành hàng chủ lực của tỉnh, trong đó số lượng HTX hoạt động đạt loại tốt và khá chiếm từ 70% trở lên, có nhiều thành viên tham gia. Đối với bộ máy quản lý, điều hành của HTX, đạt ít nhất 24% có trình độ đại học và cao đẳng, 15% có trình độ trung cấp, sơ cấp; có ít nhất 50% số HTX được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp nghề cho các chức danh giám đốc, kế toán, kiểm soát HTX.

Cùng với doanh thu khá (bình quân từ 5,5 tỷ đồng/HTX/năm trở lên), có ít nhất 25 - 30 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất và có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Bên cạnh đó, có ít nhất 50% HTX nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với DN, tổ chức kinh tế tập thể, HTX khác hoặc có DN tham gia vào tổ chức và hoạt động của HTX. Đồng thời, xây dựng và phát triển đội ngũ khuyến nông cộng đồng có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia tư vấn, hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp.

Tăng cường hỗ trợ

Để tạo cơ sở đánh giá và nhân rộng, tỉnh sẽ xây dựng ít nhất 5 mô hình HTX nông nghiệp phát triển bền vững, hoạt động hiệu quả, phù hợp đặc thù từng lĩnh vực, ngành hàng của địa phương. Trong đó, ưu tiên các mô hình HTX kiểu mới, hiệu quả, gắn với vùng sản xuất sản phẩm chủ lực, liên kết DN hình thành chuỗi giá trị quy mô lớn, cung cấp nguyên liệu đầu vào, đáp ứng nhu cầu của DN về sản lượng, chất lượng, phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Đồng thời, xây dựng mô hình HTX gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất - kinh doanh (SXKD) và quản lý HTX, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo đảm minh bạch thông tin và an toàn thực phẩm; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất, phân loại, sơ chế và tổ chức cung cấp dịch vụ logistics của HTX nông nghiệp.

Tỉnh sẽ rà soát, triển khai có hiệu quả chính sách ưu đãi về đất đai đối với HTX nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho HTX thuê đất ổn định, lâu dài, phục vụ hoạt động SXKD, phát triển các dịch vụ. Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích HTX tập trung, tích tụ đất đai; hình thành vùng nguyên liệu tập trung, quy mô đủ lớn, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với DN.

Các ngành, địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện cho HTX được chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất xây dựng cơ sở hạ tầng (kho bãi, nhà xưởng, cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm…) gắn với điều kiện thực tiễn và phương án SXKD của HTX. Tỉnh rà soát, bố trí quỹ đất phát triển vùng nguyên liệu, thu hút các nhà máy chế biến nông sản, trung tâm sau thu hoạch, cơ sở sơ chế, đóng gói sản phẩm trong quy hoạch sử dụng đất của tỉnh.

Nhằm tạo thuận lợi để HTX nông nghiệp tiếp cận tín dụng, các ngân hàng chủ động tháo gỡ khó khăn, triển khai các chương trình tín dụng đặc thù đối với một số mặt hàng nông sản có thế mạnh của tỉnh (lúa gạo, thủy sản, trái cây...), cho vay theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, có giá trị thương mại cao theo kế hoạch hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025.

Các cấp, ngành cũng hỗ trợ HTX xây dựng nhãn hiệu cho các nông sản đặc sản, sản phẩm OCOP và các sản phẩm chủ lực, tiềm năng của tỉnh; trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “An Giang” cho nông sản chủ lực. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ HTX nông nghiệp tham gia phát triển vùng nguyên liệu, hình thành liên kết chuỗi giá trị nông sản; cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi gắn với phát triển vùng nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 

Tỉnh hỗ trợ các HTX nông nghiệp xây dựng nhà sấy năng lượng mặt trời trong chế biến trái cây, đặc biệt là xoài, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần giải quyết nguồn sản phẩm thô từ các vùng trồng.

NGÔ CHUẨN