An Giang hiện thực hóa “giấc mơ lúa xanh”

22/04/2025 - 06:50

 - Trong bức tranh trù phú và đầy tiềm năng của vùng ĐBSCL, An Giang nổi lên như một điểm sáng tiên phong trong việc hiện thực hóa mục tiêu ý nghĩa của Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh đến năm 2030. Đề án không chỉ là một chủ trương mang tầm quốc gia, mà còn là hành trình chuyển đổi sâu rộng, hứa hẹn mang lại đổi thay tích cực cho nền nông nghiệp, môi trường và đời sống của nông dân.

Nâng cao giá trị hạt gạo

An Giang - với những cánh đồng trải dài màu mỡ được bồi đắp bởi phù sa sông Mekong - từ lâu đã khẳng định vị thế là một trong những “vựa lúa” lớn nhất của cả nước. Thế mạnh sản xuất nông nghiệp mang lại nguồn lương thực dồi dào, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực ĐBSCL.

Thời gian qua, tỉnh sớm nhận thức tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc thay đổi phương thức sản xuất lúa gạo. Việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào quy trình canh tác, từ khâu chọn giống, chăm sóc đến thu hoạch và chế biến dần trở thành xu hướng tất yếu. Những giống lúa chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng được ưu tiên. Đồng thời, các biện pháp canh tác tiên tiến, như: Tưới tiêu tiết kiệm, quản lý dinh dưỡng cân đối, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học được khuyến khích và nhân rộng, từng bước giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính ra môi trường.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, năm 2025, tỉnh triển khai thực hiện 44.015ha Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. Trong quý I/2025, hơn 1.700ha thực hiện mô hình tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, một số tiểu vùng đã triển khai dự án VnSAT tiếp tục duy trì khoảng 20.609ha (đạt tiêu chí theo quy trình “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”); các diện tích canh tác áp dụng theo quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL.

“Vụ đông xuân 2024 - 2025, sở phối hợp các địa phương triển khai thành công 40 mô hình sản xuất lúa trên tổng diện tích 566ha. Điểm nổi bật của các mô hình này là khả năng giảm chi phí sản xuất trung bình tới 4,1 triệu đồng/ha so phương pháp canh tác đối chứng. Đồng thời, năng suất lúa tại các ruộng mô hình cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể, cao hơn 0,78 tấn/ha. Nhờ những ưu điểm vượt trội này, lợi nhuận nông dân thu về từ mô hình tăng thêm gần 10 triệu đồng/ha...” - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Hiệp thông tin.

Khát vọng những mùa vàng

Đầu tháng 4/2025, trong không khí rộn ràng của mùa vàng, ngày hội thu hoạch lúa thuộc Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 diễn ra tưng bừng tại ruộng lúa của nông dân Lý Quang Nghị (ấp Bình Thành, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú). Trên tổng diện tích 3ha bao gồm cả ruộng trình diễn và đối chứng. Mô hình canh tác tiên tiến được áp dụng bài bản: Từ khâu bón vùi phân trước khi gieo sạ giống, sử dụng máy gieo sạ cụm, đến phương pháp tưới ngập khô xen kẽ. Đặc biệt, quy trình sản xuất còn tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật IPM, nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả thu hoạch đầy ấn tượng đã minh chứng hiệu quả của phương pháp canh tác mới: Năng suất ruộng mô hình đạt 8,25 tấn/ha, vượt trội so 7,95 tấn/ha ở ruộng đối chứng.

Nông dân trực tiếp tham gia đề án đều bày tỏ sự phấn khởi và tin tưởng vào tương lai của ngành lúa gạo. Nông dân Nguyễn Văn Mén (xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú) chia sẻ: “Sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền và ngành nông nghiệp đã tạo thêm động lực để tôi mạnh dạn đầu tư, đổi mới. Tôi ứng dụng KHKT vào sản xuất, áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh giúp cải tạo phân hữu cơ cho đất. Từ đó, tôi giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng lúa gạo, góp phần giảm ô nhiễm môi trường”.

Không dừng lại ở việc nâng cao chất lượng hạt lúa và giảm phát thải, An Giang còn chú trọng đến việc xây dựng một chuỗi giá trị lúa gạo bền vững và khép kín. Sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu đang được củng cố, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, mang lại lợi nhuận cao hơn cho nông dân. Các mô hình kinh tế hợp tác, tổ hợp tác ngày càng phát huy vai trò hỗ trợ nông dân tiếp cận KHKT, thị trường và các nguồn lực khác.

Tuy nhiên, hành trình hiện thực hóa “giấc mơ lúa xanh” này không phải là một con đường bằng phẳng. Ngành nông nghiệp tỉnh sẽ phải đối mặt với không ít thách thức, từ việc thay đổi tập quán canh tác truyền thống của nông dân, đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại và xây dựng một hệ thống quản lý hiệu quả. Song, với sự quyết tâm của chính quyền địa phương, sự đồng lòng của người dân và sự hỗ trợ từ các bộ, ngành Trung ương, An Giang sẽ vượt qua mọi khó khăn, trở thành địa phương tiêu biểu trong việc thực hiện thành công Đề án.

Tin tưởng rằng, đến năm 2030, những cánh đồng lúa vàng An Giang trĩu hạt, là biểu tượng của một nền nông nghiệp hiện đại, thân thiện với môi trường, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân. Đó sẽ là minh chứng sống động cho sự kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Một tương lai tươi sáng đang dần hiện hữu trên mảnh đất An Giang giàu truyền thống, đầy khát vọng.

THU THẢO