5 chuỗi liên kết chủ lực
Những năm qua, tỉnh ưu tiên phát triển HTX, THT, mô hình liên kết theo chuỗi, từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, nhiều mô hình liên kết chuỗi được xây dựng thành công, phát triển chuỗi nông sản chủ lực, như: Lúa gạo, rau màu, chăn nuôi, thủy sản...
Theo UBND tỉnh An Giang, thực hiện Chương trình hành động 06-CTr/TU, UBND tỉnh phê duyệt đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, lồng ghép phát triển hệ sinh thái HTX nông nghiệp gắn với kế hoạch chuỗi liên kết của từng ngành hàng. Từ đó, hình thành chuỗi liên kết của 5 ngành hàng thế mạnh, tiềm năng, vùng nguyên liệu sản xuất tập trung gắn với chuỗi giá trị của doanh nghiệp (DN) và HTX, THT.
Cụ thể, ngành hàng lúa gạo hình thành vùng nguyên liệu sản xuất lúa ổn định áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, nhằm giảm giá thành, tăng hiệu quả sản xuất. Tỉnh hình thành vùng nguyên liệu liên kết bền vững giữa Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời với HTX nông nghiệp tại vùng sản xuất lúa trọng điểm (huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, Phú Tân, Châu Thành).
Ngành hàng rau màu được hình thành vùng nguyên liệu trồng bắp non, đậu nành rau do HTX, THT quản lý, gắn với nhà máy chế biến của Công ty Cổ phần rau quả thực phẩm An Giang tại huyện Châu Phú, Chợ Mới, diện tích liên kết đạt 4.265ha/năm.
Ngành hàng cây ăn trái hình thành các vùng nguyên liệu, như: Xoài, chuối, sầu riêng, mít, cây có múi, diện tích trên 19.500ha. Nổi bật là chuỗi liên kết xoài của HTX GAP Cù Lao Giêng tại vùng sản xuất chuyên canh xoài của 3 xã Cù Lao Giêng (huyện Chợ Mới) với chợ đầu mối, DN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, tỉnh hình thành vùng nuôi cá tra liên kết, diện tích 1.070ha, nổi bật là vùng sản xuất cá tra giống công nghệ cao tại TX. Tân Châu của Tập đoàn Việt Úc. Tỉnh cơ bản hình thành vùng chăn nuôi gia công heo thịt, gà thịt, vịt thịt tại TX. Tịnh Biên, huyện Tri Tôn, Châu Phú, Thoại Sơn của Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty Thagrico…
Hướng đến sản xuất nông nghiệp tập trung, hiện đại, hiệu quả
Số lượng đi đôi chất lượng
Chủ tịch Liên minh HTX An Giang Trần Văn Cứng cho biết, đến ngày 15/12/2023, toàn tỉnh có 287 HTX hoạt động trên 6 lĩnh vực và 1.099 THT. Hiện, 12 sản phẩm của HTX, THT tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong đó, 4 sản phẩm của HTX đạt chuẩn OCOP 3 sao, gồm: Xoài keo của HTX nông nghiệp Long Bình (huyện An Phú), sà-rông của HTX Dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo (TX. Tịnh Biên), khô ếch một nắng của HTX Thương mại - dịch vụ - chăn nuôi ếch Khánh Hòa, nhãn xuồng của HTX Thương mại - dịch vụ - du lịch nông nghiệp Khánh Hòa (huyện Châu Phú).
Tỉnh có 8 sản phẩm tiềm năng, gồm: Gạo mùa lúa nổi của HTX nông nghiệp Vĩnh Phát, sầu riêng của HTX sản xuất - thương mại - dịch vụ Phước Lộc Thạnh, khô lươn của HTX thương mại - dịch vụ nuôi lươn VietGAP Thạnh Mỹ Tây (huyện Châu Phú); xoài hạt lép của HTX GAP Cù Lao Giêng, bắp bao tử của HTX Nông sản GlobalGAP (huyện Chợ Mới), khô cá điêu hồng của HTX Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên), nấm bào ngư của HTX sản xuất nông nghiệp và dịch vụ Châu Thành (huyện Châu Thành), quýt hồng Núi Cấm của THT trồng cây có múi (TX. Tịnh Biên).
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX GAP Cù lao Giêng (xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới) Nguyễn Minh Hiền cho biết: “Năm 2024, chúng tôi dự kiến bao tiêu 200ha xoài VietGAP trên địa bàn xã, giúp nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản ổn định, hình thành tập quán sản xuất xoài theo hợp đồng bao tiêu. Từ đó, từng bước khắc phục điệp khúc “Được giá mất mùa, được mùa mất giá” hay bị thương lái ép giá”.
HTX GAP Cù Lao Giêng đã ký kết hợp tác theo hướng, HTX cung ứng vật liệu bao trái, bảo lãnh tiền mua vật tư nông nghiệp của nông dân với Công ty TNHH đầu tư và phát triển thương mại Tín Tâm (TP. Long Xuyên), không lãi, thanh toán sau khi thu hoạch. HTX thu mua toàn bộ xoài tượng da xanh đã ký hợp đồng, mức giá xoài loại I mùa thuận (từ tháng 1 - 5 hàng năm), trái lớn 15.000 đồng/kg, trái nhỏ (cóc đeo) 14.000 đồng/kg. Xoài loại I mùa nghịch (từ tháng 6 - 12 hàng năm), trái lớn 20.000 đồng/kg, trái nhỏ 17.000 đồng/kg. Riêng xoài bao rớt loại được thu mua theo giá thị trường do 2 bên thương lượng.
“Theo yêu cầu của công ty về kỹ thuật, nông dân không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có tên trong danh mục thuốc cấm của Nhà nước, khi thu hoạch phải cách ly ít nhất 14 ngày. Về tiêu chuẩn sản phẩm, trái lớn hay nhỏ vẫn phải được bao, da láng, không ảnh hưởng ngoại hình, dính mủ hoặc bị côn trùng cắn, đốt. Xoài lớn trọng lượng từ 600gr đến dưới 1kg, xoài nhỏ từ 230gr đến dưới 600gr. Việc sản xuất theo tiêu chuẩn quy định góp phần nâng cao chất lượng, giá trị nông sản” - ông Nguyễn Minh Hiền thông tin thêm.
Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện cho 34 HTX nông nghiệp, THT tiếp cận nguồn vốn để xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất - kinh doanh; cấp 343 mã số vùng trồng cho DN, HTX, THT phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh đó, UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 4 HTX nông nghiệp tham gia Đề án HTX thí điểm sử dụng vốn ngân sách tỉnh đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn đầu tư trên 8,3 tỷ đồng (vốn ngân sách tỉnh gần 8 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của HTX). Ngân hàng thương mại cho HTX, THT vay trên 10,6 tỷ đồng, cho DN vay 450 tỷ đồng. Hỗ trợ 5 HTX đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử, như: Voso, Postmart, sanocop; 15 HTX ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất - kinh doanh của HTX.
“Tham gia vào HTX đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực, như: Giá trị nguyên liệu đầu vào giảm, năng suất lao động, chất lượng nông sản tăng, khả năng tiêu thụ tốt và ổn định, giá cả bán cũng cao hơn... Một chi tiết rất sinh động, “biết nói” trong các kỳ đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP là sản phẩm được xếp hạng đều thuộc về kinh tế tập thể, chủ yếu là HTX. Khi được công nhận sản phẩm OCOP, giá cả và doanh số bán ra của sản phẩm tăng đáng kể” - ông Trần Văn Cứng khẳng định.
Hướng tới hiệu quả và bền vững
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, thực hiện Chương trình hành động 06-CTr/TU, giai đoạn 2021 - 2023, An Giang hình thành được các vùng nguyên liệu sản xuất lúa tập trung, khép kín do HTX nông nghiệp quản lý. HTX đứng ra hướng dẫn nông dân sản xuất, tham gia cung ứng vật tư đầu vào, thực hiện các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và ký hợp đồng tiêu thụ với DN. Phía DN chịu trách nhiệm chính trong khâu tiêu thụ, nhân sự và thiết bị công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
“Ngày càng nhiều HTX nông nghiệp, THT, DN ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số vào sản xuất - kinh doanh, nhờ tiếp cận nguồn vốn nhiều và đa dạng hơn, thông qua chính sách hỗ trợ vay ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp. Mối liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân thành viên với HTX, giữa HTX với DN được tăng cường. Đồng thời, việc liên kết sản xuất giúp HTX, nông dân cải thiện thu nhập, cắt giảm chi phí sản xuất lúa do tiết kiệm công lao động, tăng thu nhập do được chiết khấu từ việc sử dụng dịch vụ HTX cung cấp” - ông Nguyễn Sĩ Lâm đánh giá.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng cho rằng, nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công trong việc phát triển, nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể là phải xác định đúng vai trò của cấp ủy Đảng, sự quan tâm, lãnh đạo và quản lý của các cấp chính quyền.
Đồng thời, bám sát quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa một cách sát hợp điều kiện thực tế địa phương… Đây là yếu tốt then chốt trong thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình hành động 06-CTr/TU, trong định hướng phát triển kinh tế tập thể, HTX gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị của địa phương…
“MTTQVN, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Liên minh HTX là lực lượng nòng cốt tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, các tầng lớp nhân dân làm thay đổi nhận thức và quan niệm HTX kiểu cũ, chậm phát triển, sang HTX kiểu mới, tiến tới tích cực tham gia góp vốn thành lập HTX, sử dụng dịch vụ HTX cung cấp. Đặc biệt, phát triển kinh tế tập thể phải trên cơ sở nắm bắt nhu cầu xã hội, nhu cầu sản xuất và người lao động. Đồng thời, gắn với việc xác định nội dung mô hình kinh tế tập thể, mô hình HTX phù hợp từng đối tượng, từng địa bàn, loại hình sản xuất, lấy hiệu quả kinh tế làm trọng tâm”- đồng chí Lê Văn Nưng nhấn mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Chương trình hành động 06-CTr/TU, vẫn gặp một số hạn chế, như: HTX, THT có quy mô nhỏ, mức độ tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh chưa cao, nên tích lũy nội bộ tái đầu tư phát triển còn hạn chế. Một số nơi, HTX được thành lập theo chỉ tiêu hoặc yêu cầu bắt buộc của tiêu chí nông thôn mới, nên hoạt động hình thức, chưa mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên. Mặt khác, quy mô sản xuất của nông dân còn nhỏ, rời rạc, tâm lý vẫn còn e ngại, chưa mạnh dạn liên kết theo nhóm hoặc qua tổ chức đại diện (HTX, THT) để cùng sản xuất diện tích lớn, tạo sản phẩm đồng nhất…
Phát huy kết quả đạt được, đồng thời khắc phục hạn chế, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai Chương trình hành động 06-CTr/TU. Theo đó, tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp, đẩy nhanh phát triển tổ chức đại diện nông dân gắn với liên kết sản xuất nông sản theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững. Phát triển HTX, THT nông nghiệp gắn với tổ chức sản xuất hiện đại, liên kết DN hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, quy mô công nghiệp, khép kín từ sản xuất đến chế biến; ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng, thương hiệu, giá trị nông sản và thu nhập cho nông dân.
Cùng với đó, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hóa, áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn thị trường quốc tế, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nhằm đảm bảo tính minh bạch, chất lượng sản phẩm. Đổi mới phương thức và hình thức hoạt động của HTX, THT nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, chuyển đổi tư duy của nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Phát triển mối quan hệ sản xuất hài hòa, đồng hành, hợp tác đôi bên cùng có lợi, cùng chia sẻ rủi ro giữa HTX, THT và DN.
HTX nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Liên kết, hợp tác là hướng đi tất yếu cho phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Hiện nay, mô hình HTX, THT nông nghiệp, phù hợp và đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, nhờ hợp tác liên kết tạo ra khu sản xuất tập trung, vùng nguyên liệu lớn. Đây là cơ sở quan trọng để đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất theo quy trình công nghệ, tiêu chuẩn hóa tiêu chí về chất lượng sản phẩm, tạo ra lượng hàng hóa đủ lớn đáp ứng yêu cầu thị trường, khắc phục nhược điểm mà mô hình kinh tế hộ nhỏ, lẻ hiện vướng.
Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, cùng sự vào cuộc của các địa phương và người dân, số HTX nông nghiệp được xây dựng mới phát triển ngày càng tăng. Từ đó, tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị, thương hiệu nông sản và thu nhập cho nông dân.
|
THU THẢO - HẠNH CHÂU