An Giang phát triển hệ thống thương mại

30/09/2022 - 05:47

 - An Giang hiện có 2 trung tâm thương mại, 7 siêu thị, 81 cửa hàng tiện lợi và 190 chợ (12 chợ hạng II, 178 chợ hạng III). Để đáp ứng nhu cầu mua sắm hiện đại, hệ thống cửa hàng tiện lợi ở An Giang phát triển mạnh với 81 cửa hàng (63 cửa hàng Bách Hóa Xanh, 17 cửa hàng Winmart+ và 2 cửa hàng Co.op Food). Hệ thống phân phối hiện đại của tỉnh đa dạng và phong phú về loại hình mua sắm, giao dịch và phân phối hàng hóa.

Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh An Giang đã di dời, xây mới và nâng cấp, cải tạo, đưa vào sử dụng 3 chợ với tổng vốn đầu tư trên 31 tỷ đồng (vốn ngân sách địa phương 25 tỷ đồng, vốn kêu gọi đầu tư 6 tỷ đồng). Thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ, tỉnh đã giao doanh nghiệp (DN) kinh doanh, khai thác và quản lý 99 chợ; theo hình thức đơn vị sự nghiệp có thu 2 chợ; DN tự đầu tư và quản lý 48 chợ.

Theo đánh giá của Sở Công Thương An Giang, công tác chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý chợ đạt kết quả bước đầu. Các chợ được chuyển đổi gắn với đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, đáp ứng về văn minh thương mại, đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, ổn định việc kinh doanh của các hộ tiểu thương trong chợ, tiết kiệm kinh phí ngân sách chi lương cho bộ máy quản lý chợ...

Đến nay, An Giang có 9 chợ được công nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gồm: Chợ Mỹ Bình (TP. Long Xuyên), chợ phường B (TP. Châu Đốc), chợ Phú Tân (huyện Phú Tân), chợ Cái Dầu (huyện Châu Phú), chợ Cái Tàu Thượng (huyện Chợ Mới), chợ An Hảo (huyện Tịnh Biên), chợ An Phú (huyện An Phú), chợ Vọng Đông (huyện Thoại Sơn), chợ Ba Chúc (huyện Tri Tôn). Mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi cho cộng đồng.

Đến TP. Châu Đốc, du khách nhận thấy được diện mạo mới ở khu chợ trung tâm thành phố du lịch này. Chợ khang trang, thông thoáng, hiện đại hơn. Đó là kết quả từ sự quyết tâm rất lớn của lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền thành phố trong kiến thiết đô thị, di dời các lô sạp lấn chiếm lòng lề đường vào khu chợ mới khang trang, hình ảnh đẹp trong lòng du khách thập phương.

“Thành phố tập trung kiến thiết nhằm đạt được mục tiêu đô thị du lịch văn minh, hiện đại; từng bước trở thành một trong những trung tâm lớn của tỉnh trên nhiều lĩnh vực; đầu mối giao thông của tỉnh và khu vực, thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng biên giới phát triển. Chúng tôi xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp, thân thiện với du khách, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn thực phẩm” - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Lâm Quang Thi nhấn mạnh.

Là siêu thị lớn nhất vùng biên An Giang, siêu thị Tứ Sơn (TP. Châu Đốc) với diện tích rộng hơn 30.000m2, lượng hàng hóa phong phú trên 200.000 mã hàng, đa chủng loại, mẫu mã, chất lượng và giá rẻ, đang phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân địa phương, vùng lân cận, người dân Campuchia và khách du lịch khắp nơi.

Theo Sở Công Thương An Giang, hầu hết các chợ bố trí ngành hàng theo hướng tập trung, tạo thuận lợi cho hoạt động mua bán, phù hợp với tính chất, đặc điểm, quy mô của ngành hàng; đảm bảo sự thông thoáng, ánh sáng, mỹ quan và văn minh chợ, đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường... Việc đầu tư xây dựng chợ đạt tiêu chí nông thôn mới có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển thương mại nông thôn ngày càng vững mạnh theo hướng văn minh, hiện đại với sự tham gia của các thành phần kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, hiện trạng các chợ có quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu dân sinh, các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư (về đất đai, thuế...) chưa thật sự thu hút nhà đầu tư, bởi chi phí xây dựng chợ khá tốn kém, thu hồi vốn lâu, nên công tác mời gọi DN đầu tư, chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác, quản lý chợ chưa đạt kết quả cao. Một số DN khai thác chợ chưa chủ động và quan tâm đúng mức đến công tác bố trí, sắp xếp tiểu thương mua bán ở chợ. Trên địa bàn tỉnh hiện còn 10 chợ hoạt động không hiệu quả, 1 chợ không hoạt động; tồn tại 81 điểm, nhóm kinh doanh tự phát.

Tới đây, An Giang sẽ đón nhiều nhà đầu tư phát triển các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), như: Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đầu tư xây dựng siêu thị Co.opMart tại thị trấn Chợ Mới (huyện Chợ Mới); Tập đoàn Central Retail Việt Nam và Công ty Cổ phần bất động sản Hà Minh Anh đầu tư xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại mang thương hiệu GO!. Các DN khác, như: Công ty Cổ phần Bách Hóa Xanh, Công ty Cổ phần DV TM tổng hợp Vincommerce... phát triển các cửa hàng tiện lợi để kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, nông sản an toàn. Tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện cho Liên hiệp Hợp tác xã OCOP Việt Nam khảo sát, chọn vị trí thuận lợi để mở rộng hệ thống điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP...

An Giang tăng cường mời gọi, thu hút nhà đầu tư xây dựng mới các công trình phát triển hạ tầng thương mại; đầu tư xây dựng, nâng cấp mạng lưới chợ, phát triển các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại; đẩy mạnh chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý 14 chợ; xây dựng 2 mô hình thí điểm chợ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại TX. Tân Châu và huyện Châu Thành... góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

HẠNH CHÂU