An Giang phục hồi kinh tế nông nghiệp

17/03/2022 - 06:19

 - Trong giai đoạn căng thẳng của dịch bệnh COVID-19, nông nghiệp đã chứng minh được vai trò nền tảng của nền kinh tế. Khi dịch bệnh được kiểm soát, đây là thời điểm phù hợp để triển khai các giải pháp phục hồi mạnh mẽ kinh tế nông nghiệp.

Liên kết sản xuất là điều kiện để phát triển kinh tế nông nghiệp

Hướng đến ổn định, bền vững

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, mục tiêu của tỉnh là đảm bảo ổn định và phát triển sản xuất nông nghiệp thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh COVID-19, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng theo yêu cầu thị trường, đảm bảo kết nối tiêu thụ các sản phẩm trồng trọt, thủy sản và chăn nuôi của tỉnh, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối tiêu thụ hàng hóa.

An Giang tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở khôi phục, thúc đẩy phát triển chuỗi sản xuất, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, đề xuất các chính sách nhằm hỗ trợ giải quyết khó khăn cho DN, người dân ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, khôi phục các chuỗi sản xuất, cung ứng, chế biến ngành hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, tỉnh kiên trì với “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế sản xuất nông nghiệp và linh hoạt theo tín hiệu an toàn của ngành y tế, phù hợp thực tiễn. An Giang tiếp tục phát huy vai trò của hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), là cầu nối vững chắc giữa sản xuất và tiêu thụ, gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh; trong đó phải có tổ chức đại diện cho từng nhóm sản xuất cùng mục tiêu để liên kết với DN sản xuất, tiêu thụ sản phẩm là yếu tố quyết định.

Trong quá trình phục hồi và phát triển nông nghiệp, phải có sự phân công trách nhiệm của các cấp, các ngành và địa phương; có kiểm tra, giám sát để kịp thời giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết những vướng mắc, khó khăn phát sinh với tinh thần hỗ trợ tối đa cho người dân, DN an tâm sản xuất - kinh doanh. Việc triển khai cần đảm bảo tính linh hoạt, an toàn, sáng tạo, chắc chắn, không nóng vội cũng không cầu toàn, luôn bám sát tình hình dịch bệnh và đặc điểm của từng địa bàn, từng thời điểm để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện.

Nâng cao vai trò cơ sở

Phát huy kinh nghiệm trong đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ tư, An Giang tiếp tục kiện toàn thành viên và nâng cao hiệu quả hoạt động Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp huyện, cấp xã. Qua đó, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là các sản phẩm trồng trọt, thủy sản và chăn nuôi.

Trong đó, xây dựng kế hoạch hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên trong tổ và công bố đường dây nóng, đảm bảo hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, DN, THT, HTX, thương lái tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất và tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu nông sản không bị cản trở, ùn ứ, đứt gãy. Các nhóm Zalo của Tổ phản ứng nhanh cấp xã được lập ra để nắm bắt thông tin, trao đổi, xử lý thông tin kịp thời.

Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, nhằm hướng đến nền kinh tế nông nghiệp bền vững, tỉnh đẩy mạnh liên kết DN xây dựng, triển khai các mô hình sản xuất, tiêu thụ, xây dựng cơ sở sơ chế, nhà máy chế biến sâu các sản phẩm lúa, nếp, rau màu, cây ăn trái, chăn nuôi, thủy sản. Giai đoạn 2022-2025, An Giang tập trung triển khai mô hình liên kết sản xuất lúa rải vụ LT123 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, mở rộng diện tích liên kết với Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), Tập đoàn Tân Long, Tập đoàn TH, Tập đoàn THACO, C.P Việt Nam, Công ty Cổ phần rau quả thực phẩm An Giang (Antesco)… trong lĩnh vực lúa gạo, chăn nuôi. Đối với trái cây, bên cạnh mở rộng hợp tác với DN truyền thống (Chánh Thu, Kim Nhung Đồng Tháp, Hoàng Phát Fruit…), tỉnh triển khai nhanh hoạt động hợp tác với Công ty TNHH nông nghiệp Hoàng Phan, Công ty TNHH sản xuất trái cây Hùng Phát (thuộc Tập đoàn Andros-Asia, Pháp)...

Để liên kết sản xuất đạt hiệu quả bền vững, Sở NN&PTNT chú trọng phát triển HTX, THT gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025 theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy (Chương trình hành động 06-CTr/TU, ngày 29-6-2021) và UBND tỉnh (Quyết định 2881/QĐ-UBND, ngày 3-12-2021). “Mục tiêu của tỉnh là nâng chất và thành lập mới các HTX, THT tại những nơi chưa có tổ chức nông dân, đảm bảo đủ các điều kiện tối thiểu cho các DN tham gia liên kết. Thời gian tới, mỗi tiểu vùng, khu vực sản xuất có ít nhất 1 HTX hoặc THT hoạt động; phấn đấu đến cuối năm 2025, thành lập mới 301 HTX, thành lập mới và nâng chất 1.370 THT” - ông Nguyễn Sĩ Lâm thông tin.

Triển khai Quyết định 1994/QĐ-UBND, ngày 21-8-2021 của UBND tỉnh An Giang về phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang rau, màu và cây ăn trái giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở rà soát giảm diện tích cây trồng, sản phẩm khó hoặc không tiêu thụ được, Sở NN&PTNT định hướng tăng diện tích chuyển đổi giống, cây trồng… đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của DN, thị trường và nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản xuất.

Kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2022-2025 triển khai tới cấp xã đảm bảo 4 yếu tố và phù hợp với từng cấp độ dịch: Sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19; đáp ứng theo yêu cầu thị trường (về giống, an toàn thực phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobalGAP, SRP, hữu cơ…); đẩy mạnh  kết nối tiêu thụ, xuất khẩu; thích ứng với biến đổi khí hậu.


NGÔ CHUẨN