An Giang phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

14/07/2022 - 06:44

 - Sau khi có Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 692/KH-UBND về phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19, tạo bước ngoặt làm xoay chuyển cả cục diện trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển KTXH. Nền kinh tế của tỉnh An Giang đã phục hồi gần như ngay lập tức sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, tình hình tăng trưởng có thời gian bị âm.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm  Minh Tâm chia sẻ, trước và sau khi Kế hoạch 692/KH-UBND được ban hành, lĩnh vực nông nghiệp vẫn luôn là trụ đỡ của nền kinh tế, cố gắng duy trì ở mức hợp lý, tạo sự chống đỡ khá ổn định cho nền kinh tế của tỉnh. Lĩnh vực công nghiệp vẫn là lĩnh vực then chốt, là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế, luôn cố gắng duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD) nhiều nhất có thể cả trước và sau khi kế hoạch 692/KH-UBND được ban hành. Tuy nhiên, kể từ khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch 692/KH-UBND, các hoạt động SXKD phục rồi rõ nét hơn để đóng góp làm sự tăng trưởng chung của tỉnh.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu 500 tấn gạo “Cơm Việt Nam Rice” sang thị trường Châu Âu trong tháng 6/2022

Theo đó, lĩnh vực gặp nhiều khó khăn nhất, chịu tác động lâu nhất và sâu nhất tới sự phát triển và tăng trưởng là dịch vụ - du lịch, nhưng sau khi áp dụng Nghị quyết 128/NQ-CP và Kế hoạch 692/KH-UBND, lĩnh vực này đã có sự khởi sắc và tăng trưởng rất nhanh. Ngoài lĩnh vực phát triển kinh tế, các cấp ủy Đảng, các ngành và địa phương quán triệt và thực hiện đầy đủ, an sinh xã hội được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được duy trì tốt, quốc phòng - an ninh được giữ vững, đời sống nhân dân được khôi phục trở lại.

Điều đó cho thấy tầm quan trọng và ý nghĩa hết sức to lớn quyết sách hết sức đúng đắn, khoa học, kịp thời, phù hợp với xu thế của Nghị quyết 128/NQ-CP và kế hoạch 692/ KH-UBND đối với nền kinh tế. Tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế khởi sắc, phục hồi và phát triển đóng góp vào sự tăng trưởng.

Ngành y tế kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, kịp thời tăng độ bao phủ vaccine đứng trong top đầu cả nước. Ngành giao thông vận tải đã kết nối lại hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định được 22 tỉnh, thành phố; 8 bến phà, 127 bến ngang sông nội tỉnh và liên tỉnh đã khôi phục hoạt động bình thường, đảm bảo lưu thông hành khách và hàng hóa phục vụ. Đưa vào hoạt động 15 tuyến xe buýt không trợ giá của Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang, giúp khôi phục hoạt động vận tải hành khách công cộng.

Nông nghiệp phát triển ổn định

Ngành nông nghiệp An Giang tiếp tục khẳng định vai trò là nền tảng, bệ đỡ quan trọng giúp kinh tế tỉnh nhà vượt qua khó khăn với tăng trưởng đạt 2,51%, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được đẩy mạnh, cơ cấu giống phù hợp với mùa vụ, diễn biến thời tiết và tín hiệu của thị trường, bảo đảm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Hơn 74.400ha lúa, hoa màu, thủy sản liên kết các doanh nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 564,20 triệu USD (tăng 9,58% so cùng kỳ). Tỉnh đã cấp 182 mã số vùng trồng trên cây ăn trái (xoài, chuối, mít, lúa)... Phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, trong đó có các thương nhân, doanh nghiệp, người SXKD lúa, gạo, nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng bởi dịch.

Sản xuất công nghiệp khởi sắc, các doanh nghiệp (DN) thích ứng trong tình hình mới, phục hồi và mở rộng sản xuất. Trên 350 DN sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp toàn tỉnh nhanh chóng tích cực khôi phục SXKD. Nhiều nhà máy tăng tốc hoạt động hết công suất đáp ứng nguồn cung ứng hàng hóa và giải quyết đơn hàng cho đối tác trong và ngoài nước, góp phần tăng chỉ số công nghiệp của tỉnh năm 2021 tăng 2,52% so cùng kỳ, 6 tháng đầu năm 2022 tăng 8,03% so cùng kỳ. Các lĩnh vực thương mại - dịch vụ phát triển khá cả trong nội địa và xuất khẩu, thương mại biên giới.

Các doanh nghiệp khôi phụ, tăng tốc sản xuất - kinh doanh đáp ứng các đơn hàng

Lĩnh vực du lịch tăng trưởng vượt bậc. Nếu như năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, An Giang đón khoảng 3,3 triệu lượt khách tham quan du lịch. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 2.150 tỷ đồng thì với nhiều biện pháp hỗ trợ phục hồi của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 6 tháng đầu năm 2022, An Giang đón hơn 5,2 triệu lượt khách, doanh thu đạt 14.059 tỷ đồng.

Cùng với đó tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Hoạt động xúc tiến, mời gọi đầu tư được quan tâm đẩy mạnh. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã linh hoạt các giải pháp thu hút đầu tư trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp. Điểm sáng, 6 tháng đầu năm 2022 tỉnh thu hút 465 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 31% cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký 3.326 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 10.869 DN và đơn vị trực thuộc đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 75,940 tỷ đồng.

Đồng thời thu hút được 6 dự án đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký mới khoảng 456 tỷ đồng và chấp thuận chủ trương đầu tư để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 1 dự án, với tổng vốn 14.096 tỷ đồng. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 38 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 281,3 triệu USD, tổng vốn thực hiện trên 173,4 triệu USD.

“Để thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, các sở, ngành, địa phương rà soát, bổ sung các giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn các nhiệm vụ; tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nông dân sản xuất gắn với chuỗi liên kết… Triển khai thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh gắn với nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy tăng trưởng của các DN...” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đề nghị.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 tăng trưởng GRDP bình quân đạt 6,5-7%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 70,494 đến 72,203 triệu đồng/người/năm; kim ngạch xuất khẩu 5 năm (2021-2025) đạt 5.285 triệu USD; thu ngân sách 41.303 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,2%/năm; giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công.

HẠNH CHÂU