Phối hợp hiệu quả
Hoạt động thả phóng sinh các loài thủy sản vốn đã được người dân, tín đồ tôn giáo thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, do các hoạt động mang tính tự phát nên bà con ít chú ý chọn lựa chủng loại có ích cho môi trường, đôi khi phóng sinh “nhầm” những sinh vật ngoại lai, gây hại cho sinh vật bản địa, như: Cá lau kiếng, rùa tai đỏ, ốc bươu vàng, cá chim trắng toàn thân, cá hổ… Đôi khi, việc phóng sinh không đúng thời điểm thích hợp (mực nước cạn, môi trường sống thiếu thức ăn), không được bảo vệ nên có tình trạng “trên thả, dưới bắt”, con giống không khỏe mạnh nên tỷ lệ sống không cao…
Trước thực trạng này, ngày 1/7/2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang đã ký bản ghi nhớ hợp tác với Ban đại diện Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) tỉnh về lĩnh vực thả cá tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2017-2020. Sau lễ ký kết, 2 bên đã đẩy mạnh tuyên truyền trong người dân, tín đồ về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, các hành vi bị cấm trong hoạt động khai thác thủy sản, các loài thủy sản không khuyến khích thả phóng sinh.
Chi cục Thủy sản An Giang phối hợp Ban đại diện PGHH tỉnh tổ chức 11 lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến các quy định liên quan đến lĩnh vực thủy sản; hướng dẫn phương pháp thả cá tái tạo an toàn, đảm bảo tính thích nghi cao cho các loài thủy sản; lưu ý những loài thủy sản nên thả và không nên thả vào các thủy vực tự nhiên... Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền trên báo, đài địa phương về hoạt động thả cá; công tác bảo vệ trước, trong và sau thả cá; xử lý vi phạm trong khai thác thủy sản...
Ký kết bản ghi nhớ hợp tác
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Võ Thị Thanh Vân cho biết, giai đoạn 2017-2020, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Ban đại diện PGHH tỉnh và các đơn vị liên quan thực hiện 4 đợt thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản, trong đó có 3 đợt thả cá quy mô cấp tỉnh tại khu vực sông Vàm Nao. Hoạt động này thu hút 515 lượt tổ chức và 1.021 lượt cá nhân tham gia ủng hộ. Qua đó, đã thả được 43.985kg cá giống có kích thước lớn (cá hô, cá tra, cá chép, cá điêu hồng…) và 524.280 con cá giống các loại có giá trị kinh tế, các loài quý hiếm, như: Cá bông lau, cá hô, cá chép, cá mè hôi, cá vồ đém, cá chạch lấu, cá lăng nha, cá vồ cờ và các loài cá bản địa khác.
Thay đổi nhận thức
Cùng với hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản, công tác thanh, kiểm tra bảo vệ đàn cá được duy trì thực hiện thường xuyên (2 lượt/ngày) vào trước thời gian thả cá (2 ngày), trong và sau thời gian thả cá (5 ngày). Từ đó, tạo niềm tin nơi người dân, tín đồ. Trong tổng kinh phí thả cá (gần 2,9 tỷ đồng), có gần 2,15 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa; Tổng cục Thủy sản hỗ trợ 600 triệu đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 150 triệu đồng.
Trưởng ban Đại diện PGHH tỉnh An Giang Nguyễn Văn Tác cho biết, thành công lớn nhất trong công tác phối hợp, ngoài lượng cá giống được thả về tự nhiên rất lớn, còn giúp thay đổi nhận thức trong tín đồ về hoạt động ý nghĩa này. “Lúc đầu, bà con cũng chưa đồng thuận tham gia phối hợp thả cá tập trung, vì cho rằng như thế là “giúp tiêu thụ cá giống cho cho các cá nhân, đơn vị kinh doanh thủy sản”.
Trong các buổi sinh hoạt đạo sự, chúng tôi lồng ghép tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích khi chọn lựa loài cá phù hợp để thả phóng sinh, tham gia thả cá tập trung để được bảo vệ đàn cá sau thả… Dần dần, khi thấy được hiệu quả của hoạt động, nhất là khi thấy lượng cá tự nhiên được tái tạo tốt hơn, bà con tín đồ càng đồng thuận tham gia thả cá tập trung khi được phát động” - ông Tác chia sẻ.
Phát huy hiệu quả công tác phối hợp giai đoạn 2017-2020, Sở NN&PTNT An Giang tiếp tục phối hợp Ban đại diện PGHH tỉnh, cùng Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang ký kết bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giai đoạn 2022-2025. Sự tham gia của Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang giúp tăng hiệu quả về mặt chuyên môn, thu hút thêm sự tham gia của các tổ chức, cá nhân cũng như tăng quy mô của hoạt động thả cá.
Công tác phối hợp giai đoạn 2022-2025 được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, huy động nguồn lực của các tín đồ và người dân trong hoạt động tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học, loài thủy sản bản địa, đặc hữu vào vùng nước tự nhiên, góp phần tái tạo, bảo vệ đa dạng sinh học và mang lại lợi ích cho đời sống xã hội.
Dự kiến, dịp rằm tháng 7 sắp tới, tỉnh An Giang sẽ chủ trì, phối hợp với TP. Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ thả cá quy mô cấp vùng lần đầu tiên tại khu vực Vàm Cống (sông Hậu). Sau đó, tiếp tục tổ chức theo hình thức đăng cai xoay vòng giữa các tỉnh, nhằm tăng quy mô và số lượng con giống được thả tái tạo vào tự nhiên.
|
NGÔ CHUẨN