Theo Sở LĐ-TB&XH An Giang, năm 2023, sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trên toàn tỉnh, vận động trên 6 tỷ đồng, đạt 150% chỉ tiêu; phối hợp UBND cấp huyện và các đơn vị hỗ trợ cất mới 47 nhà Tình nghĩa cho người có công (kinh phí gần 2,83 tỷ đồng). Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quyết định 2750/QĐ-UBND về Kế hoạch hỗ trợ xóa nghèo, giảm nghèo đối với hộ có công với cách mạng thuộc diện nghèo, cận nghèo giai đoạn 2022 - 2025. Năm 2023, đã giảm 81 hộ nghèo, đạt 150%; giảm 127 hộ cận nghèo, đạt 162,82%.
Công tác giáo dục nghề nghiệp, lao động việc làm đạt nhiều kết quả tích cực, nổi bật là tổ chức thành công: Ngày hội tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp; hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp và các hội thi cấp tỉnh, cấp quốc gia, các phiên giao dịch việc làm... Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động và tăng cường phối hợp với địa phương, doanh nghiệp tuyên truyền, tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp. Các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề tiếp tục được triển khai hiệu quả, như: Miễn, giảm học phí; chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề theo đơn đặt hàng; chính sách hỗ trợ học nghề cho các đối tượng đặc thù theo quy định.
Kết quả đạt được là các chỉ tiêu tuyển sinh nghề nghiệp ở các cấp trình độ cao hơn so cùng kỳ năm 2022. Đã đưa 520 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 173,3% chỉ tiêu… Tỷ lệ lao động được đào tạo so với tổng số lao động đạt 69,9%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 28,8%. Giữ tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%...
Tư vấn chính sách cho người lao động
Sở LĐ-TB&XH An Giang đã tham mưu UBND tỉnh kịp thời bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với thực tế của địa phương; tổ chức tập huấn triển khai các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, sửa đổi, bổ sung. Qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình triển khai văn bản mới, giúp địa phương áp dụng kịp thời và thực hiện đúng theo quy định.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH An Giang Châu Văn Ly cho biết, năm 2024, toàn ngành tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần đẩy mạnh thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Theo đó, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chế độ, chính sách về LĐ-TB&XH của Trung ương, tỉnh mới ban hành; hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch năm 2024; mở rộng thị trường lao động trong và ngoài nước; đào tạo nguồn nhân lực trình độ kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao đời sống Nhân dân.
Thực hiện tốt mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, các hoạt động bảo trợ, trợ giúp xã hội; quan tâm thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng, nâng cao mức sống của hộ người có công ngang bằng với mức sống trung bình theo quy định; nâng chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn giáo dục nghề nghiệp với giải quyết việc làm. Thúc đẩy tạo chuyển biến tích cực về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và quyền trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy. Tiếp tục triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn.
Tích cực đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy cải cách hành chính đạt hiệu quả. Xây dựng và củng cố, giữ vững cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh. Nâng cao năng lực chuyên môn và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Phát động toàn ngành giảm thủ tục, đẩy nhanh việc xử lý, giải quyết hồ sơ, chính sách các đối tượng phục vụ…
Tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả cho lao động nông thôn theo từng ngành, lĩnh vực: Việc làm, người có công, trẻ em; thực hiện hiệu quả công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình và phòng, chống ma túy tại cộng đồng… Tăng cường các mô hình hỗ trợ sinh kế đối với người khuyết tật… Đồng thời, xây dựng các sản phẩm truyền thông về lĩnh vực lao động và việc làm trên các phương tiện thông tin đại chúng và lồng ghép trong các hoạt động của đơn vị, địa phương. Khuyến khích phát triển các sản phẩm truyền thông bằng tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với các địa bàn, đối tượng cụ thể. |
HỮU HUYNH