An Giang tăng cường quản lý, phòng trừ rầy phấn trắng trên lúa hè thu 2024

02/07/2024 - 13:57

 - Chiều 2/7, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang tổ chức Hội nghị chuyên đề đánh giá tình hình dịch hại trên lúa vụ hè thu 2024 và đề xuất giải pháp quản lý, phòng trừ. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Trần Thanh Hiệp; đại diện các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, thị xã, thành phố cùng tham dự.

Trao đổi tại hội thảo

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Trần Thanh Hiệp phát biểu tại hội thảo

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang Nguyễn Văn Hiền cho biết, vụ hè thu 2024 đã xuống giống dứt điểm ngày 15/5/2024, với diện tích 228.139ha, đạt 100,06% kế hoạch xuống giống (228.009ha), tăng 0,11% so cùng kỳ. Đến nay, đã thu hoạch được 22.808ha, năng suất trung bình đạt 5,82 tấn/ha, tăng 0,07 tấn/ha so cùng kỳ; các trà lúa còn lại đang ở giai đoạn đẻ nhánh (5.259ha), đòng (39.051ha), trổ (95.437ha) và chín (65.584ha).

Tính đến ngày 28/6/2024, trên lúa vụ hè thu nhiễm 12 đối tượng dịch hại, với diện tích 67.617,3ha, tăng 13.750,3ha so cùng kỳ, trong đó nhiễm nhẹ 67.335,8ha (chiếm 99,58%), nhiễm trung bình 248,5ha (0,37%) và nhiễm nặng 33ha (0,05%). Một số loại dịch hại cụ thể, như: Rầy phấn trắng nhiễm 9.988,6ha, tăng 9.369,6ha; sâu cuốn lá nhiễm 16.784,1ha, tăng 5.444,1ha; chuột nhiễm 14.236,6ha, tăng 2.823,6ha; cháy bìa lá nhiễm 4.111,5ha, tăng 1.939,5ha...

Nguyên nhân khiến dịch hại tăng vừa qua, công tác phòng trừ khó khăn do thời tiết đầu vụ hè thu 2024 nắng nóng gay gắt, thiếu nước, tạo điều kiện cho bù lạch gây hại sớm và nông dân phun thuốc trừ bù lạch sớm khi lúa 10 - 15 ngày, ảnh hưởng đến hệ sinh thái đồng ruộng, làm giảm mật số thiên địch, tạo điều kiện thuận lợi cho sâu rầy phát triển, đặc biệt là rầy phấn trắng. Tuy nhiên hiện nay, tình hình dịch hại vẫn được kiểm soát, quản lý, theo dõi thường xuyên và hướng dẫn người nông dân giải pháp phòng trị kịp thời.

Khi rầy phấn trắng xuất hiện với mật số thấp, nông dân đã áp dụng biện pháp trừ sâu, phun nhiều lần, tăng liều, có những nông dân phun ngừa rầy phấn trắng và sâu cuốn lá. Đây là nguyên nhân gây nên tình trạng kháng thuốc ngày càng mạnh và gây chết thiên địch, một số loại thuốc gây nóng cháy lá nhiều, ảnh hưởng đến khả năng trị rầy phấn trắng. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiện nay chưa mang lại hiệu quả tối ưu, do nông dân chưa tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng” (lượng nước phun chưa đủ, ruộng bị khô, bơm nước vào ruộng chưa kịp thời...).

Theo dự báo, diễn biến mưa bão sắp tới sẽ ảnh hưởng đến lúa đang trổ, khiến lúa dễ bị nhiễm bệnh lem lép hạt và gây đổ ngã trên lúa chín sắp thu hoạch. Rầy phấn trắng có khả năng phát triển mạnh trên lúa giai đoạn làm đòng, trổ, với mức độ từ nhẹ đến trung bình. Thời gian xuất hiện đến hết tháng 7/2024.

Trên đồng hiện nay, mật số phát triển và gây hại lúa của rầy phấn trắng trên diện rộng, chúng có thể phát tán, di chuyển từ ruộng này sang ruộng khác khi bị động. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang khuyến cáo nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp, các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất để quản lý dịch hại bền vững, cụ thể như: Kỹ thuật IPM, IPHM, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái - trồng hoa trên bờ ruộng, đặc biệt lưu ý áp dụng triệt để biện pháp sạ thưa (80 - 100kg/ha); áp dụng biện pháp tưới nước “ngập khô xen kẽ” trên đồng ruộng...

Nông dân chỉ phun thuốc khi rầy phấn trắng có mật số cao (trên 30 con/chồi); sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc - thuốc được đăng ký đúng đối tượng phòng trừ; đúng lúc; đúng nồng độ và liều lượng; đúng cách). Khi phun thuốc cần đủ lượng nước sử dụng (40 - 60 lít nước/1.000m2), vòi phun cần đưa xuống dưới tán lá lúa để đảm bảo thuốc tiếp xúc được với ấu trùng rầy phấn trắng, có thể sử dụng chất bám dính nhằm tăng hiệu quả của thuốc đối với ấu trùng. Nên luân phiên thuốc để tránh việc kháng thuốc của rầy.

Về biện pháp canh tác, sau khi thu hoạch lúa, cần diệt sạch cỏ lồng vực và cỏ chỉ xung quanh ruộng để hạn chế nơi cư trú của rầy phấn trắng, tránh lây lan sang vụ sau. Nông dân thường xuyên chăm sóc để cây lúa phát triển tốt, giúp tăng sức chống chịu. Khi lúa bị nhiễm nặng, cần phải giữ mực nước ruộng ổn định trong ruộng lúa để giúp cây lúa nhanh hồi phục.

Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang sẽ tiếp tục tổ chức thăm, kiểm tra đồng ruộng nhằm dự báo, phát hiện sớm dịch hại và thông tin kịp thời đến cho người dân nắm, đồng thời hướng dẫn, tổ chức thực hiện các giải pháp quản lý, phòng trị dịch hại kịp thời. Ở các địa phương, khuyến cáo tổ chức khuyến nông theo nhóm nông dân tại nơi đang xảy ra sâu bệnh để phòng trừ hiệu quả.

NGÔ CHUẨN