Theo dự báo về BĐKH của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), mực nước biển sẽ dâng cao 33cm vào năm 2050 và 1m vào năm 2100, nhiệt độ trung bình sẽ tăng thêm ít nhất 30C vào cuối thế kỷ XXI. Thêm vào đó, hiện tượng El-Nino được dự báo sẽ ngày càng tác động thường xuyên hơn. An Giang là tỉnh đầu nguồn của ĐBSCL nên trong thời gian tới, tiếp tục chịu tác động của xâm nhập mặn, nắng nóng và hạn hán kéo dài, đặc biệt vào mùa khô.
Dự báo những năm tới, BĐKH tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày càng rõ nét, tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội và các ngành, lĩnh vực. Song song đó, những tác động của các đập thủy điện và việc chuyển nước sang lưu vực khác của phía thượng nguồn sông Mekong sẽ làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng, khó lường hơn, thiệt hại sẽ lớn hơn, nếu không có cách ứng phó kịp thời, phù hợp.
Biến đổi khí hậu gây mưa bão, lũ lụt diễn biến bất thường, cực đoan hơn
Dự báo, các biểu hiện của sự tác động này trong khoảng 10 năm tới nhiều khả năng dẫn tới tình hình hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra trên diện rộng hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, gây thiệt hại về kinh tế; khí hậu, thời tiết, mưa bão, lũ lụt, giông lốc sẽ diễn biến bất thường, cực đoan hơn, gây ngập úng đô thị; sạt lở bờ sông xảy ra thường xuyên hơn với cường độ mạnh hơn… Những tác động này có khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân, nguồn nước sẽ tiếp tục bị suy giảm cả về chất và lưu lượng, đe dọa an ninh nguồn nước của vùng.
An Giang là một trong những địa phương giàu tiềm năng về phát triển kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp và thủy sản. Điều này đã tạo ra động lực lớn để đẩy mạnh tiến trình phát triển kinh tế chung của cả khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, cũng như các tỉnh miền Tây, An Giang đã và đang phải đối mặt với tác động ngày càng mạnh mẽ của thiên tai và BĐKH, biểu hiện rõ nét là nhiệt độ tăng cao, hạn hán, triều cường và sạt lở bờ sông diễn biến phức tạp. Mức độ thiên tai trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng cả về quy mô cũng như chu kỳ lặp lại, kèm theo những đột biến khó lường. BĐKH tác động các ngành và lĩnh vực của tỉnh, đặc biệt là nông nghiệp, tài nguyên nước, xây dựng, đô thị, du lịch và ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Thời gian qua, An Giang đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch và thực hiện nhiều dự án công trình, phi công trình để chủ động ứng phó và giảm tác động tiêu cực của BĐKH. Các cấp ủy Đảng và chính quyền tỉnh An Giang quan tâm chỉ đạo sâu sát thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu mà Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về “Phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH” đề ra, như: Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; phát triển du lịch; quy hoạch, sắp xếp dân cư, đô thị; chương trình phát triển đô thị tích hợp ứng phó BĐKH; đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải, nước thải tập trung; tăng cường công tác đào tạo, truyền thông và hợp tác quốc tế.
Các giải pháp công trình đã thực hiện, như: Xây dựng các cụm, tuyến dân cư, sắp xếp, từng bước di dời nhà ở ven sông, kênh, rạch vào các cụm, tuyến tái định cư; xây dựng, cải tạo tuyến kè bảo vệ bờ sông; phát triển đô thị thông minh, xây dựng hệ thống thoát nước bền vững tại đô thị; xây dựng hệ thống thủy lợi vùng cao, các hồ trữ nước thích ứng với BĐKH; xây dựng và phát triển năng lượng tái tạo, điển hình là năng lượng mặt trời.
Ngoài ra, tỉnh chú trọng thực hiện các giải pháp phi công trình, như: Hoàn thiện bộ máy, thể chế và năng lực ứng phó với BĐKH (kiện toàn Ban Chỉ đạo Ứng phó BĐKH - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn), tăng cường nâng cao nhận thức các cấp chính quyền, cộng đồng về BĐKH; tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với BĐKH…
Để triển khai hiệu quả công tác ứng phó với BĐKH, tỉnh chú trọng các giải pháp về tăng cường năng lực cộng đồng thích ứng BĐKH thông qua các mô hình sinh kế, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng, lồng ghép BĐKH và kế hoạch, quy hoạch, dự án để ứng phó BĐKH hiệu quả. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện các giải pháp công trình, như: Xây dựng các hồ tích nước, thủy lợi vùng cao, kè chống sạt lở, sắp xếp dân cư, quy hoạch đô thị…
Để thúc đẩy các giải pháp ứng phó với BĐKH, tỉnh An Giang kiến nghị Trung ương hoàn thiện các thể chế, chính sách về BĐKH. Trong đó, tập trung các chính sách về tích tụ đất đai để chuyển đổi mô hình sinh kế, phát triển các mô hình sinh kế thích ứng BĐKH, mô hình kinh tế xanh, đô thị xanh… Ngoài ra, ưu tiên các giải pháp cơ sở hạ tầng liên vùng để thúc đẩy các tỉnh ĐBSCL thích ứng BĐKH.
|
HỮU HUYNH