An Giang tăng tốc cho xuất khẩu

30/09/2020 - 04:50

 - Tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước được kiểm soát tốt là điều kiện để các doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất - kinh doanh, tạo ra nhiều hàng hóa chất lượng. Nếu xúc tiến thị trường tốt, hàng hóa An Giang sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu khi mà các quốc gia vẫn còn đang “vật lộn” với đại dịch.

Sản xuất tốt, xuất khẩu khả quan

Theo Sở Công thương An Giang, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, tình hình sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tuy có khó khăn nhưng vẫn đang dần phục hồi. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) 8 tháng của năm 2020 tăng 3,9% so cùng kỳ 2019, trong đó ngành khai khoáng tăng 13,07%; chế biến, chế tạo tăng 0,08%; sản xuất và phân phối điện, nước đá tăng 29,01%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 9,48%.

Do nhu cầu tiêu thụ của thế giới trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 tăng, giá bán cao nên các DN chế biến, xuất khẩu gạo tăng cường sản xuất - kinh doanh. Trong 8 tháng, sản lượng gạo xuất khẩu đạt gần 1,21 triệu tấn, tăng 7,27% so cùng kỳ năm 2019. Đối với ngành hàng may mặc, khi đơn đặt hàng quần áo thông thường giảm, một số công ty đã chuyển sang may quần áo bảo hộ phòng, chống dịch bệnh COVID-19, khẩu trang vải kháng khuẩn... để xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu tăng cao ở các nước. Tháng 8-2020, nhờ thuận lợi xuất khẩu sang thị trường Châu Mỹ, Châu Âu, thị trường truyền thống ở Canada, Malaysia, UAE, Úc, Trung Quốc… nên ngành hàng thủy sản có bước phục hồi. Cá tra phi-lê sản xuất trong 8 tháng đạt 96.149 tấn, tăng 2,99% so cùng kỳ.

Sở Công thương cho biết, tính chung 8 tháng của năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 603,33 triệu USD, đạt 64,87% so kế hoạch năm 2020 (kế hoạch năm 2020 là 930 triệu USD), tăng 3,54% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thủy sản xuất khẩu đạt 80.574 tấn, tương đương 193,9 triệu USD, tăng 1,49% về lượng và tăng 1,76% về kim ngạch.

Dự báo thời gian tới, tình hình xuất khẩu thủy sản có nhiều tín hiệu khả quan hơn từ thị trường Châu Âu do Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được thông qua. Đối với gạo, xuất khẩu đạt 343.260 tấn, tương đương 185,23 triệu USD, tăng 5,53% về lượng và tăng 12,82% về kim ngạch. Nguyên nhân tăng do nhu cầu tăng nhập khẩu gạo từ các thị trường Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Đài Loan, Ghana và một số thị trường mới như: Nga, Bangladesh…

Đối với rau quả đông lạnh, xuất khẩu đạt 6.151 tấn, tương đương 10,53 triệu USD, tăng 1,5% về lượng và tăng 3,33% về kim ngạch. Hàng dệt may (quần áo các loại) xuất đạt 65,2 triệu USD, tăng 4,86%. Dự đoán đến cuối năm 2020, xuất khẩu hàng may mặc vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh vào thị trường Mỹ và Châu Âu…

Hỗ trợ tích cực

Dù cuối tháng 7-2020, dịch bệnh bùng phát trở lại nhưng đến nay vẫn cơ bản được kiểm soát tốt. Trong khi đó, nhiều nước vẫn có nhu cầu nhập khẩu tăng để ứng phó với dịch bệnh COVID-19, nhất là mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ bảo hộ, khẩu trang... Ước xuất khẩu năm 2020 có thể gần đạt kịch bản đề ra (930 triệu USD).

Giám đốc Sở Công thương An Giang Nguyễn Minh Hùng cho biết, nhằm đáp ứng mục tiêu xuất khẩu, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tỉnh An Giang năm 2020. Về vùng nguyên liệu, sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; triển khai các gói hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, thị trường cho các sản phẩm chủ lực.

Sở Công thương An Giang tiếp tục phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố thời điểm gieo trồng lúa, chủng loại giống, diện tích gieo trồng của từng mùa vụ đến doanh nghiệp xuất khẩu để có kế hoạch thu mua nhằm hạn chế tồn đọng lúa trong dân. Đồng thời, thường xuyên theo dõi diễn biến dịch bệnh, tình hình thị trường, kịp thời cập nhật thông tin diễn biến nhu cầu thị trường nhập khẩu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Thương vụ Việt Nam...

Vừa qua, Sở Công thương An Giang đã chủ trì, phối hợp tổ chức hội nghị tập huấn định hướng thị trường xuất khẩu nông, thủy sản tỉnh An Giang năm 2020 và tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch tuyên truyền các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA. Đây là những hiệp định DN cần tập trung nghiên cứu, đánh giá nhằm tận dụng triệt để các cơ hội nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. Để hỗ trợ các DN xuất khẩu, Sở Công thương An Giang sẽ tăng cường công tác rà soát thị trường, nhu cầu từng nước, các cam kết về thuế đến các DN để có đủ thông tin, xây dựng các kịch bản tiếp cận thị trường.

Ông Hùng cho rằng, với tình hình dịch bệnh diễn ra ở nhiều quốc gia thì hiện nay, không thể triển khai các hoạt động xúc tiến thông qua các đoàn tham dự các sự kiện hoặc tổ chức các sự kiện. Sở Công thương sẽ tăng cường kết nối DN thông qua Thương vụ Việt Nam tại các nước là thành viên hiệp định CPTPP, EVFTA; tìm hiểu thêm thị trường các nước kiểm soát tốt dịch bệnh để tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Đồng thời, tiếp tục trao đổi với Thương vụ Việt Nam tại các nước để thay đổi hoạt động kết nối giao thương truyền thống sang hình thức trực tuyến, sử dụng công nghệ thông tin. Đối với các DN, cần chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu phát triển thêm các kênh thương mại mới, ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng thương mại điện tử để tăng cơ hội tiếp cận với khách hàng; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường mạng…

Đối với ngành hàng thủy sản (chủ yếu là cá tra), cùng với kết nối lại các thị trường truyền thống, tận dụng EVFTA để xuất khẩu sang Châu Âu, các DN cũng cần tập trung rà soát nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa để xúc tiến thị trường, tạo ra sản phẩm phù hợp nhu cầu, thị hiếu, nhất là thị trường phía Bắc. Sở Công thương sẽ tập trung hỗ trợ DN khai thác thị trường nội địa thông qua các kênh siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn..

 

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN