An Giang tăng tốc nông nghiệp năm 2024

18/01/2024 - 05:20

 - Xác định năm 2024 là thời kỳ tăng tốc để đạt mục tiêu tăng trưởng cho giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch năm 2024 của ngành nông nghiệp tiếp tục phấn đấu phát triển theo chiều sâu, tập trung vào tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu kết nối tiêu thụ và tăng cường sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng được chứng nhận, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, dù vẫn đối mặt nhiều khó khăn trước tình hình bất ổn của thế giới nhưng thuận lợi của lĩnh vực nông nghiệp là tiếp tục được Chính phủ quan tâm đầu tư, quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp đang đi vào thực tiễn, với quan điểm chung được thống nhất từ Trung ương đến địa phương là lấy doanh nghiệp làm trọng tâm. Theo đó, các cơ chế chính sách sẽ tập trung tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh phát triển.

Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, ngành nông nghiệp đang trên đà tăng trưởng tốt, đạt 4,43% năm 2023, là mức cao nhất từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, góp phần phát triển chung kinh tế cả tỉnh, đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng, là bệ đỡ quan trọng giúp kinh tế An Giang vượt qua khó khăn.

Trên cơ sở Quy hoạch vùng ĐBSCL và Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ có định hướng phát triển cụ thể hơn, rõ ràng hơn. Thị trường lúa gạo tiếp tục có nhiều khởi sắc, giá lúa gạo ở mức cao; thị trường Trung Quốc đang được thông quan, là cơ hội cho ngành nông nghiệp đẩy mạnh sản xuất cả về lượng và về chất, là thời cơ cho công tác tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, hướng đến nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số 4.0, nông nghiệp sinh thái.

Định hướng của tỉnh là phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, tăng trưởng hợp lý, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở tái cơ cấu ngành, sản phẩm gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao hàm lượng chất xám và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị canh tác. Việc cơ cấu lại ngành gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn, chủ động phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngành nông nghiệp quyết tâm tăng trưởng năm 2024

Năm 2024, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đạt giá trị tăng thêm từ 3,5 - 3,8%; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 95%; duy trì tỷ lệ che phủ rừng và cây lâm nghiệp phân tán giai đoạn 2021 - 2025 ở mức 22,4%; trồng khoảng 250ha rừng phòng hộ và đặc dụng (do Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh thực hiện); phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới và 5 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, tăng trưởng nông nghiệp năm 2024 tập trung vào tăng sản xuất lúa chất lượng cao, phát triển các loài thủy sản, tiếp tục tăng sản lượng cá tra và cây ăn trái (do giá bán tốt hơn, nông dân tập trung xử lý cho ra trái nhiều hơn, năng suất cao hơn).

Ngành đặt ra 2 phương án tăng trưởng, trong đó phương án 1 là đạt tốc độ tăng trưởng 3,5%, giá trị sản xuất (GO) phải tăng thêm 1.873 tỷ đồng, dự kiến phân bổ cho: GO trồng trọt tăng 778 tỷ đồng; chăn nuôi 244 tỷ đồng; thủy sản 873 tỷ đồng. Với GO tăng 1.890 tỷ đồng, ước giá trị tăng thêm (VA) đạt 769 tỷ đồng. Với phương án 2, trong trường hợp lũ nhỏ và thị trường xuất khẩu gạo tiếp tục thuận lợi như năm 2023, sản xuất vụ thu đông 2024 sẽ tăng thêm 3.000 - 5.000ha, kéo GO tăng thêm 151 tỷ đồng so với phương án 1, đưa tốc độ tăng trưởng năm 2024 của ngành nông nghiệp đạt 3,8%.

Để thực hiện đạt kế hoạch năm 2024, tỉnh tiếp tục triển khai Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp năm 2023 - 2025, trọng tâm thực hiện các giải pháp đột phá về phát triển thị trường, thu hút đầu tư và giải pháp về tổ chức lại sản xuất theo kinh tế tập thể. Trong đó, tập trung xây dựng và trình phê duyệt các nội dung dự án, kế hoạch chuỗi liên kết, chương trình, mô hình thí điểm.

Tỉnh tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung cây ăn trái, lúa, hoa màu trên địa bàn để đầu tư theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; triển khai Kế hoạch 167/KH-UBND, ngày 28/3/2022 của UBND tỉnh về phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh An Giang.

Đồng thời, triển khai Chương trình hành động 23-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch 767/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các nhóm sản phẩm chủ lực; tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển sản xuất, đẩy nhanh quá trình phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong nông nghiệp.

An Giang tích cực tham gia vào Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL; nâng cao vai trò của hợp tác xã; thành lập mới và củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động tổ khuyến nông cộng đồng cấp xã (trước đây là tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp xã); xây dựng cổng/kênh cung cấp thông tin và dự báo thị trường nông sản nhằm định hướng thị trường, tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản...

 

NGÔ CHUẨN