An Giang tập trung bảo vệ rừng

28/04/2022 - 06:50

 - Dù lượng mưa trái mùa xuất hiện nhiều hơn cùng kỳ, nhưng nguy cơ cháy rừng vẫn còn cao, khi thời tiết tiếp tục xuất hiện những đợt nắng nóng, nhiệt độ tăng, nhất là ở những khu vực có rừng, đồi núi. Đây được xem là giai đoạn nhạy cảm, cần tập trung để công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng đạt hiệu quả cao.

Những “cơn mưa vàng”

Mùa khô năm 2021-2022, tuy nắng nóng không gay gắt như một số năm trước, nhưng vẫn xuất hiện những đợt nắng nóng trên diện rộng, nhiệt độ cao nhất lên đến 35-36oC. Thời điểm cuối năm 2021 và 2 tháng đầu năm 2022, rất hiếm có mưa, những cánh rừng trên địa bàn An Giang chống chịu với tình trạng mực nước thấp, không mưa và nắng nóng.

Sang tháng 3, mưa trái mùa xuất hiện nhiều hơn. Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang Lưu Văn Ninh cho biết, tổng lượng mưa tháng 3/2022 cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 13,4-113,9mm. Từ nửa cuối tháng 3 đến nửa đầu tháng 4, các đợt mưa trái mùa với mưa ở diện rải rác đến nhiều nơi, có nơi mưa vừa, mưa to, kèm theo giông, lốc, sét. Cụ thể, đợt 1 kéo dài 6 ngày (từ ngày 18 đến 23/3), mưa phổ biến từ 5-34mm; đợt 2 kéo dài trong 11 ngày (từ ngày 27/3 đến 6/4), phổ biến có mưa vừa, mưa to. Đây được xem như những “cơn mưa vàng” tắm mát các cánh rừng, giúp giảm nguy cơ cháy.

Tuy nhiên, sau những cơn mưa trái mùa, nắng nóng vẫn còn phổ biến. Theo ông Lưu Văn Ninh, từ tháng 4/2022, áp cao lạnh lục địa vẫn còn hoạt động tăng cường ở phía Bắc, nén áp thấp nóng phía Tây phát triển mạnh và mở rộng về phía Đông Nam. Do vậy, nền nhiệt độ trên toàn tỉnh An Giang tăng mạnh, xuất hiện nắng nóng diện rộng trên phạm vi toàn tỉnh. Nhiệt độ trung bình khu vực An Giang từ tháng 4, 6 ở mức xấp xỉ TBNN; từ tháng 7, 10, nhiệt độ trung bình ở mức cao hơn 0,5-1oC so với TBNN. Dự báo, khu vực An Giang có khoảng 6-7 đợt nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất vào khoảng 35-37oC, xuất hiện nhiều trong nửa cuối tháng 4 đến tháng 5/2022. Đến nửa đầu tháng 6, trong tỉnh có khả năng vẫn còn xuất hiện 1-2 đợt nắng nóng diện rộng.

Tín hiệu mừng đối với rừng là thời kỳ bắt đầu mùa mưa năm nay có khả năng xuất hiện sớm hơn TBNN, rơi vào khoảng cuối tháng 4 đến đầu tháng 5/2022. Tổng lượng mưa trong tháng 4, 5 phổ biến cao hơn TBNN từ 15-20%; tổng lượng mưa từ tháng 6, 9 ở mức thấp hơn TBNN; tổng lượng mưa tháng 10/2022 ở mức xấp xỉ và cao hơn TBNN. Trong mùa mưa, khu vực tỉnh An Giang có khả năng xảy ra khoảng 4-6 đợt mưa lớn diện rộng.

Phát huy “4 tại chỗ”

Nỗ lực bảo vệ rừng từ đầu mùa khô đến nay nên trước khi mùa mưa đến, ngành nông nghiệp cùng các lực lượng kiểm lâm, quân sự, công an, bộ đội biên phòng và người dân, các địa phương ở khu vực có rừng càng tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ hơn nữa. Toàn ngàng quyết tâm phòng cháy tốt, chữa cháy kịp thời, hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; dụng cụ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.

Chi cục Kiểm lâm An Giang, Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh phối hợp các ngành, lực lượng triển khai thực hiện các biện pháp đồng bộ nhằm phát hiện kịp thời, ngăn chặn, xử lý hiệu quả những vụ chặt phá rừng, lấn rừng phòng hộ đồi núi, làm thay đổi cảnh quan, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp không đúng mục đích. Đồng thời, thực hiện xây dựng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, triển khai Đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh để tạo thêm thu nhập cho các hộ trồng rừng, góp phần bảo vệ rừng bền vững.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh là 16.868ha, gồm vùng đồi núi và đồng bằng. Trong đó, tổng diện tích vùng trọng điểm cháy 7.368,6ha (chiếm 43,7%), gồm: Huyện Tri Tôn 4.406,7ha (vùng đồi núi 2.550ha; vùng đồng bằng 1.856,7ha: Rừng tràm Bình Minh 612,1ha, rừng tràm Tân Tuyến 256ha, rừng tràm Lâm trường Tỉnh đội 975,6ha); huyện Tịnh Biên 2.912ha (rừng tràm Trà Sư, rừng tràm Nhơn Hưng, khu vực núi Phú Cường, cụm núi Đất, khu vực núi Nhọn, khu vực đồi Kakô, khu vực Latina - Tà Lọt thuộc núi Cấm); TP. Châu Đốc 49,9ha (khu vực núi Sam); huyện Thoại Sơn 50ha (khu vực núi Tượng, núi Nhỏ, núi Sập).

Ngay từ đầu mùa khô, Chi cục Kiểm lâm An Giang đã khẩn trương rà soát, kiểm tra các phương tiện, dụng cụ phòng cháy hiện đang quản lý để bố trí phù hợp. Trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ năm 2022, đơn vị đã trang bị bổ sung máy móc và những dụng cụ chữa cháy cần thiết để đủ sức chữa cháy rừng. Các phương tiện, dụng cụ và lực lượng được chuẩn bị sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ”, có danh sách bố trí cụ thể để phổ biến đến ban chỉ huy các cấp. Ngành chức năng đã tổ chức kiểm tra các điểm trữ nước, bồn, hồ nước trên vùng đồi núi. Đồng thời, xây dựng kế hoạch khảo sát, kiểm tra một số khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy để có phương án xử lý, bổ sung kịp thời.

Khi có nguy cơ cháy rừng cấp IV, các hạt, trạm kiểm lâm phải thông báo ngưng các hoạt động trong rừng tại những khu vực rừng dễ cháy, nơi có khách du lịch thường lui tới. Đồng thời, thông tin tuyên truyền cảnh báo cháy trên website của Chi cục Kiểm lâm An Giang (http://www.kiemlamangiang.gov.vn).

 

NGÔ CHUẨN